Thể hiện trách nhiệm chăm lo cho người khuyết tật (NKT), thời gian qua, việc tạo điều kiện trên nhiều phương diện trong cuộc sống cho NKT đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, việc tạo sân chơi thể thao cho NKT còn khá ít.
Còn thiếu sân chơi
Có mặt trên sân vận động tỉnh vào một buổi chiều cuối tháng 10 vừa qua, dẫu không phải là lần đầu đến đây nhưng hôm ấy, chúng tôi lại có thật nhiều cảm xúc. Hơn 40 bạn trẻ là NKT được tham gia lớp tập huấn thể thao nâng cao thể chất cho NKT. Lớp do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND TP. Bến Tre tổ chức ở hai bộ môn điền kinh và bơi lội. Tuy không có khả năng về ngôn ngữ nói, khiếm khuyết về thể chất, có phần thiểu năng về trí tuệ nhưng các em đã có những nụ cười thật vui tươi đầy phấn khích khi cùng nhau tập luyện các động tác bước ngắn, bước dài, vận động, hít thở… trong bài tập thể thao.
Bạn Khoa, 22 tuổi, tuy khuyết tật vận động nhưng rất thích thể thao và đã có thời gian dài gắn bó bộ môn cờ vua. Khi nghe trường phát động việc mở lớp thể thao cho NKT, Khoa đăng ký tham gia ngay, tập luyện ở bộ môn điền kinh (chân em còn di chuyển khá tốt). “Được ra sân chơi thể thao cùng các bạn và được sự hướng dẫn của thầy, em cảm thấy rất vui và rất thích, em muốn lớp được kéo dài thêm nhiều thời gian để em và các bạn được hướng dẫn tập luyện nhiều hơn nữa. Sau này, nếu có điều kiện tham gia thi đấu ở các giải đấu NKT, em sẽ sẵn sàng tham gia”, Khoa vui vẻ bày tỏ.
Nhìn thấy niềm vui của các em, chúng tôi trộm nghĩ, nếu số đông NKT đều được tiếp cận và tham gia thể thao như thế thì sẽ hay biết mấy. Nhìn lại, tạo điều kiện cho các em học sinh khuyết tật học văn hóa và các kỹ năng, tỉnh có Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật. Thầy Nguyễn Trọng Duy – giáo viên của trường cho biết, hiện trường có hơn 250 em theo học, khuyết tật chủ yếu ở các dạng: khuyết tật vận động, chậm phát triển trí tuệ và khiếm thính, số ít dạng mù và bại liệt. Ngoài việc giảng dạy về văn hóa, trường có tổ chức các hoạt động văn nghệ, sinh hoạt vui chơi cho các em, còn với thể thao thì chủ yếu chỉ mang tính tiếp cận giải trí như: cờ vua, cầu lông…, trường chưa có điều kiện để tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao. Trước đây vài năm, trường có đưa một số học sinh tham gia thi đấu thể thao (bộ môn cờ vua) dành cho các trường khuyết tật trong khu vực, nhưng đến nay chưa tổ chức lại nên học sinh của trường cũng chưa có thêm cơ hội tham gia. Với lớp tập huấn thể thao do sở tổ chức, trường phát động rộng rãi cho các em tự đăng ký, không hạn chế số lượng, các em tham gia.
Nâng cao thể chất cho NKT
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có hơn 26 ngàn NKT, trong đó NKT đặc biệt nặng là hơn 3 ngàn người, nặng là hơn 16 ngàn người và nhẹ là hơn 6 ngàn người. “NKT dù có sức khỏe hạn chế, cơ thể không lành lặn nhưng nhiều người vẫn yêu thích và gắn bó với thể thao. Bởi thể thao không chỉ là sân chơi lành mạnh, bổ ích mà còn giúp NKT có cơ hội được chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và thể hiện nghị lực vươn lên trong cuộc sống, qua đó giúp NKT sống vui, khỏe, có ích, hòa nhập cùng cộng đồng. Việc sở phối hợp cùng các đơn vị tổ chức lớp tập huấn này cũng hướng đến mục đích như thế”, ông Nguyễn Thiện Chí – Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định. Đây cũng là hoạt động nằm trong Đề án số 5392 ngày 20-10-2015 của UBND tỉnh về phát triển thể thao cho mọi người trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 – 2020, lớp đã được tổ chức năm thứ hai.
Là người đã nhận nhiệm vụ huấn luyện thể thao – bộ môn điền kinh cho ở năm NKT qua 2 lần tổ chức lớp, anh Phạm Văn Lộc – Huấn luyện viên bộ môn điền kinh của lớp chia sẻ, với lớp thể thao cho NKT thì mục đích chính là nâng cao thể chất cho NKT, tạo không khí vui chơi thể thao cho các em. “Vì đại đa số NKT nói chung, trong đó có các em học sinh Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật có ít điều kiện để tiếp cận các môn thể thao nên đây là dịp để các bạn được tham gia vận động nhiều hơn, đúng nghĩa sinh hoạt trong môi trường thể thao, từ đó, góp phần phát triển thể chất, sức khỏe. Đồng thời, cũng là khơi dậy niềm đam mê thể thao cho các em, và trên thực tiễn sân tập, các em đã thể hiện sự ham thích, vui tươi trong sân tập”, anh Lộc nói.
Anh Lộc cũng chia sẻ thêm, nếu để hướng đến việc phát triển phong trào thể dục thể thao cho NKT dạng chuyên sâu, tìm kiếm và tạo nguồn vận động viên cho các cấp thì nên tạo điều kiện theo sở thích và khả năng của các em, có thể học võ, học bơi, điền kinh, các môn cờ… Từ đó để chọn lựa, tập luyện và đào tạo các em với các chương trình giảng dạy cụ thể, phù hợp. Nhưng quan trọng vẫn là mở rộng phong trào thể thao để nâng cao thể chất cho NKT”.
Một lớp tập huấn với hơn 10 buổi tập luyện thì cũng chỉ là một phần nhỏ trong việc tạo điều kiện tiếp cận thể thao cho NKT, bởi số lượng NKT chưa có điều kiện tham gia thể thao còn khá nhiều. Cũng đồng nghĩa việc tìm kiếm vận động viên ưu tú đại diện tỉnh nhà tham gia các giải thể thao NKT cấp khu vực và toàn quốc vẫn đang được tổ chức thường xuyên sẽ hạn chế. Đó là điều đang được ngành thể thao tỉnh nhà quan tâm và hướng đến các hoạt động thể thao nhiều hơn cho NKT ở các huyện, thành trong toàn tỉnh.
Nguồn: Ánh Nguyệt – Báo Đồng Khởi