Thể thao dành cho mọi người, nhưng đối với người khuyết tật, thể thao còn là những bài học vượt qua số phận. Khát vọng vươn lên của những người khuyết tật được thể hiện mạnh mẽ qua những môn thể thao, tình thương yêu của cộng đồng dành cho họ cũng được gửi gắm đầy sâu sắc qua những cuộc tranh tài.
Tại đại hội thể thao người khuyết tật châu Á 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc) người hâm mộ đã được chứng kiến những tấm gương sáng về nghị lực của các vận động viên khuyết tật. Tiêu biểu cho những trái tim không khuyết tật, chính là chàng trai vàng của thể thao người khuyết tật Việt Nam Võ Thanh Tùng. Anh đã xuất sắc đánh bại các đối thủ nặng ký, mang về tấm HCV ở nội dung 50 mét bơi tự do hạng thương tật S5 (bại liệt), qua đó đã ghi tên mình vào danh sách những người hùng của thể thao người khuyết tật châu Á. Chiếc HCV này của Võ Thanh Tùng đã khiến thành tích của đoàn Việt Nam được cải thiện đáng kể. Không dừng lại ở đó, ngay ngày hôm sau, Tùng tiếp tục giành thêm tấm HCB cá nhân ở nội dung 100 mét bơi tự do khi liên tục bám đuổi sát sao với vận động viên của Nhật Bản.
Ðiều đầu tiên khi giành được tấm HCV, Tùng ngay lập tức gọi điện thoại báo tin vui cho người mẹ già đang ở Cần Thơ điều trị bệnh tim. Tùng cho biết dù bản thân bại liệt đi đứng rất khó khăn, nhưng vì là con trai duy nhất trong gia đình nên trong những lúc mẹ đau yếu anh là người gần gũi nhất với bà. Theo Tùng, mẹ là người gần gũi và chia sẻ với anh nhiều nhất, nhưng để có được thành tích này anh phải cảm ơn cha. Vì mưu sinh nên cha anh phải nay đây mai đó, và trong những lúc di chuyển bằng ghe trên sông nước miền Tây ông đã tập cho Tùng học bơi để phòng khi gặp bất trắc. Mục đích ban đầu chỉ có thế, nhưng sau này khi nhờ người chú ruột giới thiệu về thành phố Cần Thơ sinh hoạt cùng những người khuyết tật, năng khiếu bơi lội của Tùng đã phát triển vượt bậc.
Với niềm đam mê thể thao, Tùng đã luôn cố gắng chăm chỉ luyện tập, nỗ lực hết mình vượt qua nhiều khó khăn trở ngại và giành được những thành tích cá nhân xuất sắc. Kể từ năm 2005 đến nay, anh gần như không có đối thủ ở các giải đấu trong nước và Ðông-Nam Á các nội dung như 50 m, 100 m tự do và 50 m bơi bướm.
Chàng trai 25 tuổi giàu nghị lực này hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Cần Thơ, với nghề sửa điện thoại di động, hằng tháng Tùng cũng kiếm được kha khá, một phần trang trải cuộc sống và để chăm lo cho người mẹ đang bị ốm; cộng với tiền thưởng dành dụm được từ những chiếc huy chương, Tùng ước mơ xây lại căn nhà cho cha mẹ. Một ước mơ thật bình dị và đẹp đẽ.
Nguồn: Báo Nhân Dân