Mặc dù bị liệt sau một tai nạn lao động nhưng anh Mai Tư Khoa, ở đội 6, xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch đã mở một thư viện riêng có trên 7.000 đầu sách cho học sinh mượn miễn phí. Anh còn quyết định hiến xác cho y học sau khi từ giã cõi trần.
Năm 1998, đang khai thác đá trên công trường anh bị đá lở, đè gãy hai đốt xương cột sống lưng và liệt nửa người phía dưới. Từ đó, chàng trai 20 tuổi gắn liền với chiếc giường trong tuyệt vọng cùng cực và những cơn đau kéo dài bất tận. Quá đau đớn, mấy lần Khoa có ý định tự tử để giải thoát cuộc đời và giải thoát cho cha mẹ nghèo khỏi phải ngày đêm chăm sóc mình như một đứa trẻ. Thấy khả năng sống sót của mình rất thấp, lại đang bị tàn phế, nên anh quyết định hiến toàn bộ thân thể của mình cho y học.
Khoa kể: “Tôi biết đời mình chỉ còn hiến xác cho y học là việc làm có ích cho mọi người. Thân thể tôi các bác sĩ có thể dùng để nghiên cứu về bệnh liệt nửa người. Coi như đó là chút tình cuối cùng của tôi còn lại với cuộc sống sau này…”. Trong thời gian vật lộn với bệnh tật, Khoa làm bạn với tivi, radio và những cuốn sách mà cha mẹ kiếm được. Qua xem tivi, nghe đài, anh biết được ở đâu đó giữa cuộc đời này còn có bao người dù mang trọng bệnh nhưng vẫn vươn lên để sống có ích. Khoa ước ao: “Nếu có một cái máy vi tính, mình sẽ cố theo học một lớp luật từ xa, hay làm nghề liên quan đến tin học để sau này có kế sinh nhai, tự lo được cho mình…”. Bởi anh nghĩ, máy vi tính sẽ nối chiếc giường bệnh của mình với cuộc sống bên ngoài, nối ước mơ của mình với xã hội, để rồi có thể làm được điều gì đó cho cuộc đời này như những người khuyết tật khác đã làm.
Mong ước ấy của Khoa chìm đi trong khó khăn về kinh tế của gia đình. Rồi một ngày, Khoa quyết định viế́t thư gửi đến các tổ chức xã hội, từ thiện và mong muốn ấy của anh đã trở thành hiện thực khi Công ty võng xếp Duy Lợi ủng hộ Khoa một chiếc máy vi tính xách tay. Ngày 19-5-2009, Khoa nhận máy rồi lặng đi trong niềm vui khó tả. Bàn tay Khoa lần đầu cầm con chuột vi tính cứ run lên. Khoa kể: “Sau khi có máy vi tính, hằng ngày tôi tập tành lên mạng internet để học, để biết thông tin về đời sống xã hội, chuyện làm ăn… Khi đã sử dụng máy vi tính thành thạo, tôi kết nối được với nhiều bạn bè, trong đó có nhiều người khuyết tật hoặc người mang trọng bệnh. Nhờ đó, có người thấu hiểu hoàn cảnh của tôi nên thường xuyên vào Facebook để động viên, khích lệ. Họ đã cho tôi động lực để vươn lên, tìm cho mình lẽ sống ý nghĩa”.
