Tiết kiệm chi phí đi lại, tránh được những rào cản về giao thông, có giờ làm việc linh hoạt, dễ dàng nhận được sự hỗ trợ từ xung quanh là những tiện ích khi người khuyết tật tham gia vào thương mại điện tử.
Sáng nay (1/12), Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Hội người mù Hà Nội tổ chức Chương trình đào tạo kinh nghiệm kinh doanh trực tuyến trên nền tảng công nghệ số. Chương trình diễn ra trong vòng 4 tháng cho 22 học viên là người khiếm thị.
Theo thống kê của UNDP, Việt Nam hiện có hơn 6,2 triệu người khuyết tật. Đây là một trong những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.
Đánh giá nhanh của UNDP về tác động kinh tế xã hội của Covid-19 cho thấy, có tới 30% người trả lời cho biết họ đang thất nghiệp vì đại dịch Covid-19. 49% người khác bị giảm thời gian làm việc. Trong số những người vẫn đang làm việc, 59% bị giảm thu nhập. 71% người trả lời đang làm việc là các công việc mùa vụ/không chính thức hoặc đang kinh doanh trong khu vực không chính thức, vì vậy có nguy cơ không thuộc nhóm được nhận các hỗ trợ từ gói phúc lợi xã hội của Chính phủ.
Hiện nay, chỉ những người có giấy chứng nhận khuyết tật đặc biệt nặng và nặng mới đủ điều kiện để nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ của Chính phủ và nhiều người khuyết tật nhẹ không nằm trong số này.
Chị Lương Thị Hải Yến, Hội người mù Long Biên (Hà Nội) chia sẻ, vốn làm dịch vụ tẩm quất, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng nổ, công việc của chị gần như bị ngưng trệ, lượng khách đến ít, nhiều tháng gần như không có, thu nhập giảm sút mạnh thậm chí có tháng bằng 0. Xa quê lên Hà Nội làm việc, chi phí thuê nhà, học phí của con đắt đỏ, bình thường cuộc sống của những người khiếm thị như chị Yến đã khó khăn, nhưng đến mùa dịch Covid-19 lại càng khó khăn hơn nữa.
Loay hoay tìm cách phát triển kinh tế, cùng với sự giúp đỡ của Hội người mù, chị Yến bắt đầu kinh doanh online. Bước đầu, chị bán những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống gia đình, thu nhập khá, giúp chị có cuộc sống ổn định hơn trong thời điểm khó khăn.
“Cái khó nhất của người khuyết tật khi bán hàng online là làm sao chụp được những hình ảnh đẹp về sản phẩm để đăng tải. Do đó, tôi chọn cách livestream và tư vấn chân thành nhất để kéo khách hàng về phía mình. Lâu dần, nhiều khách quen tin tưởng mua và giới thiệu bạn bè ủng hộ”, chị Yến chia sẻ.
Bà Đào Thu Hương, cán bộ Quyền của người khuyết tật Việt Nam (UNDP) cho rằng, trong đợt dịch Covid-19, xu hướng chung là kinh doanh điện tử như bán quần jean trên website, bán đồ gia dụng trên Shopee.
. Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam tăng dần đều ở những năm 2015 đến nay và đặc biệt bùng nổ vào năm 2019 khi thu về 2,7 tỷ USD, 35,4 triệu người sử dụng, 59,2 triệu người sử dụng mạng. Dự báo số người sử dụng điện thoại thông minh để mua sắm sẽ tăng từ 35 đến 40 triệu người vào năm 2021.
Bà Hương cho rằng, đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư bán lẻ, kinh doanh nhỏ chuyển hướng đầu tư sang mở shop trên các sàn thương mại điện tử.
“Các mặt hàng được kinh doanh mạnh trên nền tảng số gồm hàng điện tử, thời trang, đồ chơi, thực phẩm và những đồ chăm sóc cá nhân. Người dùng đang chuyển từ giao dịch trên máy bàn sang điện thoại thông minh. Trong thời kỳ giãn cách xã hội, doanh thu của bán lẻ vẫn tăng mạnh”, bà Hương cho biết.
Theo đánh giá của bà Đào Thu Hương, thương mại điện tử là cơ hội tốt cho những người khuyết tật khi có thể tiết kiệm chi phí đi lại, tránh được những rào cản về giao thông, có giờ làm việc linh hoạt, đồng thời họ vẫn có thể nhận được sự giúp đỡ từ xung quanh nếu cần. Đặc biệt, hình thức làm việc online có thể giảm sự kỳ thị và phân biệt với người khuyết tật, bảo vệ họ khỏi những tổn thương tâm lý.
Bà Đào Thu Hương cho biết, trong thời gian tới, UNDP sẽ tiếp tục cung cấp và giới tiệu các khóa học cho người khuyết tật làm việc tại nhà hoặc trực tuyến, kết nối người khuyết tật và doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy cơ hội việc làm mới cho người khuyết tật qua các diễn đàn.
Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đã nêu bật ba cách tiếp cận để thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 dành cho người khuyết tật, bao gồm thực hiện phương pháp tiếp cận có sự tham gia của nhiều bên liên quan; nhìn nhận người khuyết tật như những chuyên gia hiểu rõ nhất về nhu cầu của mình và là tác nhân hàng đầu tạo ra thay đổi; thực hiện các điều chỉnh thích hợp để tạo điều kiện cho người khuyết tật có thể sử dụng các ưu thế của việc làm tại nhà hoặc trực tuyến.
Bà Caitlin Wiesen cho biết: “UNDP cam kết sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ, các đối tác phát triển và các tổ chức xã hội dân sự để tăng cường hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam, giúp giải quyết những thách thức đa chiều mà họ phải đối mặt, bao gồm vượt qua khoảng cách kỹ thuật số ngày càng tăng trong bối cảnh Covid-19”.
Bà Caitlin Wiesen cũng chia sẻ: “Khi chúng tôi nỗ lực để xây dựng hướng đi tốt hơn thì các mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo hòa nhập, tính đại diện, bảo vệ quyền của người khuyết tật luôn là trọng tâm của những nỗ lực đó”.