Khi tầng lớp trung lưu giàu lên nhanh chóng cũng là lúc khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng, trong thời đại dịch Covid-19 càng cho thấy rõ điều đó. Công tác từ thiện diễn ra ở khắp mọi nơi, mỗi người, mỗi nơi, mỗi cách làm. Vậy làm thế nào để công tác thiện nguyện được thực hiện một cách đúng nghĩa nhất?
Hoạt động thiện nguyện (bao gồm từ thiện và tình nguyện) trong giới trẻ từ lâu đã rất sôi nổi với nhiều cách thức hoạt động khác nhau: giúp đỡ người gặp nạn, cho thức ăn người vô gia cư, tặng sách cho vùng sâu vùng xa, lớp học tình thương, xây cầu nông thôn, trồng cây gây rừng, nhặt rác bảo vệ môi trường,…
Bạn Phạm Huỳnh Minh Tuấn (Tư vấn tài chính của một công ty Bảo hiểm nhân thọ tại TPHCM) chia sẻ: “Từ thời sinh viên đến giờ mình rất thích các hoạt động thiện nguyện. Những hoạt động này mang đến cho mình rất nhiều lợi ích: những mối quan hệ tốt, lời cảm ơn từ những người mình đã giúp và đôi khi chỉ là nét mặt rạng rỡ, nụ cười của một em bé nào đó cũng đủ làm mình hạnh phúc khi làm công việc này.
Ngày xưa còn là sinh viên thì mình không có tiền, chỉ góp công sức để cùng các anh chị tổ chức chương trình mà thôi. Còn bây giờ mình đã có gia đình rồi, công việc cũng nhiều nên làm thiện nguyện theo cách khác. Có thể là gom những bạn bè lại và cùng nhau góp tiền (hay nhận tiền từ nhà tài trợ nào đó) để mua những vật dụng như khẩu trang, nước rửa tay, gạo, mì gói và tiền,… để đi phát trực tiếp cho những người thật sự cần. Thỉnh thoảng cũng có chuyển khoản khi thấy bạn bè kêu gọi ủng hộ này nọ”.
Hiện tại, Minh Tuấn đã có gia đình nên không còn làm thường xuyên như thời sinh viên nữa. Bây giờ nếu có làm thì kêu gọi bạn bè chung tay cùng làm, hoặc khi có công ty, tổ chức nào tài trợ thì kêu gọi bạn bè tới phụ. Vì chỉ kêu gọi trong mối quan hệ bạn bè và làm nhỏ lẻ nên tin tưởng nhau là chính. Còn những mạnh thường quân tài trợ cho Tuấn thì đa phần cũng là những người mình quen biết, đặt niềm tin vào mình để cùng nhau gieo điều tốt đẹp cho đời.
Hoạt động thiện nguyện về môi trường, vừa giúp sức vừa giúp hiện kim, bạn Trịnh Thị Hoa Tiên (sinh viên trường ĐH Ngoại thương TPHCM) thành viên nhóm Green Trips, hứng thú chia sẻ: “Mình rất quan tâm đến các hoạt động thiện nguyện nên có thường xuyên ủng hộ từ thiện. Tuỳ theo trường hợp mà mình lựa chọn góp sức hay tiền bạc. Ví dụ như bão lũ miền Trung vừa qua mình không góp sức được nên mình đã chuyển tiền ủng hộ. Hoạt động Greentrips về môi trường xanh và nhặt rác thì mình và mọi người sẽ góp sức. Mình ủng hộ từ thiện vì mình mong muốn giúp đỡ những người không được may mắn, nó mang lại cho mình tình yêu thương với mọi người và sự đồng cảm với các mảnh đời.
Khi ủng hộ từ thiện Tiên mong muốn tất cả số tiền cũng như vật dụng sẽ đến được tay những người thực sự cấp bách cần đến chúng và Tiên mong muốn người gặp khó khăn sẽ thấy được nâng đỡ và tình thương ấm áp về mặt vật chất cũng như tinh thần”.
Tiên cho biết thêm, thường gửi cho những đơn vị uy tín, gửi cho nhóm thiện nguyện sẽ cảm thấy yên tâm và số tiền nhiều gom một lúc sẽ được sử dụng thông minh hơn, tránh mua đồ nhỏ lẻ gây phát thải. Khi gửi tiền cho nhóm thiện nguyện, bạn mong muốn số tiền sẽ được công khai thu chi, sử dụng cho những hoàn cảnh và mục đích có sự suy xét, thống nhất và đúng đắn dựa trên bối cảnh và trường hợp. Làm từ thiện vì tâm lương thiện và có trí tuệ.
