Những công nghệ tiên tiến đang được các nhà khoa học triển khai để giúp những người kém may mắn có được một cuộc sống độc lập và hòa nhập với cuộc sống.
Kính thông minh giúp người khuyết tật sử dụng máy tính bằng cử động mắt
Trường ĐH hợp tác với startup làm cánh tay robot cho người khuyết tật
Xe lăn điện điều khiển, “trợ thủ” đắc lực của người khuyết tật
1. Liệu pháp điện xung cột sống
9 năm trước, David Mzee bị liệt do tai nạn thể thao và anh cho rằng mình sẽ không bao giờ đi lại được nữa. Thế nhưng, mới đây, anh đã tham gia một cuộc chạy bộ từ thiện và hoàn thành quãng đường 390m. Trước đó, anh đã tình nguyện tham gia 1 cuộc thử nghiệm liệu pháp điện xung cột sống do các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ thực hiện. Phương pháp này kích thích tủy cột sống bằng xung điện để làm trẻ hóa các mạch không hoạt động ở những bệnh nhân bị gãy cột sống.
Để thu được kết quả này, một nhóm các nhà khoa học gồm các nhà giải phẫu thần kinh và kỹ sư đã nghiên cứu và thử nghiệm trong hơn 10 năm liệu pháp điện xung mục tiêu kích thích các cơ riêng lẻ theo đúng trình tự vận hành của não bộ. Các xung điện này có được là nhờ một thiết bị được cấy vào cột sống liên kết chặt chẽ với những vùng kiểm soát các cơ ở phần dưới cơ thể.
Trong quá trình điều trị, các nhà nghiên cứu bắt đầu quá trình xung điện hướng vào một cơ nhằm thôi thúc bệnh nhân bắt đầu di chuyển. Các cảm ứng trên chân phát hiện chuyển động như giai đoạn ban đầu của một bước đi. Sau đó, các nhà khoa học tiếp tục tiến hành các xung điện mục tiêu nhằm kích thích các chuyển động cơ cần thiết để hoàn thành bước đi. Trong suốt quá trình lặp đi lặp lại, các bệnh nhân đã nghĩ về việc di chuyển các cơ và bước đi.
Do các tế bào thần kinh trong não được kích thích gần như cùng lúc với xung điện, nên liệu pháp này được cho là đã “kết nối lại” não bộ với cơ. Chính vì vậy, bệnh nhân có thể chỉ huy cơ chuyển động mà không cần xung điện.
2. “Mũ bảo hiểm” cho người mù
Chiếc mũ có tên gọi Meta được thiết kế bởi CloudMinds, một startup về công nghệ của Trung Quốc. Được ví như ‘mắt thần’ cho người mù, Meta giống như những chiếc mũ bảo hiểm đi xe đạp, sử dụng các cảm biến và máy ảnh để vẽ bản đồ các khu vực xung quanh nó và gửi thông tin đến máy chủ đám mây.
Sau đó, thông tin được xử lí bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo và được truyền đạt lại cho những người mù bằng lời nói, giúp họ định hướng được đường đi, nhận ra các đồ vật xung quanh và băng qua các ngã tư, qua đường đúng theo tín hiệu giao thông.
Công nghệ này tương tự như hệ thống đang được phát triển cho xe tự lái hiện nay.
3. Máy trợ thính đời mới
Có lẽ việc cấy ốc tai dưới da không còn gì xa lạ với chúng ta nữa, nhưng các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia, New York đang nghiên cứu cho ra đời chiếc máy trợ thính đầu tiên điều khiển bằng suy nghĩ, giúp người khiếm thính phân biệt được giọng nói kể cả khi xung quanh rất ồn ào.
Chiếc máy này theo dõi não bộ của người người dùng để xác định giọng nói mà họ đang để ý đến và sau đó khuếch đại âm thanh đó, đồng thời làm giảm tiếng ồn xung quanh, giúp người sử dụng nghe tốt hơn.
Vấn đề tạp âm của máy trợ thính từ lâu được các nhà khoa học chú ý. Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Đại học Columbia là những người đầu tiên tìm ra giải pháp với việc kết hợp trí thông minh nhân tạo (AI) và thiết bị cảm biến đo hoạt động não bộ của người nghe.
Thiết bị có thuật toán để tách riêng giọng nói của từng người, sau đó so sánh những giọng nói này với hoạt động của não bộ người nghe để biết người nào đang được chú ý. Theo đó, giọng nói của người được chú ý sẽ được khuếch đại lên.
Tuy nhiên, để sử dụng sản phẩm này, bệnh nhân vẫn phải trải qua một ca phẫu thuật cấy ghép thiết bị theo dõi hoạt động não bộ. Chính vì thế, nó chưa thể trở thành một thiết bị hỗ trợ phổ thông.
4. Khung xương Bionic – Đôi chân mới cho người bị liệt
Mới đây, anh Lyle Fleming, ở Tây Virginia, Mỹ đã lần đầu tiên đứng và di chuyển sau 6 năm bị liệt nhờ sử dụng một bộ xương ngoài được ví như một chiếc xe điện thăng bằng.
Được thiết kế đặc biệt cho những người bị liệt, giúp họ có thể đứng và di chuyển, bộ trang phục giống như robot này đã được Cục quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt vào năm 2012. Sản phẩm được gắn một bộ cảm biến để phát hiện chuyển động nhỏ của con người. Ngoài ra, thiết bị còn gắn thêm một máy tính và các ổ đĩa động cơ đặc biệt nằm dưới đầu gối và hông giúp người liệt di chuyển về phía trước.
Trong tương lai, bộ xương ngoài này có thể được sử dụng thay thế xe lăn, không chỉ chăm sóc sức khỏe mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của những người bại liệt.
5. Găng tay biến ngôn ngữ cử chỉ thành lời nói
Các nhà khoa học ở Anh, Mỹ và Trung Quốc đang nghiên cứu các nguyên mẫu của chiếc găng tay dịch ngôn ngữ ký hiệu thành lời nói, cho phép người dùng có thể giao tiếp bằng lời nói với những người không thành thạo ngôn ngữ kí hiệu một cách dễ dàng.
Nguồn: Kim Phụng (The Guardian) – Khám Phá