Với thông điệp “người khuyết tật (NKT) không còn cô đơn, bên cạnh NKT luôn có Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội đồng hành”, thời gian qua, các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể và DN trong tỉnh đã tích cực hỗ trợ NKT xây nhà ở, học nghề, vay vốn sản xuất, tặng quà, xe lăn, xe lắc và trợ cấp thường xuyên, giúp NKT vươn lên ổn định cuộc sống.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà tình thương vừa hoàn thành cuối năm 2018, anh Nguyễn Văn Chiến (SN 1985, ở ấp Sơn Lập, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) phấn khởi cho biết: “Từ khi được tặng nhà đến nay, gia đình tôi không còn phải qua nhà hàng xóm ở nhờ mỗi khi trời mưa như trước nữa”. Sau một trận sốt đột ngột năm 3 tuổi, đôi chân của anh Chiến không thể cử động được nữa. Mọi công việc, đi lại trở nên khó khăn khi chỉ dựa vào chiếc xe lăn. Năm 2012, anh Chiến gặp và nên duyên vợ chồng với chị Dương Thị Minh Thuận (SN 1986) – một người cùng cảnh ngộ và sinh được bé trai đầu lòng vào năm 2014. Mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình dựa vào số tiền hơn 100 ngàn đồng/ngày từ việc bán vé số của anh Chiến. Ngôi nhà cũ do bố mẹ để lại xuống cấp, tường bong tróc từng mảng, mái tôn dột nát nhiều năm nhưng không có tiền sửa chữa.
Biết được hoàn cảnh của gia đình anh Chiến, tháng 7-2018, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) hỗ trợ 40 triệu đồng, giúp anh Chiến xây lại căn nhà mới khang trang hơn. “Niềm ao ước của tôi về một ngôi nhà kiên cố nay đã thành hiện thực. Đó là niềm động viên lớn giúp tôi vượt qua mặc cảm, yên tâm làm ăn”, anh Chiến nói.
Cùng với sự giúp đỡ về vật chất, thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh cũng đã chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp NKT tự tin, vươn lên bằng chính khả năng của mình. Khi vừa chào đời, đôi chân của chị Trương Thị Thùy (SN 1993, ở 7/30 Nguyễn Thị Định, TP.Vũng Tàu) đã bị liệt. Mặc dù đã được gia đình đưa đi khám, điều trị ở nhiều bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, nhưng các bác sĩ đều cho biết đôi chân của chị không thể chữa khỏi. Mọi việc đi lại, sinh hoạt đều phải phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc xe lăn, nhưng chị Thùy vẫn mong muốn có một công việc để giúp gia đình có thêm thu nhập.
Tháng 9-2018, khi biết tin Phòng LĐTBXH TP.Vũng Tàu phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội tỉnh mở lớp dạy nghề làm bánh miễn phí, chị Thùy đã đăng ký tham gia. Nhờ chịu khó học hỏi, sau 4 tháng tham gia lớp học, chị Thùy đã thành thạo kỹ thuật làm các loại bánh. Thời gian đầu, chỉ có bạn bè, người thân ủng hộ, nên chị Thùy chỉ có thể vừa làm bánh vừa rút kinh nghiệm. Để có khách, ai đặt hàng, dù ở đâu chị cũng giao tận nơi, nhiều khách ở tận phường 11, 12 (TP.Vũng Tàu), chị Thùy sẵn sàng đi xe máy 3 bánh giao hàng tại nhà. Về sau, người này giới thiệu với người kia, ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến và đặt bánh. Hiện tại mỗi ngày, chị Thùy thu nhập khoảng 150-200 ngàn đồng.
Bên cạnh chương trình hỗ trợ xây nhà ở, dạy nghề, nhiều năm qua, các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể còn hỗ trợ vốn để NKT phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như trường hợp bà Nguyễn Thị Dịu Dàng (SN 1959, ở TT.Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc). Bà Dàng bị liệt 2 chân từ nhỏ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2015, bà Dàng được Hội Bảo trợ Người Khuyết tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo huyện Xuyên Mộc cho vay 20 triệu đồng để mở quầy tạp hóa tại nhà. “Có thêm thu nhập, tôi không chỉ lo cho cuộc sống của mình tốt hơn mà còn có điều kiện phụng dưỡng mẹ già đã ngoài 90 tuổi”, bà Dàng xúc động nói.
Theo thống kê của Sở LĐTBXH, toàn tỉnh hiện có 11.936 NKT, trong đó có 9.503 NKT được hưởng trợ cấp hàng tháng, 642 NKT đang được nuôi dưỡng tại 4 cơ sở bảo trợ xã hội, gần 10.000 NKT được cấp thẻ BHYT, gần 800 NKT có việc làm ổn định. Trong năm 2018, Sở LĐTBXH đã thăm, tặng 262 suất quà cho NKT, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, DN hỗ trợ 25 NKT điều trị bệnh với số tiền 50 triệu đồng, trang bị 47 xe lăn, 10 gậy dò đường với số tiền 99,5 triệu đồng, mở lớp dạy làm bánh cho 10 NKT…
Ông Trần Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội tỉnh khẳng định, bằng những việc làm thiết thực, các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, DN đã hỗ trợ NKT trên địa bàn tỉnh vươn lên trong cuộc sống, có thêm cơ hội trong tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, số NKT cần được giúp đỡ vẫn còn nhiều và cần thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng, xã hội. “Bên cạnh các chế độ, chính sách của Nhà nước, thời gian tới, NKT vẫn rất cần sự giúp đỡ, của các cá nhân, DN để cải thiện đời sống. Chính vì vậy, thời gian tới, các cá nhân, DN hãy tiếp tục có những đóng góp thiết thực để đồng hành với NKT, tạo điều kiện cho họ từng bước nâng dần đời sống vật chất lẫn tinh thần, phấn đấu vươn lên và khẳng định mình là những người có ích cho xã hội”, ông Trần Minh Đức nói.
Nguồn: MINH NHÂN – Báo Vũng Tàu