Đã bao giờ bạn có cảm giác đang đứng/ ngồi bỗng thấy trời đất xoay vòng, hay nằm trên giường mà như say xe, trần nhà chao đảo? Bạn không đơn độc đâu, theo các thống kê có đến 90% người đều trải nghiệm qua cảm giác chóng mặt.
Chóng mặt – những “cơn say bất chợt”
Ở người bình thường, nhiều trường hợp dù thay đổi tư thế vẫn không cảm thấy chóng mặt là do có hệ thống tiền đình và ốc tai luôn trong tư thế sẵn sàng làm việc giúp giữ thăng bằng, định hướng cho cơ thể trong không gian.
Ngược lại, một số người thường xuyên cảm thấy chóng mặt kể cả sinh hoạt bình thường không có sự thay đổi tư thế. Điều này do bất cứ sự thay đổi bất thường nào làm thiếu hụt hoặc gián đoạn tạm thời dòng máu lên não hoặc tiền đình ốc tai.
Thực tế, chóng mặt không phải là một bệnh mà là một triệu chứng. Có đến “vài chục” nguyên nhân gây ra cơn chóng mặt. Trong đó có những nguyên nhân liên quan đến hệ thống tiền đình, bao gồm những nguyên nhân tổn thương tiền đình ngoại biên hoặc tổn thương tiền đình trung ương.
Chóng mặt do tổn thương tiền đình ngoại biên, thường gặp nhất là do chóng mặt tư thế kịch phát (chiếm khoảng 50% các trường hợp), viêm thần kinh tiền đình, xơ cứng tai. Trong rối loạn tiền đình ngoại biên, chóng mặt thường gây nhiều khó chịu hơn thương tổn thương trung ương nhưng xảy ra từng hồi ngắn và có thể kèm theo triệu chứng tổn thương thần kinh thính giác như ù tai hoặc điếc.
Còn chóng mặt do bệnh lý tiền đình trung ương (bệnh lý mạch máu não, viêm, u, xơ rải rác từng đám…) thường sẽ có nguy cơ gây nguy hiểm nhiều hơn vì liên quan đến các tổn thương của não. Khi đó, cơn chóng mặt cường độ thường không dữ dội bằng nhưng lại có những biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương báo động nguy hiểm như rối loạn thị giác, đau đầu dữ dội, nói đớ, tê yếu tay chân…và người bệnh cần phải được xử lí càng nhanh càng tốt.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác có thể gây ra chóng mặt liên quan đến tiểu não, thị giác, rối loạn cảm giác, các bệnh lý nội khoa, thuốc, tâm lý…
Nên làm gì, ăn gì khi bị chóng mặt?
Khi bị chóng mặt ở mức độ nhẹ, bạn sẽ có cảm giác đang bị xoay tròn giữa các sự vật xung quanh nhưng thực tế lại không có một loại chuyển động nào khi đang ở tư thế ngồi xuống, đứng lên hay khi đi lại, khi ngồi trên các phương tiện giao thông.
Ở mức độ vừa, người bệnh bị chóng mặt, đầu óc choáng váng, như say rượu, mọi vật đều xoay, người lảo đảo, kèm theo buồn nôn hoặc nôn, mất thăng bằng khi xoay người, đổi tư thế.
Cơn chóng mặt ở mức độ nặng biểu hiện nôn mửa dữ dội, mọi vật quay cuồng, mắt nhắm nghiền vì rung giật nhãn cầu, đau đầu, đầu như bị chèn ép, bước đi lộn nhào, sợ ánh sáng và sợ cả tiếng động.
Khi bị chóng mặt nhiều, nên ngồi xuống hoặc nằm xuống, nhắm mắt lại, bình tĩnh thở thật sâu. Nên nằm ở nơi có bóng mát, không bị ánh sáng làm chói mắt và tránh cử động đầu mạnh.
