Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, trong đó có khoảng 65% người khuyết tật trong độ tuổi lao động. Cùng với đó, nhu cầu có vốn để phát triển kinh tế gắn với xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cho người khuyết tật là rất lớn, làm thế nào để giải “cơn khát” vốn cho người khuyết tật là vấn đề đặt ra.
Việc phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội cho người khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, dành nhiều chính sách ưu đãi, trong đó có chính sách ưu đãi về tín dụng, qua đó giúp họ có thu nhập ổn định, vươn lên tạo dựng cuộc sống độc lập, bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Triển khai chính sách của Đảng và Nhà nước, trong 15 năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (NHCSXH) đã đẩy mạnh thực hiện nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ vốn vay cho người khuyết tật và các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật.
Tính đến cuối tháng 2/2018, dư nợ cho vay đối người khuyết tật, doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật tại NHCSXH đạt 118 tỷ đồng, với 5.838 khách hàng còn dư nợ, chiếm tỷ lệ 0,07% trên tổng dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH (dự nợ cho vay của NHCSXH là 170.775 tỷ đồng, với trên 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ). Trong đó, dư nợ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật là 3,6 tỷ đồng, với 22 cơ sở còn dư nợ.
450 nghìn USD từ Quỹ Nippon, hiện nay NHCSXH đang triển khai thực hiện giải ngân tại các địa bàn TP. Đà Nẵng, Hà Nội và Quảng Ninh.
Mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho người khuyết tật
Theo Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến nay có 60% người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động và 75% trong số này tham gia hoạt động kinh tế, trên 70% hoạt động kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, khoảng 80% hoạt động kinh tế dưới hình thức tự làm hoặc lao động hộ gia đình; khoảng 15% là lao động làm công ăn lương. Như vậy, nhu cầu nguồn vốn để phát triển kinh tế gắn với xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cho người khuyết tật là rất lớn.
Tuy nhiên, ngoài các nguồn vốn trên, đến nay vẫn chưa có nguồn vốn dành riêng để cho vay đối với người khuyết tật và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật để phát triển kinh tế.
Nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm từ 2014 đến nay chưa được bổ sung để mở rộng cho vay giải quyết việc làm đến các đối tượng chính sách, trong đó có người khuyết tật, chỉ thực hiện cho vay bằng nguồn vốn quay vòng. Do vậy, người lao động khuyết tật cũng chưa có điều kiện tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm.
Để hỗ trợ vốn cho người khuyết tật cũng như doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật phát triển sản xuất, kinh doanh cần tiếp tục xem xét hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về người khuyết tật, tạo điều kiện để họ được hưởng thụ các chính sách của Nhà nước. Đồng thời, xem xét bố trí nguồn vốn để dành riêng cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật.
Bên cạnh đó, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để cho vay đối với người khuyết tật trên địa bàn.
Phương thức kêu gọi nhà tài trợ quốc tế quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng người lao động là người khuyết tật như trường hợp Quỹ Nippon cũng được cần thiết phải tính đến và nhân rộng nhằm tăng thêm nguồn vốn vay hỗ trợ.
Nguồn: Tạp Chí Tài Chính