Những bước chân của chị khó gấp bội bước chân người bình thường nhưng chị vẫn lấy được bằng thạc sĩ của Học viện Công nghệ châu Á. Mới đây, chị mang nạng lên báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua yêu nước TP Cần Thơ, làm xúc động hàng ngàn con tim.
“Bà chủ” dự án nâng cao kỹ năng nghề cho người khuyết tật
Chị Hồng Nhung đang là quản lý dự án Nâng cao kỹ năng làm thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu dừa cho người khuyết tật đồng bằng sông Cửu Long của cơ sở Nhịp cầu.
Huỳnh Ngọc Hồng Nhung bên bàn làm việc tại cơ sở Nhịp Cầu.
Phải hẹn qua điện thoại và email nhiều lần mới gặp được Hồng Nhung vì chị rất bận. Đã hẹn trước nhưng lúc gặp, chị vẫn bộn bề công việc. Chị Nhung tiếp chúng tôi trong lúc đang có khách đến nhận hàng, lại có mấy chục học viên đang chờ đợi, nên cuộc nói chuyện cứ bị ngắt quãng nhiều lần.
Vừa tiếp PV Dân trí, chị Nhung vừa bán hàng vừa giới thiệu các sản phẩm mà cơ sở Nhịp Cầu sản xuất: từ đũa dừa, gáo dừa, linh vật bằng dừa… đến biểu tượng cầu Cần Thơ bằng dừa, sản phẩm nào cũng tinh tế. Không ai ngờ những bức tranh có giá trị mỹ thuật cao làm bằng các nguyên liệu từ cây dừa, cây lục bình qua đôi tay khéo léo của những người khuyết tật lại được nhiều người ưa thích.
Chỉ vào bức tranh cầu Cần Thơ được làm bằng nguyên liệu từ cây dừa và lục bình, chị Nhung khoe: cách đây mấy ngày bức tranh này được giới thiệu tại Đại hội thi đua yêu nước TP Cần Thơ. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ sau khi xem đã quyết định sẽ chọn bức tranh này là biểu tượng của Cần Thơ và sẽ là quà tặng cho quan khách đến thăm.
Hồng Nhung bên biểu tượng bức tranh cầu Cần Thơ được làm từ các phụ phẩm cây dừa.
Cơ sở Nhịp Cầu hiện có 22 người vừa là ban quản lý dự án, vừa là học viên. Tất cả đều là người khuyết tật. Họ được ăn, nghỉ, sinh hoạt ngay tại cơ sở. Chị Nhung cho biết từ ngày 15/9 tới, dự án sẽ mở thêm khóa mới với 10 học viên khuyết tật được ăn ở và học nghề miễn phí, khóa học kéo dài trong 6 tháng.
Bà Bùi Thị Hồng Nga, chủ tịch Hội những người khuyết tật TP Cần Thơ và là chủ nhiệm cơ sở Nhịp Cầu, cho biết: UBND TP Cần Thơ đã có quyết định cấp trên 500m2 đất cho Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ xây dựng văn phòng cũng như mở rộng cơ sở sản xuất, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tới khách hàng trong và ngoài nước khi đến Cần Thơ du lịch.
Vượt lên chính mình
10 tháng tuổi, Huỳnh Ngọc Hồng Nhung mắc bệnh bại liệt, từ đây đôi chân của chị gắn liền với đôi nạng và chiếc xe lăn. Cũng thời điểm đó bố mẹ chị li dị nhau. Với tình thương của mẹ, cùng nghị lực phi thường, chị Nhung học xong chương trình THPT tại Cần Thơ rồi lần lượt lấy bằng cử nhân chuyên ngành Sư phạm Anh văn tại Đại học Cần Thơ năm 2000 và sau đó là bằng thạc sĩ tại Thái Lan.
Được biết, năm 2000 sau khi tốt nghiệp ĐH Cần Thơ, chị Nhung đi xin việc và đều bị từ chối. Nhưng rồi chị đã tìm thấy cơ hội cho mình, tìm thấy chính mình tại Câu lạc bộ Người khuyết tật TP Cần Thơ, tiền thân của Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ.
Năm 2001, chị Nhung tiếp tục học bằng đại học thứ 2 tại ĐH Kinh tế TPHCM, ngành Tài chính kế toán. Học đến năm thứ 3 thì chị Nhung được nhận học bổng của Chương trình Học Bổng Ford IFP sau khi vượt qua hơn 300 “đối thủ”. Năm đó, trong 25 học bổng được cấp chỉ có chị Nhung là người khuyết tật. Chị Nhung đã lên đường du học, học tiếp chương trình Thạc sỹ tại Học viện Công nghệ Châu Á (AIT) tại Thái Lan, chuyên ngành “Hoạch định Phát triển Vùng & Nông thôn” và học trong chương trình trao đổi sinh viên tại ĐH Arkansas, Mỹ.
Ngày 22/05/2008, Hồng Nhung nhận bằng thạc sĩ và trở về nước bắt tay vào thực hiện mơ ước “tạo việc làm cho người khuyết tật”. Hồng Nhung coi đó là mục tiêu phấn đấu của mình và sẽ không ngừng phấn đấu để ước mơ trở thành hiện thực.
Nguồn: Phạm Tâm – Báo Vũng Tàu