Theo Hoa Tiên, để nhận được sự tin tưởng từ người khác thì mình phải làm gương trước, cố gắng xây dựng giá trị bản thân, từ sự nhiệt huyết, lòng cảm thông, không ngừng kêu gọi quyên góp, chứng minh công sức và thời gian của bản thân mình làm có kết quả. Làm từ thiện không khó, chỉ cần có tấm lòng yêu thương, một đội nhóm tâm huyết, một trí tuệ sáng suốt và hiểu biết trong sự cho đi của mình. Mối quan hệ giữa người làm thiện nguyện và mạnh thường quân là cả hai đều có tấm lòng thương người, lòng trắc ẩn và sự đồng cảm sâu sắc với những mảnh đời kém may mắn. Bên cạnh đó, Tiên tin rằng cả hai đều sống với quan niệm: ”Hạnh phúc là biết cho đi”.
Cũng hoạt động về môi trường cùng nhóm Green Trips với Hoa Tiên, bạn Bùi Minh Thông (sinh viên trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) trải lòng: “Mình may mắn từ nhỏ đã được ba mẹ thường xuyên dắt đi chùa, nên vô hình chung hình thành nên tính tình thương người và rất hay giúp đỡ. Vì thế khi có việc gì mà bản thân thấy người khác cần giúp đỡ, thì mình không ngần ngại ngỏ lời tình nguyện giúp họ. Vì mình còn là sinh viên, nên thường thì phần nhiều là mình góp đi chút tấm lòng, chút công sức. Từ nhỏ tới lớn, mình là người luôn đặt suy nghĩ của bản thân vào người khác, nên mình cảm nhận được rất rõ sự khốn khó, khổ cực của những người cần được giúp đỡ.
Mình thường gửi gắm niềm tin của mình vào những tổ chức xã hội, chùa chiền, các nơi bốc thuốc từ thiện. Và gần đây nhất là tổ chức môi trường Green Trips Vietnam. Mình may mắn gặp được các anh chị không những có chung mối trăn trở về môi trường về Đất Mẹ, mà trong giai đoạn Covid tràn lan ở phía Bắc như bây giờ, mọi người vẫn nồng nàn hướng về đồng bào miền Bắc, tích cực kêu gọi hỗ trợ từ các Mạnh Thường Quân trong nước, quyên góp khẩu trang, sữa, nhu yếu phẩm,… để cứu nạn cho những tỉnh ở ngoài đó. Mình cảm thấy tự hào và may mắn khi góp được một chút tấm lòng, một chút công, một chút sức trong đợt này”.
Minh Thông không mong đợi gì từ việc cho đi, bạn chỉ mong rằng những người cần sự giúp đỡ rồi họ sẽ sớm vượt qua những khó khăn đó, tin rằng họ sẽ vượt qua được. Sông có khúc, người có lúc, giúp nhau những khi trái gió trở trời, làm cho con người mạnh mẽ có thêm nghị lực sống. Minh Thông tin rằng: “Cho đi, đâu chắc sẽ nhận được lại. Nhưng cho đi, thì chắc chắn sẽ hạnh phúc”.
Câu chuyện thú vị mới đây Minh Thông chia sẻ trong lúc đi xe Grab, bác tài xế hỏi đem khẩu trang đi bán hả con? Sau khi Thông chia sẻ là khẩu trang được mọi người quyên góp tặng cho đồng bào ở Bắc Giang chống dịch, nghe thế chú cũng quyết định ủng hộ 40 ngàn mua thêm 1 hộp khẩu trang để cùng chung tay chống dịch. Giữa cái nắng Sài Gòn oi ả, chú phải đi giao gấp trà sữa cho khách nhưng vẫn thấy ấm áp tình thương giữa những người xa lạ chưa một lần quen biết nhau.
Làm thiện nguyện không cần phải quá to tát, đợi đến khi có đủ điều kiện mới làm, chỉ cần việc làm có ý nghĩa giúp đỡ cho người khác tốt hơn bằng chính tất cả lương tâm của mình, đúng người đúng đối tượng cần được giúp đỡ dù là hành động nhỏ nhất cũng đều đáng quý.
Đạt V