Dù cách xa hơn 500km mà như tiền định, hai người khiếm thị với trái tim chan chứa yêu thương đã gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng. Ngày kết hôn, chị cũng đành chia xa nơi chôn nhau, cắt rốn để vào làm dâu xứ Quảng. Và không chỉ xây dựng tổ ấm của riêng mình với đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ, anh chị đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để góp sức với những người cùng cảnh ngộ xây dựng mái nhà chung của người khiếm thị. Đó là hai vợ chồng anh Nguyễn Thái Hùng, Chủ tịch Hội Người mù TP.Đồng Hới và chị Nguyễn Thị Vỹ, người phụ nữ ở phía sông Hồng.
Tôi với Hùng quen nhau từ thuở nhỏ, khi cả hai cùng chung sống trong khu tập thể của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, nơi một thời “củ sắn chia đôi, điều giản dị” nên dù cầm tinh con rồng 1976, hơn nhau hai tuổi nhưng hoàn cảnh gia đình Hùng, tôi đều khá tường tận. Nhưng việc anh ra Hà Nội học nghề và bén duyên với cô gái ở đất Hà Tây, thì bạn bè đều bất ngờ, và điều mừng nhất là sau lễ cưới một thời gian, anh chị đã sinh hạ được bé trai Thái Anh kháu khỉnh.
Làm quản lý ở một tổ chức hội đặc thù lại có thêm cơ sở xoa bóp nên công việc cũng khá bận rộn, Hùng ít khi có thời gian để nói về gia đình. Chỉ có một lần hiếm hoi trong bộn bề công việc, Hùng đã tâm sự cho tôi về “ngã rẽ” cuộc đời mình. Anh kể, gia đình anh có 4 anh chị em, hai trai hai gái, trong khi chị và em gái đều khỏe mạnh thì hai anh em lại bị bệnh về mắt từ khi mới lọt lòng do người cha bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh. Cuộc sống của những người bình thường đã khó khăn, huống gì người bị giảm sút thị lực.
Thế nhưng với nghị lực vượt khó, Hùng vẫn theo học với chúng bạn, điều đặc biệt là sức học của anh rất tốt. Ngày tốt nghiệp THPT, anh khăn gói vào Huế thi đại học, gia đình, bạn bè ai cũng ái ngại vì sợ anh xa nhà không ai chăm sóc, rồi chuyện thi cử phải đi lại nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Ấy vậy mà Hùng đã vượt qua tất cả những trở ngại đó để thi đậu khoa Triết của Trường đại học Khoa học Huế vào năm 1999.
Bởi anh nghĩ, cuộc sống là phải dấn thân và thử sức. Thế rồi vì hoàn cảnh và ước mơ giúp đỡ nhiều hơn cho những cảnh đời như mình, anh đã bỏ lại sau lưng giảng đường đại học ở chốn cố đô để về quê, và năm 2003 làm đơn xin vào Hội Người mù TP. Đồng Hới.
Sinh hoạt ở đây một thời gian, lãnh đạo hội thấy ở Hùng những tố chất có thể phát triển lâu dài nên mạnh dạn cử anh tham gia khóa đào tạo về chữ Braille ở Đồng Hới, kỹ thuật viên xoa bóp, nghiệp vụ quản lý hội ở Hà Nội… Trong thời gian ở Hà Nội, tin tưởng Hùng nên một thầy giáo của Trung tâm phục hồi chức năng Hội Người mù Việt Nam, giao cho anh quản lý một cơ sở xoa bóp.
Ở cơ sở này, Hùng có cơ hội nâng cao tay nghề, kỹ năng quản lý và đặc biệt là làm quen với chị Nguyễn Thị Vỹ, người con gái quê ở Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội-NV), cũng đang làm nhân viên một cơ sở xoa bóp của người khiếm thị ở gần đó. Sau nhiều lần hẹn hò tâm sự, Hùng mới biết Vỹ cũng có cảnh đời đầy nỗi gian truân như mình. Bố mẹ Vỹ sinh hạ được 4 người con, thì đã có 3 người bị bệnh đục thủy tinh thể từ nhỏ.
