Trong khi cả nhân loại phải gồng mình đối phó với dịch COVID-19 trong suốt gần 1 năm qua, dịch sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát trở lại. Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện thấy các manh mối từ virus Chapare và những nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, với nguy cơ lây lan từ người sang người rất đáng lo ngại.
Virus Chapare – họ Arenavirus loại virus từng được phát hiện tại tỉnh Chapare, vùng nông thôn Bolivia vào năm 2004. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tương tự như virus Lassa và Machupo, virus gây sốt xuất huyết Chapare thuộc họ Arenavirus, chúng có khả năng gây chết cho hàng loạt động vật với các triệu chứng: sốt, đau bụng, nôn mửa, chảy máu nướu răng, phát ban da, đau mắt và nguy hiểm là chúng có thể lây lan giữa người với người.
Thời điểm năm 2004, chỉ có 1 trường hợp người được xác nhận nhiễm virus Chapare với triệu chứng giống như bệnh Ebola tại tỉnh Chapare, Bolivia và sau đó dịch bệnh biến mất.
Năm 2019, dịch bệnh này bắt đầu xuất hiện trở lại. Virus Chapare đã lây lan từ người sang người qua chất dịch cơ thể ở một vùng gần Thủ đô La Paz của Bolivia, khiến 3 người thiệt mạng. Theo các báo cáo được ghi nhận, không có đợt bùng phát dịch do virus Chapare xảy ra trong năm 2019 hay 2020, và ngay cả trong trường hợp bùng phát tiếp theo, virus sẽ khó có khả năng gây ra đại dịch.
Tuy nhiên, dịch bệnh có những tín hiệu đáng lo ngại khi 3 trong số 5 bệnh nhân được phát hiện mắc bệnh từ đợt bùng phát dịch năm 2019 là nhân viên y tế. Sự việc này cũng báo hiệu nguy cơ lây nhiễm từ người sang người khi một bác sĩ nội trú, một bác sĩ cấp cứu và một bác sĩ tiêu hóa đều mắc virus Chapare sau khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể từ những bệnh nhân bị nhiễm bệnh.
Tiến sĩ Morales-Betoulle và Tiến sĩ Carlson thuộc Đại học Georgetown, Mỹ đều nhận định những yếu tố tiềm ẩn đáng lo ngại của virus Chapare. Các cơ quan y tế toàn cầu đã phải vào cuộc để phối hợp xác định và theo dõi căn bệnh mới nổi liên quan đến loại virus này.
Tỷ lệ các bệnh mới xuất hiện đã tăng lên rõ ràng trong 1 hoặc 2 thập kỷ qua, mặc dù rất khó để đưa ra một con số chính xác về mức tăng. Virus mới thường lây sang người qua động vật. Nhưng chỉ vì virus lan từ động vật sang người không có nghĩa là virus có khả năng lây sang người khác.
Hầu hết các loại virus khi thực hiện bước nhảy từ động vật hoang dã sang người đều thích nghi kém với con người đến mức chúng không thể gây bệnh ngay trong lần tiếp cận đầu tiên. Nói cách khác, một loại virus thực hiện bước nhảy sang người không chắc đã có những đặc điểm cần thiết để phát triển và lây nhiễm sang người khác.
Tuy nhiên, virus lưu hành trong các quần thể động vật gần gũi với con người – ví dụ như động vật trang trại và động vật gặm nhấm – sẽ có nhiều cơ hội lây lan sang người hơn.
Cùng với biến đổi khí hậu và nguy cơ mất môi trường sống, do nạn săn bắt và ăn thịt động vật hoang dã, khiến cho các loại virus buộc phải thay đổi để thích nghi. Chúng cũng sẽ làm thay đổi mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên. Ngày nay, nhiều người bị nhiễm lại các loại virus đã từng được biết đến hoặc đã không tồn tại từ rất lâu trước đây.
Các nhà khoa học và công chúng có xu hướng nghĩ các bệnh xuất huyết chết người có nguồn gốc từ người châu Phi hoặc Nam Á. Nhưng trường hợp của virus Chapare cho thấy chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên thế giới.
10 năm trước, giới khoa học có thể không biết về một đợt bùng phát bệnh do virus Chapare bởi vì khi đó rất ít người bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, việc tìm thấy RNA trong tinh dịch và loài gặm nhấm là dấu hiệu đặc biệt đáng lưu ý – và là minh chứng cho những nỗ lực nhằm tìm kiếm và dập tắt những cơn đại dịch tiềm tàng trước khi chúng bùng nổ.
Hiện nay ở Bolivia, người dân hiện chưa cần phải lo lắng về một đợt bùng phát lớn của virus Chapare như đại dịch COVID-19. Song, trong tương lai, không ai biết trước, với những biến đổi khó phát hiện như trên, chúng có thể lây lan một cách dễ dàng, không loại trừ lây qua không khí.
Nguồn: PHÙNG DẦN – livescience