Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ sâu răng ở trẻ trước tuổi đến trường là hơn 90% ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Và số liệu nghiên cứu gần đây cho thấy, gần 79% trẻ em 3 tuổi ở Hà Nội sâu răng sữa, tỷ lệ sâu răng sữa sớm là 64,5% .
Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS. Nguyễn Thị Châu – Trung tâm kỹ thuật cao khám chữa bệnh Răng hàm mặt (Đại học Y Hà Nội) cho biết; Tình trạng sâu răng sữa ở trẻ em rất thường gặp ở nước ta. Khi con em chúng ta gặp tình trạng này, có phụ huynh thì lo lắng, cũng có phụ huynh không quan tâm nhiều, vì cho rằng răng sữa rồi cũng sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Điều này là hoàn toàn sai lầm, sâu răng sữa ở trẻ em có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng.
Trước hết, răng có một vài trò khá quan trọng cho giai đoạn đầu đời của bé. Răng sữa giúp bé ăn nhai, phát âm, cân đối gương mặt và giữ chỗ cho răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí. Chính vì vậy, khi bé bị sâu răng điều này khiến bé sẽ khó khăn trong việc ăn nhai cắn xé khi răng sữa bị tổn hại nhiều. Chưa kể đến việc bé sẽ thấy đau nhức, và lười ăn. Việc nghiền nát thức ăn không tốt cũng gây tăng áp lực cho dạ dày. Và làm giảm hấp thu dinh dưỡng. BS Châu nhấn mạnh.
Theo BS Châu, tình trạng sâu răng giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu. Bố mẹ thường chỉ phát hiện ra con bị sâu răng khi quan sát thấy răng trẻ có những lỗ nhỏ, răng bị đổi màu, bị đen hay lợi bị sưng, đau… Điều này khiến cho tình trạng sâu răng ở trẻ em thường phát hiện muộn và có tỷ lệ cao.
Nếu trẻ bị sâu răng, còn có thể có các dấu hiệu khác như: Trẻ bị đau răng khi nhai hoặc cắn thức ăn; Răng nhạy cảm khi tiếp xúc với thức ăn nóng hoặc lạnh; Trẻ bị đau răng mà không có lý do; Hôi miệng kéo dài…. Dù dấu hiệu nào thì bố mẹ cũng nên đưa bé đến gặp nha sĩ sớm. BS Châu khuyến cáo.
Phòng ngừa tình trạng sâu răng sữa cho bé có được không?
Một số khuyến nghị giúp chúng ta giảm thiểu tình trạng sâu răng sữa:
Các mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất trong khi mang thai. Các thực phẩm nhiều canxi có lợi cho xương và răng. Khi bé đang trong giai đoạn mọc răng sữa, mẹ nên vệ sinh răng miệng, lau mảng bám trên răng, nướu, lưỡi bằng miếng gạc sạch và được làm ướt bằng nước ấm hay nước muối sinh lý.
Hạn chế các thực phẩm bánh kẹo ngọt…Và sau khi bú hoặc uống sữa phải luôn làm sạch lại miệng cho bé. Tập cho con thói quen vệ sinh răng tốt. Chải răng mỗi ngày, sau khi ăn và trước khi ngủ. Sử dụng các dụng cụ vệ sinh răng có nhiều màu sắc kích thích sự hứng thú của bé.
Nếu như bé đã có dấu hiệu sâu răng sữa, phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ nha khoa để được thăm khám và điều trị.
Nguồn: Hà Đăng – Sức Khỏe và Đời Sống