Quen nhau được gần một năm và đến khi con tim đã cùng nhịp đập, dù cả hai đều bị đục thủy tinh thể thị lực chỉ còn 1/10 nhưng anh chị đã cùng nhau vượt qua khoảng cách về địa lý để tổ chức đám cưới vào năm 2007, trong niềm vui của hai gia đình và bạn bè, đồng nghiệp. Và sau đó là bé Thái Anh ra đời trong sự mừng vui của hai gia đình nội ngoại, bao âu lo cũng nguôi ngoai bởi cháu hoàn toàn khỏe mạnh không bị các chứng bệnh về mắt như bố mẹ.
Niềm vui nhân đôi vì cùng thời điểm đó, Hùng được Ban chấp hành hội tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Người mù TP. Đồng Hới, để rồi 1 năm sau đó, anh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch hội. Đảm nhận trọng trách quản lý của hội với hàng trăm hội viên, anh Hùng suy nghĩ làm thế nào chăm lo đời sống cho những người cùng cảnh ngộ để họ tự tin hòa nhập với xã hội. Sau một thời gian đắn đo, cân nhắc cùng với sự giúp đỡ của chính quyền TP. Đồng Hới, Đại sứ quán Vương quốc Anh và các nhà hảo tâm, đến tháng 7-2008, cơ sở xoa bóp của hội chính thức khai trương và đi vào hoạt động với loại hình xoa bóp do người mù thực hiện đầu tiên và duy nhất ở TP. Đồng Hới.
Thuở ban đầu ấy, chỉ có vẻn vẹn 4 kỹ thuật viên được đào tạo bài bản ở Học viện Y học cổ truyền Việt Nam, kết hợp với các kỹ thuật xoa bóp của người Nhật Bản và Trung Quốc, cơ sở đã mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị từ loại hình mới lạ này.
Qua gần 9 năm hoạt động, cơ sở đã phát triển với quy mô khá bề thế ở đường Trần Quang Khải, với hệ thống 4 phòng xoa bóp đầy đủ giường, điều hòa, đèn hồng ngoại và 3 phòng xông hơi thiết bị tự động hóa để chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm ngàn lượt người. Cùng sẻ chia bao lo toan trong cuộc sống với chồng nên ngoài thời gian chăm sóc con cái, chị Vỹ còn là kỹ thuật viên, một nhân viên thực thụ ở cơ sở xoa bóp.
Điều đặc biệt là ở ngôi nhà chung này, đến nay đã là nơi hội ngộ của 15 mảnh đời ở các vùng miền trong tỉnh, nhưng ai cũng xem Hùng như là người anh cả để sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống. Ở đây họ đùm bọc lẫn nhau, được hành nghề với thu nhập ổn định 3 triệu đồng/người/tháng, đồng thời thỏa sức xây dựng ước mơ, hoài bão cho riêng mình.
Hàng năm, từ nguồn quỹ phúc lợi được trích ra từ cơ sở xoa bóp và sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, hội đã hỗ trợ 30-40 triệu đồng cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Không bằng lòng với những gì đã có, ngoài những công việc cho hội viên mang tính tập trung như làm tăm, xoa bóp…, hội đã kết hợp với các tổ chức tín dụng tổ chức cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập để ổn định cuộc sống.
Nguyễn Thái Hùng tâm sự, ngoài niềm hạnh phúc của hai vợ chồng là cùng động viên nhau chăm lo Thái Anh đang theo học lớp 4 ở Trường tiểu học Đồng Phú để mai sau này cháu được ăn học đến nơi đến chốn, thì niềm vui lớn nhất là ở cơ sở xoa bóp này là đã có 6 cặp nên duyên vợ chồng và đều có cuộc sống ổn định nhờ bàn tay khéo léo và nghị lực vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Chia tay hai vợ chồng Hùng, Vỹ khi tiết trời đã sang xuân, tôi thầm cảm phục nghị lực của hai vợ chồng khiếm thị này, bởi sức sống mãnh liệt với hoài bão ươm mầm ước mơ cho những mảnh đời thiếu may mắn để họ đi về phía mặt trời. Bởi lẽ, cuộc sống luôn luôn có phép màu cho những ai biết trân trọng và gìn giữ!
Nguồn: Trần Minh Văn – Hội Bảo Trợ Người Tàn Tật