Bị dị tật, cơ thể teo tóp sau một vụ tai nạn bom mìn khi mới 9 tuổi nhưng Lê Trường Giang (34 tuổi, ngụ xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã vượt lên tất cả khó khăn của nghịch cảnh bằng chính niềm đam mê tranh gạo.
Mới 9 tuổi, trong một lần chăn bò giúp gia đình ở quả đồi phía sau nhà, anh Giang đã gặp tai nạn bom mìn. Quả bom bi phát nổ làm hàng chục mảnh đạn văng vào người. Sau một tháng điều trị ở bệnh viện, cơ thể anh Giang bắt đầu teo tóp, sức khỏe giảm sút, các khớp xương bắt đầu bị vôi hóa. Từ đốt sống cổ trở xuống khung xương chậu anh đã bị liệt hoàn toàn.
Anh Giang kể, chỉ với một chiếc điện thoại di động cũ kỹ có chức năng truy cập internet đã đưa anh đến với nghề làm tranh gạo mà trước kia anh chưa hề nghĩ đến mình sẽ theo đuổi công việc này bởi mình bị khuyết tật, mất sức lao động.
“Từ nhỏ tôi đã thích vẽ tranh. Môn mỹ thuật của tôi từ bậc tiểu học lên đến trung học lúc nào mình cũng được cô thầy cho điểm cao. Sau này vì lý do sức khỏe nên tôi không thể theo học đến cấp 3, đành gác lại giấc mơ thi vào trường ĐH mỹ thuật. Đến khi vô tình biết đến dòng tranh bằng gạo này thì tôi nghĩ nó rất phù hợp với điều kiện sức khỏe và niềm yêu thích của tôi nên quyết định gắn bó”, anh Giang kể.
Không chỉ lên internet tự học,anh Giang còn lặn lội vào đến Kon Tum hơn 1 tháng trời để trải nghiệm thực tế, đúc rút kinh nghiệm từ những thợ làm tranh gạo chuyên nghiệp. Có được ít kinh nghiệm trong tay, anh Giang về quê và bắt đầu sáng tạo những bức tranh đầu tiên của mình.
Nhìn anh chăm chú, tỉ mỉ sắp xếp từng hạt gạo ít ai nghĩ rằng, để có thể giữ được đôi tay chắc chắn và đôi mắt tập trung anh đã phải tập luyện rất nhiều. Ông Lê Hải Hưng (bố anh Giang) cho biết: “Nhìn thấy nó (Giang – PV) chăm chú đứng tỉ mẩn bên những bức tranh gạo, chốc chốc lại đưa tay bóp những chỗ đau trên người mà tôi thương nó lắm!”.
Để có được những dụng cụ cho việc vẽ tranh, anh Giang đã “phá” chiếc xe đạp cũ không sử dụng để mài dũa thành những đồ dùng hữu ích cho công việc của mình.
Theo anh Giang, một bức tranh gạo đẹp điều quan trọng nhất người thợ cần làm đó chính là cách phối màu làm sao khi rang hạt gạo mình có thể sáng tạo ra nhiều màu khác nhau để có một bức tranh đẹp và sinh động. Ngoài ra người thợ làm tranh gạo cũng phải có đức tính cẩn thận, tỉ mỉ để sắp xếp hạt gạo thật chính xác và đẹp. Hiện tại giang có thể tạo ra 24 màu khác nhau từ gạo.
Do tranh gạo đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận nên một người thợ như anh Giang phải mất thời gian một tuần mới có thể hoàn thành một bức tranh hoàn chỉnh.
“Trong bức tranh gạo có những chi tiết nhỏ mà tôi phải tách hạt gạo ra nhiều phần khác nhau để sắp xếp sao cho bức tranh có tính thẩm mỹ cao”, anh Giang cho biết.
Dòng tranh gạo ở Quảng Bình là một mặt hàng mới lạ nên việc tìm đầu ra với anh Giang là vô cùng khó khăn. Những ngày đầu mới làm sản phẩm, anh Giang đã phải tự mình đi chào hàng tại các nhà hàng, khách san ở TP. Đồng Hới. Tuy nhiên, do dòng tranh quá mới nên nhiều chủ nhà hàng tỏ ra e ngại khiến anh Giang rất khó khăn trong việc tìm nơi tiêu thụ.
Đối với anh Giang, tranh gạo như một người bạn thật sự mà mỗi khi anh buồn hay gặp trắc trở trong cuộc sống thì anh lại gửi những tâm sự của mình qua những hạt gạo mang hình bóng quê hương.
“Hạt gạo không chỉ làm lương thực mà cũng có thể làm tranh, qua đó tôi muốn tôn vinh công sức của những người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt gạo. Ngoài bán thì tôi cũng muốn làm những bức tranh để tặng người nông dân thật thà, chất phác quê mình kỷ niệm”, anh Giang tâm sự.
Anh Lê Quang Toán, chuyên viên Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình cho biết: “Hội bằng những mối quan hệ của mình đã tạo điều kiện giúp đỡ anh Giang tiêu thụ sản phẩm. Hội hướng nghiệp cho anh Giang mở một lớp vẽ tranh gạo cho những người khuyết tật nhằm mở rộng quy mô nghề làm tranh gạo tại Quảng Bình. Tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, từ đó để tranh gạo được nhiều người biết đến hơn tại địa phương”.
Nguồn: Luận An – Hội Bảo Trợ Người Tàn Tật