Đối với chế độ ăn, sau khi cơn chóng mặt qua đi, bạn có thể uống cốc trà gừng, ưu tiên ăn đường đơn kèm đường phức hợp (mật ong, mật mía, nước ngọt) để giải quyết nâng đường huyết. Nhưng cần bổ sung đường phức hợp vì đường đơn chỉ giải quyết được tình trạng trong khoảng 30 phút. Đường phức hợp bao gồm bánh bích quy, bột ngũ cốc, sữa.
Không nên ăn kiêng, nhiều người sợ nôn nên thường nhịn ăn, điều này không đúng, bạn chỉ cần giảm 20-30% khẩu phần trong ngày và chia nhỏ các bữa ăn, uống nước đều đặn. Tốt nhất khi bị chóng mặt nên chọn các thức ăn đã được chuyển hóa một phần (cháo, súp), ưu tiên thêm các thực phẩm giàu lơxim não (có trong các thực phẩm thịt gia súc, gia cầm và các loại đậu) vì đây là axit amin thiết yếu, là chất dẫn truyền giúp cho việc chuyển hóa ôxy lên.
Hết “quay quay” vui sống mỗi ngày
Qua tuổi trung niên, cơn chóng mặt hay cảm giác choáng váng thường xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống của cả nam giới và phụ nữ. Nếu các triệu chứng chóng mặt chỉ xuất hiện thoáng qua rồi hết, thỉnh thoảng có lặp lại nhưng xuất hiện ngắn thì thường là lành tính. Bạn chỉ cần tăng cường nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
Tuy nhiên, khi các triệu chứng trên xuất hiện kéo dài, từ 30 phút trở lên, có thể kèm theo các dấu hiệu đau đầu bất thình lình, mờ mắt, giảm thính giác, mất định hướng với không gian và thời gian, nói khó khăn, tay chân run, yếu, mê, đi lại lảo đảo muốn té ngã, tê các đầu ngón chân tay, đau ngực hoặc nhịp tim nhanh hay chậm thì cần đi khám với bác sĩ để tìm nguyên nhân, từ đó mới có hướng điều trị phù hợp. Bởi các dấu hiệu này có thể báo hiệu bệnh nặng như thiếu máu, tai biến mạch máu não, u não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh xơ cứng rải rác…
Khi khám bệnh, phần lớn người bệnh chóng mặt sẽ được hỏi bệnh, điều này có thể giải quyết được 90% vấn đề. Ở một số trường hợp khác, chúng ta cần làm thêm một số xét nghiệm để đánh giá nguyên nhân và loại trừ. Chẳng hạn, nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị tiền đình trung ương thì cần phải làm thêm các cận lâm sàng như chụp CT hoặc MRI…
Việc điều trị chóng mặt là sự kết hợp nhiều yếu tố, bao gồm điều trị nguyên nhân, thay đổi lối sống lành mạnh, khoa học, tập các bài tập liên quan đến tiền đình phù hợp từng cá nhân.
Song song đó là dùng thuốc chống chóng mặt với 2 nhóm chính. Một là nhóm ức chế tiền đình, khi sử dụng người bệnh sẽ cảm thấy đỡ chóng mặt nhưng nếu chúng ta dùng lâu dài, dùng không có đơn thuốc đôi khi sẽ lại làm cản trở quá trình phục hồi tiền đình vì thế chúng ta cần sử dụng khi có kê đơn. Hai là thuốc có hoạt chất acetyl leucine hỗ trợ quá trình tự phục hồi cân bằng, người bệnh có thể dùng mà không cần kê đơn, vừa có hiệu quả, ít tác dụng phụ.
Bên cạnh việc dùng thuốc cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh sử dụng chất kích thích quá nhiều ví dụ như: café, rượu, bia, uống đủ nước… Nếu là chóng mặt do bệnh đau đầu migraine thì nên tránh một số các loại thực phẩm có khả năng kích hoạt cơn như socola, bột ngọt (mì chính)… Ngoài ra, nên tập thể dục đều đặn, giảm stress, cố gắng nghỉ ngơi và làm việc trong một không khí trong lành, ngủ đủ giấc.
Nguồn: Sức Khỏe và Đời Sống