Theo các nghiên cứu, hơn 50% người lớn không nhận thức có tăng huyết áp. Tần suất tăng huyết áp tăng cao theo tuổi, nguy hiểm là các tổn thương cơ quan do huyết áp bao gồm tim, não, thận, mắt và mạch máu, mà đáng lo ngại nhất là suy thận, đột quỵ, xuất huyết não hay tử vong.
Theo các nghiên cứu, hơn 50% người lớn không nhận thức có tăng huyết áp. Tần suất tăng huyết áp tăng cao theo tuổi, tần suất tăng huyết áp sẽ là 11%/nam và 10%/nữ (20-44 tuổi), 33%/nam và 27%/nữ (45-54 tuổi), 53%/nam và 52%/nữ (55-64 tuổi), 64%/nam và 63%/nữ (65-74 tuổi), 71%/nam và 78%/nữ (nhóm người > 75 tuổi) nếu lấy mức tăng huyết áp là ≥ 140/90 mmHg.
Các tổn thương cơ quan do huyết áp gồm có tim, não, thận, mắt và mạch máu. Tỉ lệ tử vong tim mạch sẽ tăng gấp đôi cứ với mỗi mức tăng 20 mmHg huyết áp tâm thu và 10 mmHg tâm trương, với mức huyết áp lý tưởng ban đầu là 115/75 mmHg. Ngược lại cứ mỗi 10 mmHg tâm thu hay 05 mmHg tâm trương giảm sẽ giúp giảm 20% các biến cố tim mạch và 10-15% tử vong chung, giảm 35% đột quỵ và 40% suy tim.
Huyết áp (tâm thu/tâm trương) được xem là lý tưởng khi ở mức <120/<80 mmHg, bình thường: <130/<85 mmHg, bình thường cao: <139/< 89 mmHg và tăng khi huyết áp >140/90 mmHg (độ 1), > 160/100 mmHg (độ 2), ≥ 180/110 mmHg (độ 3), hay tăng huyết áp tâm thu đơn độc khi huyết áp >140/< 90 mmHg. Dựa vào mức huyết áp đo được ở nhà và phòng khám, ta có huyết áp bình thường, huyết áp tăng kéo dài, tăng huyết áp ẩn dấu và tăng huyết áp áo choàng trắng. Để xác định có tăng huyết áp hay không? Trước tiên chúng ta cần phải biết cách đo và hiểu cho đúng về con số huyết áp. Các lưu ý khi đo huyết áp Khi đo huyết áp, người đo huyết áp cần ngồi thoải mái, nghỉ ít nhất 05 phút trước khi đo. Không dùng cà phê, tập thể dục và hút thuốc ít nhất 30 phút trước đo, không mắc đi tiểu, không nói chuyện lúc đo, đặt tay đo huyết áp ngang mức tim (tư thế ngồi). Với người đo lần đầu, khuyến cáo đo cả 2 tay, huyết áp tham khảo là tay có trị số huyết áp cao hơn. Lặp lại việc đo huyết áp lần 2 sau 1 – 2 phút. Sự khác biệt huyết áp hai tay lớn > 15 mmHg và kéo dài có liên quan đến xơ vữa động mạch và làm tăng nguy cơ tim mạch. Kết quả trung bình của nhiều lần đo (≥ 02 lần), ở những thời điểm khác nhau (≥02 thời điểm) được ước tính mức huyết áp trung bình của người đo.
Cần đo ít nhất 03 lần, cách 1-2 phút, nếu hai lần đo mà mức huyết áp khác biệt > 10 mmHg, cần đo thêm lần 4 và lấy mức huyết áp trung bình của hai lần cuối. Đối với những người mới đo lần đầu, cần đo huyết áp cả tư thế ngồi và đứng (trong vòng 1- 3 phút sau đứng) để xác định tình trạng hạ huyết áp tư thế có không? Được xem là hạ huyết áp tư thế nếu huyết áp tâm thu giảm > 20 mmHg hay huyết áp tâm trương giảm > 10 mmHg sau đứng. Với những người lớn tuổi, đái tháo đường hay có tụt huyết áp tư thế nên đo huyết áp tư thế nằm và đứng.
Nếu huyết áp bình thường (HA < 120/80 mmHg), huyết áp cần theo dõi đo ít nhất hàng năm, nếu mức huyết áp cao (120-129/< 80 mmHg) huyết áp cẩn đo mỗi 03-06 tháng, nếu huyết áp tăng cao (130-139/80-89 mmHg) kèm hay không nguy cơ xơ vữa mạch cao hay huyết áp ≥ 140/90 mmHg thì huyết áp cần được theo dõi đo mỗi 1-3 tháng, tùy yếu tố nguy cơ, cùng với việc thay đổi lối sống tốt có lợi cho sức khỏe. Các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp Các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp là tuổi, giới (nam> nữ), hút thuốc lá, tăng lipid máu, tăng acid uric máu, đái tháo đường, quá cân hay béo phì, tiền sử gia đình có bệnh tim mạch sớm (nam < 55, nữ < 65), tiền sử gia đình có tăng huyết áp sớm, mạn kinh sớm, lối sống ít vận động, các yếu tố kinh tế xã hội hay tâm lý xã hội, tần số tim lúc nghỉ cao (> 80 lần/phút), bệnh thận mạn, ngưng thở lúc ngủ, điều trị kháng virus miễn dịch, rung nhĩ… Tần số tim lúc nghỉ (> 80 lần/phút ) được xem là một yếu tố nguy cơ độc của tử vong và các biến cố tim mạch.
Huyết áp luôn có sự thay đổi, vì vậy chẩn đoán tăng huyết áp không nên dựa vào một lần đo đơn lẻ tại nhà hay bệnh viện, ngoại trừ huyết áp đo rất cao (> 180/120 mmHg) hay có bằng chứng của tổn thương cơ quan do tăng huyết áp.
Có chẩn đoán xác định tăng huyết áp, loại hình tăng huyết áp, và các yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp, biến chứng tổn thương cơ quan đích hay tăng huyết áp có nguyên nhân thứ phát không… sau khi làm rõ các yếu tố trên, bác sĩ và bệnh nhân sẽ cùng lên kế hoạch điều trị dài hạn với mục dích nhằm đem lại chất lượng sống cao nhất và hạn chế các biến chứng không đáng có của tăng huyết áp, mà sự trả giá đáng lo ngại là suy thận, đột quỵ, xuất huyết não hay tử vong.
Nguồn: BS CKII Nguyễn Quang Trung – Tạp chí Sức Khỏe