Trước đây, những lúc dịu cơn đau, Khoa lại nhờ cha mẹ tìm sách để đọc cho qua ngày nên tích trữ được vài chục cuốn sách các loại trong nhà. Rồi quá trình lên mạng, có người gợi ý, nên anh đặt mục tiêu xây dựng một thư viện mini cho mình và phục vụ cho cả các em học sinh trong xã. Ban đầu, Khoa dùng tiền tích cóp từ các khoản của bà con và người quen cho vào dịp lễ, tết hay các đoàn đến thăm hỏi để mua sách. Năm 2010, anh đã có được một tủ sách. Hàng ngày, nhìn các em kéo nhau đến mượn sách, Khoa rất vui, anh nằm trên giường hướng dẫn chọn sách mà quên cả đau đớn. Thấy chừng đó sách không đủ, năm 2012 Khoa đưa ý tưởng mở rộng tủ sách lên mạng xã hội liền nhận được sự ủng hộ sách từ khắp nơi. Riêng Quỹ Nguồn sáng ở Hà Nội gửi vào cho Khoa hơn 3.000 cuốn sách các loại.
Đó là bước ngoặt lớn nhất để Khoa có thể xây dựng được một thư viện mini. Đến nay, tổng số sách của thư viện đã lên hơn 7.000 cuốn, phần lớn sách do bạn bè trên mạng xã hội hỗ trợ. Khoa đặt một tủ sách 3.000 cuốn ở nhà cho các em đến mượn. Hơn 4.000 cuốn còn lại, anh làm thành 10 tủ đặt ở các lớp tại Trường tiểu học Quảng Trường và Trường THCS Quảng Trường cho học sinh mượn. Có mặt ở nhà Khoa, cậu bé Phạm Văn Hiền tay ôm mấy cuốn sách đã chọn cho biết: “Trước đây, ít có sách truyện mà đọc, nay có thư viện của chú Khoa, nên được đọc sách thường xuyên”.
Từ năm học 2013-2014 đến nay, từ nguồn quyên góp của bạn bè trên mạng xã hội, năm nào vào dịp khai giảng năm học mới Khoa cũng hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo và học sinh khuyết tật ở các trường học. Mới nhất là năm học 2016-2017, có 80 em được hỗ trợ học phí đầu năm học với mức 200.000 đồng/em. Khoa tâm sự, bạn bè trên mạng xã hội với Khoa như anh Lưu Ngọc Long, ở thành phố Hồ Chí Minh đã tin tưởng giao trọn 60 triệu đồng cho anh đi cứu trợ đồng bào trong tỉnh bị lũ lụt vừa qua chỉ với một điều giao hẹn: “Cố gắng đưa tận tay đồng bào bị lũ lụt”. Anh Long cũng là một trong nhiều người đã luôn sát cánh chia sẻ và động viên Khoa vươn lên trong cuộc sống. Mỗi khi cứu trợ hay tặng quà, Khoa ngồi xe lăn, được mẹ là bà Nguyễn Thị Ngành đẩy đi. Ông Mai Như Phận, cha của Khoa chia sẻ: “Tôi mừng lắm! Cứ tưởng con chết mất, chứ có ngờ đâu được như ngày hôm nay. Con tôi như chết rồi sống lại được”.
Từ khi mở rộng được mối quan hệ, Khoa càng có điều kiện để giúp đỡ các em học sinh nghèo. Ý tưởng được đưa ra, bạn bè ai cũng sẵn sàng chia sẻ. Từ đó, anh nhận được khá nhiều tấm lòng hảo tâm khắp nơi quyên góp để nhờ anh chuyển đến tay học sinh và người dân khó khăn. Mới đây nhất, anh đã vận động được 300 bộ đồng phục học sinh, hơn 2.000 áo quần tặng học sinh nghèo ở Quảng Trường, 2 bộ đàn organ tặng Trường tiểu học Quảng Trường, mua một ti vi, một đầu đĩa cho bà con nghèo thôn cồn bãi Thuận Hòa. “Dù hoàn cảnh gia đình không giàu có gì nhưng Khoa luôn làm những việc tốt, luôn tìm cách giúp đỡ mọi người. Cái tâm của Khoa luôn vì mọi người, làm gì cũng nghĩ đến mọi người mà không nghĩ cho riêng mình”, bà Trần Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Trường cho biết.
Nguồn: Xuân Vương Hội Bảo Trợ Người Tàn Tật