Cả nước hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó khoảng 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật. Hầu hết những người khuyết tật nhất là phụ nữ đều cảm thấy tự ti, mặc cảm với những khiếm khuyết của bản thân mình. Điều đó làm cho họ khó hòa nhập và thành công trong cuộc sống.
Để người khuyết tật thực hiện ước mơ “đứng thẳng”
Người khuyết tật cần sự giúp đỡ của cộng đồng.
Để có thể thành công trong cuộc sống thì người khuyết tật cần phải bỏ qua mọi mặc cảm tự ti và cố gắng, kiên trì hòa nhập với cộng đồng. Ngoài ra, họ rất cần những “bàn tay” nâng bước họ thực hiện ước mơ “đứng thẳng”.
Nhiều công việc người khuyết tật dễ thích nghi
Những người tàn tật luôn khao khát có công việc để có thể tự lao động nuôi sống chính mình giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế cho gia đình và xã hội. Người khuyết tật rất khó tiếp cận vào điều kiện làm việc của người tuyển dụng lao động cũng như di chuyển. Vì vậy, họ rất cần những công việc có thể làm tại nhà, hoặc Trung tâm việc làm mà vẫn có thu nhập.
Hiện nay, nhiều Trung tâm việc làm dành cho người khuyết tật được mở ra trong đó có công việc: thêu ren, đan, cắt may, tranh đá, làm gốm sứ qua các nghề truyền thống Việt Nam. Phụ nữ khuyết tật có thể làm công việc tin học văn phòng, làm bánh ngọt, chế biến các món ăn, sửa xe máy, vi tính…
Với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin 4.0 như hiện nay, chỉ cần có một chiếc máy tính được nối mạng, NKT đã có thể tiếp cận với những cơ hội nghề nghiệp dễ dàng hơn xưa. Một trong những lĩnh vực quan trọng thể hiện sự hòa nhập cộng đồng hay nói cách khác là việc kết nối với xã hội của người khuyết tật được thể hiện qua khả năng tiếp cận và sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại như điện thoại, máy tính và mạng internet.
Công nghệ thông tin như điện thoại, máy tính và mạng internet đã và đang trở thành công cụ hỗ trợ cho con người trong các hoạt động hàng ngày, đặc biệt là trong lao động, tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong đời sống. Với người khuyết tật, công nghệ thông tin càng trở nên có ý nghĩa trong học tập, lao động, sinh hoạt và tham gia vào các hoạt động xã hội.
Những lợi ích mà công nghệ thông tin mang lại cho thấy công nghệ thông tin đã trở thành cánh tay của người khuyết tật vận động, đôi tai của người khiếm thính, đôi mắt của người khiếm thị. Chính việc chỉ cần ngồi một chỗ sử dụng máy móc, công nghệ điện tử, mạng internet để học tập, chia sẻ, tiếp nhận thông tin đã trở thành lợi thế quan trọng để người khuyết tật tiếp cận và làm những công việc liên quan đến lĩnh vực này.
Có nhiều tòa soạn báo giấy, tạp chí, các trang báo điện tử và các công ty bán hàng trực tuyến… cần tuyển cộng tác viên để viết bài. Bạn có thể viết một bài báo, viết truyện ngắn, sáng tác thơ, vài mẫu truyện cười, hay vẽ tranh biếm họa, viết các lời bình quảng cáo, hay viết luận văn. Còn những công ty muốn Marketing trên mạng sẽ tuyển bạn viết các bài về công ty cũng như sản phẩm, dịch vụ của họ để đưa lên các Forum, cộng đồng, mạng xã hội. Những người khuyết tật nếu có chút năng khiếu hãy thử sức mình.
Mỗi dạng khuyết tật riêng phù hợp với một công việc riêng. Người khiếm thị vẫn có thể làm tốt công việc chăm sóc khách hàng qua điện thoại; người khiếm thính thường thì có đôi bàn tay cực khéo và cảm quan mỹ thuật rất tốt; người khuyết tật ở chân không ngăn họ trở thành một nhân viên công nghệ xuất sắc hay một đầu bếp giỏi…
Ở góc nhìn nhân sự, người khuyết tật có tính cam kết gắn bó với công việc rất cao; và sự hiện diện của họ cũng là động lực cho những nhân viên còn lại cố gắng làm việc. Hiểu thêm về người khuyết tật sẽ giúp doanh nghiệp bớt e dè khi tuyển dụng họ.
Người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng rất cần sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp với tư cách những người tiên phong tạo cơ hội, trao niềm tin cho người khuyết tật làm việc chứ không phải tạo một công việc cho có, theo kiểu nhìn nhận đó là việc từ thiện, tích phúc tích đức.
Cần lắm những “bàn tay” giúp người khuyết tật “đứng thẳng”
Nếu khuyết tật là một điều bất hạnh thuộc về số phận không thể tránh, thì giúp người khuyết tật hòa nhập lại là một lựa chọn. Chính vì thế vấn đề giúp đỡ NKT không phải là việc làm của một cá nhân nào mà rất cần được sự liên kết, hỗ trợ của tất cả mọi cá nhân, tổ chức. Trong những năm qua Nhà nước đang dần quan tâm đến các chính sách trợ giúp cho người kém may mắn.
