Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật ngày 03/12 được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề Người khuyết tật, quyền của Người khuyết tật được hòa nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống như chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa trong cộng đồng. Ngày này cũng động viên Người khuyết tật phấn đấu giành sự bình đẳng trọn vẹn về nhân quyền và quyền được tham gia hoàn toàn vào xã hội. Ngày Quốc tế Người khuyết tật do Chương trình Thế giới Hành động về Người khuyết tật khởi xướng và được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1982. Kỷ niệm Ngày này nhằm mục đích thúc đẩy sự hiểu biết, nâng cao nhận thức về các vấn đề về Người khuyết tật, huy động sự hỗ trợ vì nhân phẩm, quyền cũng như những phúc lợi cho Người khuyết tật. Bên cạnh đấy cũng tìm cách nâng cao nhận thức về những lợi ích bắt nguồn từ sự hòa nhập toàn diện của Người khuyết tật trên mọi khía cạnh của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa.
Trong lịch sử hoạt động của mình, Liên Hợp Quốc luôn nỗ lực để đảm bảo tất cả mọi người đều hoàn toàn có quyền tham gia vào các hoạt động cộng đồng, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và tất cả mọi người đều được bình đẳng tham gia vào xã hội. Tổ chức này cũng cam kết sẽ giúp Người khuyết tật được hưởng đầy đủ nhân quyền và điều này cũng bắt nguồn từ mong muốn đi tìm lẽ công bằng và sự vô tư trong mọi khía cạnh phát triển xã hội. Chương trình Thế giới Hành động về Người khuyết tật và các quy chuẩn về công bằng các cơ hội dành cho Người khuyết tật được đưa ra trong cam kết của tổ chức trong khung chính sách quốc tế, những quy định đó được thúc đẩy trong Công ước quốc tế về Quyền của người Khuyết tật, một công cụ pháp luật quốc tế, để trao cho Người khuyết tật và cộng đồng Người khuyết tật trên khắp thế giới quyền được hưởng cuộc sống tốt hơn.
Nhân Ngày quốc tế người khuyết tật năm 2013, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon cho biết: Chúng ta cần loại bỏ các thách thức cản trở sự hòa nhập và tham gia của những Người khuyết tật trong xã hội, đặc biệt là thay đổi các hành vi phân biệt đối xử và thành kiến. Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên Hợp Quốc còn nhấn mạnh: Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để bảo đảm rằng cơ sở hạ tầng và các dịch vụ thúc đẩy sự phát triển công bằng và bền vững, không loại trừ bất cứ ai. Điều này đòi hỏi phải bảo đảm sự tham gia thực sự vào các hoạt động có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những Người khuyết tật bằng cách cung cấp cho họ một môi trường thuận lợi.
Năm 2007, Chính phủ Việt Nam cũng đã ký Công ước về quyền của người khuyết tật. Bên cạnh đó, sự ra đời của Luật Người khuyết tật và Đề án Quốc gia trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 đã đánh dấu một bước tiến lớn trong cam kết của Chính phủ trong việc tiến tới phê chuẩn Công ước.
Tại Việt Nam, ngày 30 tháng 7 năm 1998 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 06/1998/PL-UBTVQH10 về Người tàn tật. Tại điều 31 có quy định lấy ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày bảo vệ, chăm sóc Người tàn tật. Sau này, khi Luật Người khuyết tật Việt Nam, Luật số: 51/2010/QH12, tại điều 11 chính thức ghi nhận ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày Người khuyết tật Việt Nam.
Từ ngày 18 tháng 4 năm 1998, khắp nơi trong cả nước đều có các hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng, chào mừng ngày Người khuyết tật Việt Nam. Ngày này được coi là ngày hội của Người khuyết tật. Các tổ chức, tập thể, cá nhân có liên quan đến Người khuyết tật đều có các hành động để hướng đến ngày này. Các hoạt động trong ngày Người khuyết tật Việt Nam như giao lưu văn nghệ – thể thao, toạ đàm, hội nghị, hội thảo, tư vấn và tuyển dụng việc làm, tư vấn kỹ năng sống, hướng dẫn chăm sóc bảo vệ sức khỏe, khám chữa bệnh miễn phí… dành cho Người khuyết tật được triển khai khắp nơi trong cả nước.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong các hoạt động hỗ trợ Người khuyết tật. Nhiều văn bản chính sách mới ra đời và được thực thi mang lại nhiều cơ hội phát triển cho Người khuyết tật: Luật Người khuyết tật được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, Quốc hội khóa 13 đã phê chuẩn công ước quốc tế về Người khuyết tật vào ngày 28/11/ 2014 (trước đây Việt Nam đã ký ngày 22/10/2007 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Newyork) và gần đây nhất vào ngày 26/10/2015 là thành lập Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam.
Kể từ năm 2019, Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam chính thức công bố chủ đề cho ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4/2019 là “Tiếp cận cho mọi người”. Mỗi năm Liên hiệp hội sẽ đưa ra một chủ đề với thông điệp khác nhau nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền và sự hoà nhập của Người khuyết tật Việt Nam.
Để tiếp tục thực hiện các chính sách, pháp luật cũng như những cam kết quốc tế, để động viên, chia sẻ và giúp đỡ, hỗ trợ Người khuyết tật một cách thiết thực, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp về Người khuyết tật; tổ chức thực hiện tốt những quy định liên quan đến Người khuyết tật cũng như những chính sách, quy định khuyến khích Người khuyết tật, các tổ chức, cá nhân tham gia giúp đỡ, hỗ trợ Người khuyết tật cả về vật chất và tinh thần. Hy vọng với tinh thần, truyền thống “ tương thân tương ái”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, trong thời gian tới, những hoạt động từ thiện nhân đạo sẽ tiếp tục phát triển để góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo tốt hơn cho Người khuyết tật.
Những năm qua, hoạt động chăm sóc, trợ giúp và bảo vệ quyền người khuyết tật trên địa bàn huyện Ea H’Leo được các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội quan tâm, cơ bản đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của Người khuyết tật, nhất là những người có công với đất nước, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người thuộc diện nghèo. Triển khai tốt các hoạt động thăm, tặng quà Người khuyết tật và các hoạt động văn hóa tinh thần cho Người khuyết tật. Người khuyết tật đã được hưởng các chính sách thương binh, trợ cấp xã hội tại cộng đồng; được cấp thẻ bảo hiểm y tế, phục hồi chức năng…Nhiều gia đình và Người khuyết tật được tặng nhà tình thương, phương tiện đi lại, công cụ lao động, được hỗ trợ trong tìm kiếm việc làm, hoạt động tập thể./.
Nguồn: Tuyết Mai – Báo Đắk Lắk