Ngày ngày trong căn nhà nhỏ ở gác 5, khu tập thể Thành Công (Hà Nội), người ta vẫn thấy hình ảnh người thầy giáo già và người học trò nhỏ ngồi trước cây đàn Piano với những bài giảng say sưa, tâm huyết.
Thật lạ kỳ, ở tuổi 89, thế nhưng PGS.TS, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Tứ vẫn có đủ sức khỏe và lòng yêu nghề, sự tâm huyết để truyền dạy kiến thức cho lứa học trò chỉ đáng tuổi chắt của mình. Công việc này đã được ông miệt mài thực hiện suốt mấy chục năm qua. Tôi đã được nghe biên tập viên, MC Trần Tùng (Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam) kể lại về người thầy, “người ông” mà anh theo học suốt 10 năm liền, từ khi mới 5 tuổi: “Nhạc sĩ Xuân Tứ không chỉ dạy tôi âm nhạc mà còn dạy tôi cách sống vui vẻ, lạc quan, cống hiến hết mình cho sự nghiệp, biết cảm thông và sẻ chia với mọi người. Giờ đây, dù ông đã 89 tuổi nhưng vẫn có nhiều học sinh đến xin học tại nhà. Có lẽ âm nhạc và tấm lòng nhân ái đã giúp ông giữ được sự mạnh khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần”.
Vợ chồng nhạc sĩ Xuân Tứ sống trong căn tập thể cũ mà không ở với con cái, không cần sự trợ giúp của người giúp việc. Tôi thắc mắc thì bà bảo: “Hai ông bà vẫn khỏe, vẫn tự chăm nhau được”. Đúng là “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Nhìn nhạc sĩ Xuân Tứ da dẻ hồng hào, khỏe mạnh, tôi mới thấy sức khỏe ấy có được một phần do sự chăm chút từng li từng tí của bà.
Căn nhà tập thể của ông bà cách công viên Thành Công – được ví như “lá phổi xanh” của khu vực quận Ba Đình, đúng một con đường với chiều rộng cỡ 5-6 mét. Tuy hơi ồn ào, náo nhiệt, thậm chí bụi bặm từ con đường đông người qua lại nhưng ông bà được “hưởng lợi” từ công viên này. Đó là địa điểm lý tưởng để ông bà có thể đi bộ thể dục, ngắm cảnh, thư thái tuổi già. Đó là một “không gian xanh” mà không phải ai ở sống trong khu tập thể ở nội thành Hà Nội cũng có được. Nhìn ông khỏe mạnh, lạc quan và tràn đầy năng lượng, tôi hỏi bà bí quyết thì bà bảo: “Có lẽ chính những giai điệu, tiếng đàn, lời ca và những phút giây được sống với âm nhạc là “liều thuốc tinh thần” tiếp sức cho ông vượt qua bệnh tật và hứng khởi hơn trong tìm tòi, sáng tạo”. Quả đúng vậy, âm nhạc với mỗi người là “liều thuốc” để có thể sống vui, sống khỏe và nhất là với nhạc sĩ thì càng đúng hơn.
Nhạc sĩ Xuân Tứ có nhiều năm giữ cương Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa – Nghệ thuật Hà Nội (nay là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) rồi được biết đến là một nghệ sĩ đàn accordéon nổi tiếng, một nhạc sĩ đã có nhiều tác phẩm đáng giá. Hai người con trong gia đình của ông bà cũng theo âm nhạc, người con gái từng tốt nghiệp Chỉ huy âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Matxcơva (Nga), hiện đang giảng dạy tại Thụy Điển. Người con trai của ông chính là nhạc sĩ Xuân Phương, hiện công tác tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, là tác giả của ca khúc Mong ước kỷ niệm xưa được nhiều bạn trẻ yêu thích.
Là người ham khám phá, thích tìm tòi, sáng tạo những hướng đi mới cho âm nhạc nước nhà nên khi đàn phím điện tử bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, nhạc sĩ Xuân Tứ đã dành nhiều thời gian và công sức nghiên cứu loại đàn này. Rồi vào thời điểm nhạc jazz thịnh hành ở Việt Nam, nhạc sĩ Xuân Tứ đã nghiên cứu để tìm ra cái hay, cái hấp dẫn của dòng nhạc này đồng thời chuyển hóa vào những bài giảng để rồi hôm nay, khi đã 89 tuổi, ông vẫn có học trò là sinh viên các trường nghệ thuật cũng như những ca sĩ đang hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp theo học tại nhà.
Với nhạc sĩ Xuân Tứ thì nghề giáo là nghề mà ông đã gắn bó suốt cuộc đời. Đó là nghề “cao quý trong các nghề cao quý”, là nghề mà ông được thỏa sức truyền lại những kiến thức đã học được từ trong sách vở và thực tế đời sống nghiên cứu, sáng tác, giảng dạy. Nghĩ về ông, tôi càng thêm trân trọng, yêu mến một người nhạc sĩ, người nghệ sĩ, người thầy giáo suốt đời cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Ngẫm về những tác phẩm của ông, trong đó có bài ông sưu tầm, chỉnh lý, cải biên Người ở đừng về từ bài quan họ cổ Chuông vàng gác cửa tam quan cho thấy tư duy sáng tạo, một sự mạnh dạn đổi mới trong bộ óc của người luôn trăn trở với sự phát triển của âm nhạc dân tộc nước nhà.
Nguồn: Bạch Đằng – Sức Khỏe và Đời Sống