Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục trong đó trẻ khuyết tật cùng học với trẻ em khác trong trường phổ thông tại nơi trẻ sinh sống. Nước ta đã triển khai chính sách giáo dục hòa nhập từ năm 2002 nhưng dịch vụ giáo dục cho người khuyết tật được cung cấp tương đối hạn chế, đặc biệt là các dịch vụ phát hiện sớm và can thiệp sớm.
Chú trọng thúc đẩy và bảo vệ quyền của người khuyết tật
Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng hơn 8 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm 7,8% dân số cả nước với các dạng khuyết tật: Khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật vận động, khuyết tật ngôn ngữ, đa tật. Trong những năm tới, dự báo số lượng NKT ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục gia tăng do ảnh hưởng của chất độc da cam dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh, do tác động của ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông và ảnh hưởng của thiên tai…
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có số lượng người khuyết tật (NKT) cao do hậu quả của chiến tranh. Vì vậy, trong những năm qua Đảng và Nhà nước luôn coi trọng các chính sách dành cho NKT nói chung, các chính sách giáo dục cho trẻ em khuyết tật nói riêng. Trong đó, chú trọng vào việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của NKT để bảo đảm cho họ về vấn đề vật chất lẫn tinh thần, hỗ trợ họ phát triển bản thân với khả năng tối đa của mình.
Giáo dục hòa nhập (GDHN) là một quá trình tăng cường năng lực cho hệ thống giáo dục để tiếp cận với mọi người học và vì thế, GDHN được coi là một chiến lược quan trọng để đạt được giáo dục cho mọi người. GDHN cũng là một phương thức giáo dục trong đó trẻ khuyết tật cùng học với trẻ em khác trong trường phổ thông tại nơi trẻ sinh sống. GDHN dựa trên quan điểm xã hội trong việc nhìn nhận trẻ khuyết tật.
Kể từ đầu những năm 1990, Nhà nước đã tiến hành xây dựng các chính sách nhằm bảo đảm trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục. Vấn đề này đã được đề cập đến trong kế hoạch quốc gia “Giáo dục hòa nhập đến 2015” với mục tiêu cung cấp GDHN cho tất cả trẻ em khuyết tật vào năm 2015. Để biểu đạt cam kết quốc tế và khu vực cũng như thực hiện mục tiêu GDHN, Việt Nam đã xây dựng một khung pháp lý vững chắc ở nhiều cấp.
Đảm bảo quyền bình đẳng và cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật được thể hiện trong nhiều văn bản qui phạm pháp luật của nước ta, tiêu biểu như việc Quốc hội thông qua Công ước Liên Hợp quốc về quyền của NKT (UNCRPD) chứng tỏ cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ quyền của NKT ở mọi lứa tuổi vào tháng 11/2014; Năm 2010 Quốc hội đã thông qua Luật Người khuyết tật; năm 2005 thông qua Luật Giáo dục; năm 2004 thông qua Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em… nhằm đảm bảo sự chăm sóc và phúc lợi cho NKT, đảm bảo quyền bình đẳng và cơ hội giáo dục đầy đủ cho mọi công dân.
Năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã ban hành Thông tư liên tịch số 42 hướng dẫn về việc nhập học, tuyển sinh, miễn giảm học phí và một phần nội dung chương trình, cho phép các trường yêu cầu nguồn kinh phí để hỗ trợ GDHN cho trẻ khuyết tật. Bộ LĐTBXH đã ban hành các quyết định về việc trợ cấp hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ khuyết tật nặng có giấy xác nhận của cơ quan y tế….
Các chính sách giáo dục đối với NKT được qui định trong Luật và các văn bản qui phạm pháp luật khác cho thấy công tác giáo dục NKT đã được cụ thể hóa và triển khai thực hiện. Ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cũng đã được thành lập ở Bộ Giáo dục và Đào tạo và ở các địa phương.
Luật Người khuyết tật dành một chương qui định về giáo dục đối với NKT (từ Điều 27 đến Điều 32), trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm hòa nhập của NKT. Đồng thời, Luật này cũng đã qui định cụ thể về phương thức giáo dục NKT, chính sách hỗ trợ với nhà giáo và nhân viên hỗ trợ NKT học tập, trách nhiệm của cơ sở giáo dục và trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN.
Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo để ban hành qui định về thống nhất sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong toàn quốc, nghiên cứu biên soạn tài liệu ngôn ngữ ký hiệu dành cho các cấp học phổ thông, xây dựng các chương trình giáo dục đặc biệt đối với trẻ khuyết tật, đẩy mạnh đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Hiện nay, trên cả nước có hơn 20 trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN và khoảng hơn 100 cơ sở giáo dục chuyên biệt. Các trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN cấp tỉnh đã và đang thực hiện tốt các chức năng cơ bản là tư vấn, hỗ trợ cho giáo viên, phụ huynh học sinh và trẻ khuyết tật, can thiệp sớm, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, cán bộ nhân viên và cộng đồng.
Thực tiễn triển khai chính sách giáo dục hòa nhập ở Việt Nam và một số khuyến nghị
Các chính sách, pháp luật để hỗ trợ NKT ban hành ở cấp quốc gia đã được áp dụng và triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, tùy thuộc vào các nguồn lực địa phương, việc thi hành và thực hiện chính sách đa dạng và mức độ của dịch vụ trợ giúp NKT là khác nhau. Bên cạnh đó, có sự đa dạng hóa các phương pháp và các loại dịch vụ của các cơ sở giáo dục cho NKT, bao gồm giáo dục chuyên biệt, giáo dục bán hòa nhập và GDHN, ở cả cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục tư thục. Trung tâm hỗ trợ và phát triển GDHN đã được thành lập và hoạt động tại nhiều tỉnh. Hầu hết các tỉnh đều có các dự án hoặc chương trình hỗ trợ GDHN cộng đồng. Công tác đào tạo và phát triển chuyên môn cho cán bộ và giáo viên trong hệ thống giáo dục và đào tạo ở Việt Nam tương đối tốt. Trên 70% giáo viên phản hồi rằng họ đã được tập huấn về cách dạy trẻ em khuyết tật. Song, tổng số giáo viên có bằng cấp về giáo dục chuyên biệt tương đối thấp, phần lớn trong số họ đều được hướng dẫn ít nhất một lần kỹ năng dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật, và họ đều mong muốn được đào tạo thêm kỹ năng dạy hiệu quả cho trẻ khuyết tật. Hoạt động đào tạo giáo viên dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật cần được tiếp tục tăng cường nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các chính sách và chương trình GDHN cho trẻ khuyết tật.
Tuy nhiên, giữa những chính sách đã được ban hành và thực tiễn triển khai cũng còn có những khoảng cách. Đa số NKT vẫn bị coi như đối tượng cần được bảo trợ, và ít được tiếp cận tới các dịch vụ hỗ trợ khác. Để bảo đảm hiệu quả thực thi chính sách và cải thiện khả năng hòa nhập xã hội của NKT, cán bộ làm công tác trợ giúp NKT và bản thân NKT cần được nâng cao nhận thức và kiến thức về các chính sách có liên quan đến NKT.
Nước ta đã triển khai chính sách GDHN từ năm 2002 nhưng dịch vụ giáo dục cho NKT được cung cấp tương đối hạn chế, đặc biệt là các dịch vụ phát hiện sớm và can thiệp sớm. Những thách thức cản trở việc cung cấp dịch vụ giáo dục hiệu quả cho trẻ khuyết tật bao gồm: thiếu nhân sự, thiếu cơ hội đào tạo, cơ sở hạ tầng không đảm bảo và thiếu trang thiết bị dạy học.
Nguồn tài chính để hỗ trợ công việc cho NKT không đủ và thụ động. Ngân sách phân bổ cho hệ thống dịch vụ dành cho NKT nói chung và giáo dục nói riêng chủ yếu đến từ ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch ngân sách hàng năm của các địa phương. Việc huy động từ các nguồn xã hội hóa giáo dục bên ngoài để hỗ trợ NKT cũng đã được thực hiện ở các địa phương, nhưng ngân sách huy động từ cộng đồng và các tổ chức không ổn định. Cùng với đó là sự thiếu chiến lược cho sự phát triển các hệ thống dịch vụ giáo dục và nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục cho NKT. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục hiện tại không đủ điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ cho NKT, giáo viên dạy học sinh khuyết tật còn thiếu các tài liệu hướng dẫn. Các thiết bị trợ giúp như xe lăn, máy trợ thính, các phần mềm hỗ trợ, chữ nổi, kính, gậy cho người mù… NKT phải tự trang bị hoặc được các tổ chức từ thiện tài trợ và thường không có sẵn cho học sinh trong các trường học.
