Anh là một người rất đặc biệt, bị liệt hoàn toàn nửa người phía dưới, suốt đời phải ngồi xe lăn nhưng bằng nghị lực phi thường, anh đã vươn lên thành người có ích cho xã hội.
Một lớp học cũng rất đặc biệt do anh tổ chức cho những trẻ em nghèo xóm chợ, từ lâu đã trở thành một hình ảnh quen thuộc của những người dân phường 1, thành phố Đông Hà (Quảng Trị).
Lá rách ít, đùm lá rách hơn
Anh Trần Quốc Hoàn (sinh năm 1975) sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Bố anh từng chiến đấu tại chiến trường Nam Bình – Trị Thiên khói lửa. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không may bố anh bị nhiễm chất độc hóa học.
Lúc sinh ra, anh cũng bình thường như bao người khác, thế nhưng sau một trận sốt thì hai chân từ mất cảm giác đến teo hẳn, không còn khả năng đi lại. Thương con hiếu học, bố mẹ anh và bạn bè tình nguyện lấy lưng thay chân nâng bước anh đến trường.
Những năm tháng ấy vất vả trăm bề, nhưng anh không nản, quyết tâm học hành tử tế bù đắp công lao bố mẹ, bạn bè, hơn hết là anh muốn vượt lên số phận. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hoàn quyết định không thi đại học, mà ở nhà mở một lớp học bồi dưỡng kiến thức cho những trẻ em nghèo ở xóm Chợ và xóm Vạn nơi gia đình sinh sống.
Mùa hè năm 2004, một lớp học nhỏ được dựng lên. Ban đầu anh chỉ nghĩ mở lớp cho một số em nâng cao kiến thức, nào ngờ chỉ một thời gian ngắn số lượng học sinh tìm đến ngày càng đông.
Những học sinh tìm về với anh có cả những đứa trẻ nghèo mà một chữ bẻ đôi chưa biết và cả những em học giỏi nhưng không có điều kiện để được học thêm. Chúng là con của những gia đình vạn chài lênh đênh trên sông nước, trong số đó không ít trẻ đánh giày, ăn xin và mưu sinh trên đường phố. Có em bán vé số, em lượm ve chai, bán nước dạo, gia cảnh khó khăn nhưng ham học đều tìm đến thầy.
Thấy đứa trẻ nào bán vé số, đánh giày trên đường, Hoàn đều động viên chúng đến với mình. Như cá gặp nước, chúng hân hoan kéo nhau đến chật nhà anh xin được học chữ. Không phân biệt hay nề hà, anh nhận tất cả vào lớp với niềm phấn chấn lạ thường.
Có thời điểm, căn nhà nhỏ bé của anh đón nhận 50 em. Việc làm của anh hoàn toàn tự nguyện, anh dạy miễn phí cho các em, không chờ đền đáp, bởi ở xóm nghèo này cái mà những phụ huynh giàu có nhất đó là tấm lòng.
Người thì chài lưới quanh năm bầu bạn với mom sông, người bán xôi sáng, cháo lòng, thậm chí có đứa trẻ bố đi làm thuê, mẹ bệnh tật nằm liệt giường, đôi khi anh còn móc ví đưa cho nó dăm ngàn tiền lẻ để ăn sáng hay mua rau giúp mẹ.
Lớp học của anh Trần Quốc Hoàn luôn dao động từ khoảng 15 đến 35 em từ lớp 1 đến lớp 4, hầu hết các em đều là trẻ em phải lao động sớm, không được học hành đến nơi đến chốn. Tính đến nay, anh đã dạy hơn 250 em học sinh…
Tranh thủ những thời gian không đứng lớp, anh giúp vợ phân loại ve chai, tháo nắp lon và chặt lon sắt trước khi đem bán. Anh Trần Quốc Hoàn tâm sự, gần chục năm qua, anh không nhớ mình đã nhận dạy chữ cho bao nhiêu em, chỉ biết rằng trong số các em đã được anh thụ giáo, có không ít người đã trưởng thành, đó là điều khiến anh hạnh phúc nhất.
Nơi chắp cánh ước mơ
Rời bước khỏi lớp học của anh Trần Quốc Hoàn, trong cái nắng oi nồng của một ngày đầu hạ, những tiếng trẻ bi bô học bài cứ níu bước chân người đi. Hình ảnh những học trò áo quần đen nhẻm, vá chằng chịt, tóc xơ xác bởi những bào mòn của bụi bặm đường phố, bởi những lo toan của một tuổi thơ vất vả và hình ảnh một ông thầy tật nguyền trên chiếc xe lăn cứ theo tôi suốt dọc đường về. Đơn sơ, giản dị thế thôi nhưng chính từ lớp học chật chội, không bảng, không phấn, chỉ hai dãy bàn ghế gỗ ấy, mà hơn 10 năm qua đã có biết bao đứa trẻ bất hạnh được chắp cánh ước mơ trên con đường học vấn.
Nỗ lực vượt lên chính mình
Những em học sinh đầu tiên của anh nay đã bước vào giảng đường đại học, như trường hợp của em Hoàng Thu Trang. Nhờ lớp học tình thương của thầy Hoàn, Trang đã vượt qua được những khó khăn của gia đình và mặc cảm nghèo khó, để vươn lên thực hiện ước mơ đèn sách của mình.
Năm nay, Trang đang là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học KHXH &NV TP.HCM. Hiện có rất nhiều học sinh bước ra từ cái nôi này đang theo học các trường đại học hàng đầu của nước ta, như Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Đại học Ngoại giao, Đại học Giao thông – Vận tải.
Ngoài việc làm dạy học nhân văn ấy, anh Trần Quốc Hoàn còn được biết đến là vận động viên khuyết tật nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị. Năm 2006, anh mạnh dạn đăng ký tham gia cuộc thi dành cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị và thật bất ngờ là ngay lần đầu tiên tham gia, anh đã đạt thứ hạng cao ở nội dung xe lăn.
Sau khi vào đội tuyển thể dục thể thao dành cho người khuyết tật của thành phố Đông Hà, anh bắt đầu tham dự các hội thao của người khuyết tật trong toàn quốc. Năm 2007, lần đầu tiên tham gia hội thao toàn quốc nhưng anh đã tự tin ẵm về huy chương đồng cho đoàn Quảng Trị.
Sau đó, Trần Quốc Hoàn tiếp tục tham dự nhiều giải đấu trong nước và khu vực, tiếp tục giành những giải thưởng đáng nể. Hiện tại, anh đang sở hữu 12 huy chương vàng, 19 huy chương bạc và 8 huy chương đồng.
Cuộc sống hai vợ chồng anh Hoàn tính đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng dù vất vả đến đâu, vợ chồng anh vẫn quyết duy trì lớp học tình thương này. Anh lấy việc cưu mang, dạy dỗ các em làm niềm đam mê trong cuộc sống.
Nguồn: Loan Nguyễn – Người đưa tin