Người khuyết tật là một trong những nhóm người bị thiệt thòi nhất trên thế giới. Người khuyết tật có kết quả sức khỏe kém hơn, trình độ học vấn thấp hơn, ít có điều kiện tham gia hoạt động kinh tế hơn và tỷ lệ nghèo cao hơn.
Dưới đây là 10 vấn đề của người khuyết tật trên phạm vi toàn cầu được TCYTTG cảnh báo và khuyến cáo:
1) Hơn một tỷ người sống với khuyết tật
Số người khuyết tật tương ứng với khoảng 15% dân số thế giới, có khoảng 110-190 triệu người gặp khó khăn rất lớn về chức năng hoạt động. Tỷ lệ khuyết tật có khuynh hướng ngày càng gia tăng, do sự lão hóa dân số và sự gia tăng toàn cầu về tình trạng các bệnh lý mạn tính.
2) Người khuyết tật là những người dễ bị tổn thương có phân bố không cân xứng
Các quốc gia có thu nhập thấp có tỷ lệ người khuyết tật cao hơn các quốc gia có thu nhập cao. Người khuyết tật thường gặp hơn ở phụ nữ, trẻ em, người già và người nghèo.
3) Người khuyết tật thường không được chăm sóc sức khỏe tốt nhất khi cần
Một nửa số người khuyết tật không có khả năng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Các báo cáo trên toàn cầu cho biết người khuyết tật bị từ chối chăm sóc sức khỏe cao gấp 3 lần so với người không khuyết tật.
4) Trẻ em khuyết tật ít có khả năng đến trường
Khoảng trống hoàn thành chương trình giáo dục được ghi nhận ở tất cả các nhóm tuổi ở mọi nơi đối với trẻ em khuyết tật, khoảng trống này càng rõ hơn ở những nước nghèo. Tại Ấn Độ, tỷ lệ trẻ em khuyết tật đi học tiểu học dao động là 10%, Indonesia lên đến 60%.
5) Người khuyết tật bị thất nghiệp nhiều hơn
Dữ liệu toàn cầu cho thấy tỷ lệ có việc làm thấp hơn đối với đàn ông khuyết tật (53%) và phụ nữ khuyết tật (20%) so với đàn ông không khuyết tật (65%) và phụ nữ không khuyết tật (30%).
6) Người khuyết tật dễ bị đói nghèo
Người khuyết tật có điều kiện sống thấp hơn, bao gồm thiếu thực phẩm, khó khăn về nhà ở, thiếu điều kiện tiếp cận với nước sạch và vệ sinh. Nguyên nhân đói nghèo là do các chi phí cho chăm sóc y tế, thiết bị trợ giúp hoặc hỗ trợ cá nhân, nhìn chung người khuyết tật nghèo hơn những người không khuyết tật có cùng mức thu nhập.
7) Phục hồi chức năng giúp tối đa hóa chức năng và hỗ trợ tính độc lập cho người khuyết tật
Ở nhiều nước, các dịch vụ phục hồi chức năng không đủ đáp ứng cho người khuyết tật. Dữ liệu từ 4 quốc gia ở Châu Phi cho thấy chỉ có 26–55% người khuyết tật nhận được sự các dịch vụ phục hồi chức năng, chỉ có 17–37% nhận được thiết bị trợ giúp (ví dụ: xe lăn, bộ phận giả, máy trợ thính).
8) Người khuyết tật có thể sống và tham gia cộng đồng
40% người khuyết tật thường không được đáp ứng nhu cầu hỗ trợ đối với các hoạt động hàng ngày. Tại Hoa Kỳ, 70% người lớn dựa vào gia đình và bạn bè để được hỗ trợ các hoạt động hàng ngày.
9) Phá bỏ rào cản đối với người khuyết tật
Nhằm đảm bảo cho người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ chính thống; đầu tư vào các chương trình cụ thể cho người khuyết tật; áp dụng chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia; cải thiện giáo dục, đào tạo và tuyển dụng nhân viên; cung cấp kinh phí đầy đủ; nâng cao nhận thức cộng đồng và hiểu biết về tình trạng khuyết tật.
10) Công ước về quyền của người khuyết tật CRPD (Convention on the Rights of Persons with Disabilities)
Hơn 170 quốc gia đã ký Công ước và hơn 130 quốc gia đã phê chuẩn về khuyến khích, bảo vệ và đảm bảo quyền con người cho tất cả người khuyết tật.
Nguồn: Sở Y tế TP.HCM