Giáo viên giáo dục chuyên biệt học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ
Công tác phối hợp liên ngành trong việc cung cấp dịch vụ cho NKT còn hạn chế. Ngành Giáo dục thường phối hợp với các ngành khác trong việc cung cấp dịch vụ cho NKT. Sự phối hợp giữa ngành Y tế và Giáo dục trong việc phát hiện sớm và can thiệp sớm không được như mong đợi.
Việc triển khai những chế độ, chính sách, qui định của Nhà nước về GDHN cho NKT cũng không được như mong đợi. Một trong những nguyên nhân chính là do còn có sự không nhất quán và chồng chéo ở các văn bản hướng dẫn thực hiện (nghị định, thông tư và các qui định ngành). Các văn bản hướng dẫn thực hiện là do các Bộ xây dựng và hầu như không có sự tham vấn trong quá trình dự thảo. Nhiều chính sách được xây dựng chưa dựa trên các bằng chứng đầy đủ và cũng thiếu điều tra cơ bản để cung cấp luận cứ khi xây dựng chính sách. Việc thực hiện và hiệu quả của các chính sách thường không được giám sát và đánh giá thường xuyên. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến chính sách đối với NKT và GDHN đối với NKT chưa có sự quan tâm đúng mức. Cả hai đối tượng thụ hưởng và nhân viên thực hiện ở cấp địa phương ít có tiếng nói trong quá trình xây dựng chính sách. Ngoài ra còn những thách thức khác bao gồm: Năng lực của hệ thống dịch vụ hỗ trợ NKT và phối hợp đa ngành còn hạn chế. Điều này đã tạo nên nhiều khó khăn trong việc thực hiện Luật NKT tại các địa phương.
Để nâng cao hiệu quả công tác GDHN đối với NKT ở nước ta, Ngành GD&ĐT cần xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh công tác nâng cao nhận thức, phổ biến, hướng dẫn chính sách hỗ trợ về giáo dục NKT cho tất cả cán bộ, giáo viên, NKT và cộng đồng. Cùng với đó, Ngành Giáo dục cần phải phát triển một chiến lược để củng cố và phát triển hệ thống hỗ trợ giáo dục của ngành từ nay đến ít nhất là năm 2025. Những chiến lược này nên tập trung vào việc cung cấp dịch vụ toàn diện, đa dạng để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của NKT, phát triển dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ tại cộng đồng, đặc biệt tập trung vào việc phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật; chuyển dịch cơ cấu và phát triển hệ thống giáo dục, phát triển nguồn nhân lực ở các cấp địa phương và cộng đồng; đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng cho các cơ sở cung cấp dịch vụ.
Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH cần phối hợp chặt chẽ với nhau và hợp tác với các cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp tục phát triển và thí điểm xây dựng mô hình dịch vụ hỗ trợ NKT mới dựa trên các bài học kinh nghiệm từ các mô hình hiện có, tập trung vào hợp tác đa ngành giữa các ngành khác nhau và giữa các cấp khác nhau trong một khu vực. Ngoài ra, mỗi ngành cần thành lập một cơ quan phụ trách tiến hành nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao để hỗ trợ NKT, đặc biệt hỗ trợ phục hồi chức năng và giáo dục cho NKT.
Chính phủ và các bên liên quan cần phát triển một hệ thống giám sát và đánh giá để theo dõi việc thực hiện các chính sách hỗ trợ NKT nói chung và giáo dục cho NKT nói riêng. NKT, các tổ chức của NKT và cho NKT cần phải được tham gia vào việc giám sát và đánh giá các chính sách và các chương trình hỗ trợ NKT.
Nguồn: Đặng Thị Thảo Lan – Lao Động Xã Hội