Các chính sách ưu đãi đối với người khuyết tật đang dần được thực hiện như tăng mức trợ cấp hàng tháng, khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc, các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm…
Những việc cần làm để giúp đỡ người phụ nữ khuyết tật chính là giúp đỡ về tinh thần và cả vật chất để họ phần nào được an ủi, tự tin hòa nhập cộng đồng là việc làm rất cần thiết. Hiện nay có rất nhiều các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có các hoạt động giúp đỡ người khuyết tật bước ra cuộc sống với tâm lý thoải mái không còn tâm lý mặc cảm.
Đó là về công việc, còn cuộc sống đời thường, để có thể giúp đỡ người khuyết tật một cách hiệu quả nhất thì người thân, bạn bè cần phải nắm bắt được tâm lý của họ. đa phần NKT đều có tâm lý mặc cảm, tự ti e dè và ngại giao tiếp với xã hội là hiện tượng phổ biến thường gặp.
Do đó, để giúp họ cảm thấy tươi vui và sống tích cực hơn, người thân nên tạo điều kiện cho họ làm những việc nhà vừa sức như gấp quần áo, tưới cây, may vá, sửa chữa đồ gia dụng đơn giản. Những việc này phần nào giúp người khuyết tật cảm thấy tích cực hơn và tự tin hòa nhập cùng mọi người. Dù người thân chăm sóc người khuyết tật ở mức độ nào cũng nên khuyến khích họ thực hiện các hoạt động cá nhân này, nhằm khiến họ tự tin hòa nhập với cuộc sống hơn.
Cuộc sống có rất nhiều tấm lòng, chương trình thiện nguyện để giúp đỡ trong sinh hoạt hàng ngày như cõng bạn đến trường, trợ giúp NKT vận động nặng, sinh hoạt cá nhân hàng ngày, đội ngũ xe ôm miễn phí đưa, tạo sân chơi cho người khuyết tật tiêu biểu như cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”, đại hội thể thao người khuyết tật Paragame, cuộc thi sáng tác thơ, gameshow giai điệu trái tim sân chơi ca hát dành cho người khuyết tật… Về mặt vật chất, nhiều tấm lòng thiện nguyện giúp đỡ người khuyết tật thể hiện ở việc trao tặng xe 3 bánh cho NKT, đồ dùng cá nhân, trợ giúp học phí trong quá trình đào tạo nghề, tìm việc làm…
Hơn ai hết, người khuyết tật mong được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng. Họ cần được hướng dẫn, tư vấn, phổ biến kiến thức về cách tự chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa giảm thiểu bệnh tật. Với các trường hợp như bệnh lý hay tai nạn, người khuyết tật có thể luyện tập phục hồi chức năng bằng các phương pháp vật lý trị liệu. Tùy theo mức độ khiếm khuyết mà chuyên gia sẽ đưa ra các bài tập phù hợp giúp người khuyết tật có thể phục hồi được phần nào khả năng vận động.
Các cơ quan chức năng xây dựng các công trình công cộng, trung tâm vui chơi giải trí giành riêng cho người khuyết tật. Đây là một trong những việc cần làm để giúp đỡ người khuyết tật trong quá trình hòa nhập xã hội. đang được cộng đồng người khuyết tật quan tâm, bởi vì ở nước ta các công trình công cộng như đường dành cho xe lăn, lối lên xuống các tòa nhà, bến xe, biển báo chỉ dẫn làn đường… còn có rất ít, chưa phù hợp khi người khuyết tật tham gia giao thông.
Ngoài ra, các trường học cần lồng ghép các kiến thức về người khuyết tật vào hoạt động ngoại khóa ngay từ bậc tiểu học. Trong tâm hồn non nớt của trẻ thơ, đôi khi chúng sẽ có suy nghĩ kỳ thị người khuyết tật do những khiếm khuyết hình thể của họ. Do đó, giới thiệu, giảng dạy cho các các em biết về người khuyết tật có thể giúp thay đổi suy nghĩ, cách nhìn nhận về người khuyết tật ngay từ sớm. Từ đó, cái nhìn của các em về người khuyết tật sẽ được thay đổi, sự phân biệt đối xử đối với người khuyết tật cũng sẽ được xóa nhòa.
Có rất nhiều dạng khuyết tật khác nhau nhưng thông thường, những người khuyết tật sẽ được chia thành 4 nhóm chính: Tàn tật vận động gồm những người bị dị dạng, cụt hoặc liệt các chi, lệch cột sống… Những người này gặp nhiều khó khăn do bị suy giảm chức năng vận động đáng kể;
Tàn tật về ngôn ngữ gồm những người câm điếc, khuyết tật cơ quan phát âm… Họ gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với người khác;
Thiểu năng trí tuệ là những những người mắc hội chứng Down, suy giảm trí tuệ. Họ cũng gặp nhiều trở ngại trong khả năng tư duy và hòa nhập với cộng đồng;
Tàn tật về cơ quan thị giác là những người bị khiếm thị, họ cũng phải đối mặt với nhiều bất lợi khi hòa nhập với cuộc sống.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng khuyết tật như bẩm sinh, tai nạn hoặc bệnh tật. Nhưng dù là nguyên nhân nào, người chăm sóc người khuyết tật cũng cần có giải pháp giúp họ hòa nhập cộng đồng và sống vui vẻ, lạc quan.
Nguồn: Bảo Mi – Báo Pháp Luật