Thực hiện lời Bác Hồ dạy “tàn mà không phế”, đã có nhiều người khuyết tật ở tỉnh ta nêu gương sáng trong rèn luyện, học tập, lao động, sản xuất. Họ đã biết vượt qua mọi khó khăn để vươn lên sống hòa nhập cộng đồng, trở thành những người có ích cho xã hội. Một trong số đó là anh Lê Văn Sơn (sinh năm 1986), ở thôn Dinh Mười, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh.
Tìm về thôn Dinh Mười, xã Gia Ninh, chúng tôi hỏi thăm tới gia đình anh Lê Văn Sơn không khó, bởi từ già đến trẻ vùng này, ai cũng biết anh là tấm gương tiêu biểu về nghị lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, nuôi sống bản thân và gia đình.
“Ngay khi mới chào đời, Sơn đã được các bác sĩ chẩn đoán bị u máu bẩm sinh, phải cắt đi một cánh tay, nếu không thì cơ hội sống sót sẽ không còn. Dù rất đau khổ, nhưng để cứu mạng con, vợ chồng chúng tôi đành phải chấp nhận”, ông Lê Văn Cương, bố của anh Sơn xúc động nói.
Là một cậu bé thông minh, chăm chỉ, nhưng không có được cơ thể lành lặn như các bạn cùng trang lứa, nên luôn bị các bạn trêu chọc. Những lúc ấy, Sơn chỉ biết ngồi khóc và cố gắng học thật tốt để cho bố mẹ không buồn.
Sơn tâm sự: “Có những lúc tôi rất tự ti, muốn buông xuôi tất cả, nhưng khi đến lớp được nghe các thầy, các cô kể nhiều tấm gương học tập và làm theo lời Bác, nhất là lời Bác dạy “tàn mà không phế”, tôi thấy tự tin và quyết tâm xóa bỏ mặc cảm để vươn lên”. Mỗi lần hướng lên tấm ảnh Bác và nhớ lời căn dặn ân cần của Người, anh lại có thêm sức mạnh và niềm tin vươn lên trong cuộc sống.
Học xong phổ thông với ước mơ được làm kế toán, anh đăng ký xét tuyển vào trường trung cấp chuyên ngành kế toán. Tuy nhiên, sau khi học xong, không xin được việc, gia đình lại khó khăn, anh quyết tâm phát triển kinh tế để đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo túng. Nhà ở gần sông, hàng ngày anh cùng cha ra sông đánh bắt cá, ngày ít thì bảo đảm bữa ăn gia đình, ngày nhiều thì đem bán lấy tiền chi trả cuộc sống sinh hoạt. Nhận thấy nghề chài lưới không ổn định cuộc sống, anh lại trăn trở tìm hướng thoát nghèo.
Với điều kiện gia đình có đất vườn rộng cộng với việc học hỏi từ các mô hình kinh tế trong xã và tìm hiểu qua sách, báo, đài, tivi…, anh Sơn quyết định đầu tư chăn nuôi gia súc. Anh áp dụng kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi… Vì thế đàn bò của anh phát triển tốt, trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình. Có thêm vốn, anh phát triển nuôi thêm gia cầm, lấy ngắn nuôi dài, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, anh còn tích cực tham gia công tác Đoàn tại địa phương. Với cương vị là Phó bí thư Chi đoàn thôn Dinh Mười, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ Người khuyết tật xã Gia Ninh, anh luôn triển khai tốt các hoạt động ở cơ sở. Anh thường xuyên gần gũi, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho các đoàn viên, thanh niên trong thôn về phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình. Nhiều đoàn viên đã học hỏi từ anh, vươn lên phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, anh còn chú trọng tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh thiếu niên tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tình nguyện vì cộng đồng, tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại thôn xóm. Với những hoạt động của mình, nhiều năm liền anh được Trung ương Đoàn tặng bằng khen.
Với những thành công bước đầu ấy, anh Sơn ngày càng vững tin vào tương lai của chính mình. Anh xúc động nói: “Tấm gương vĩ đại mà giản dị của Bác Hồ vẫn luôn song hành cùng mỗi bước tôi đi, trở thành nguồn động viên tinh thần, giúp tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, động viên tôi biết giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ vượt lên hoàn cảnh trở thành người có ích cho xã hội…”.
Chị Nguyễn Thị Như Ngọc, Bí thư Huyện đoàn Quảng Ninh chia sẻ: “Anh Sơn là một trong những tấm gương thanh niên vượt khó, nổi bật của huyện. Anh chăm chỉ, chịu khó và sống tốt, luôn nhiệt tình tham gia công tác Đoàn, công tác xã hội do xã, huyện tổ chức, là tấm gương tiêu biểu trong việc học tập và làm theo Bác”.
Hiện nay, anh đang có một gia đình hạnh phúc, một đứa con sắp chào đời. Điều đáng trân trọng ở người thanh niên này, là anh không bao giờ thỏa mãn với những thành quả đã đạt được mà vẫn miệt mài lao động, tìm tòi sáng tạo… Số phận không may mắn, nhưng tinh thần, nghị lực sống của anh trở thành tấm gương sáng cho nhiều người noi theo.
Nguồn: Phạm Hà – Hội Bảo Trợ Người Tàn Tật