Đối với VĐV khuyết tật, chiếc xe lăn được ví như là đôi chân của họ. Trong thể thao, chiếc xe lăn không chỉ là vật dụng để di chuyển, mà nó là dụng cụ hữu ích để nâng cao thành tích của VĐV. Thế nhưng, bấy lâu nay, những VĐV khuyết tật thường thi đấu với những chiếc xe lăn do mình tự chế, điều đó sẽ ảnh hưởng đến thành tích của họ như thế nào?
Với những VĐV khuyết tật bộ môn bóng bàn, có thể dễ nhận thấy, khi thi đấu họ di chuyển rất khó khăn với chiếc xe lăn. Những chiếc xe nhiều kích cỡ, mẫu mã đa dạng, nhưng hầu như chẳng chiếc xe nào đạt đáp ứng được yêu cầu của các VĐV, không những thế những chiếc xe còn cũ kỹ, lạc hậu.
VĐV Đan Truyền Long, Bộ môn bóng bàn người khuyết tật Hà Nội chia sẻ: “Nói chung chiếc xe này không thuận tiện cho thi đấu thể thao. Khi thi đấu chiếc xe có điểm tựa sẽ là vật cản đối với tôi, nếu muốn đánh quả khó tay sẽ vướng, trong khi đó xe không có điểm tựa, chúng tôi không dám đỡ những quả khó, nếu đỡ sẽ bị ngã vì chiếc xe này không có điểm tựa”.
Trong khi đó, VĐV Vũ Đăng Chí, Bộ môn bóng bàn người khuyết tật Hà Nội cũng cho rằng: “Ở nội dung đôi nam, xe có nhược điểm to. Trong bóng bàn đôi nam, có một ranh giới ở giữa, chiếc xe lăn của mình không được phạm sang được ranh giới đó. Thế nhưng khi thi đấu vì xe này to nên rất dễ lấn sang, nếu không để ý sẽ bị lỗi và mất điểm”.
Để tham gia đại hội, các VĐV khuyết tật trưng dụng những chiếc xe lăn trong sinh hoạt hàng ngày để thi đấu. Đó là những chiếc xe lăn phổ thông dùng trong y tế; xe dùng cho người già, hoặc của những bộ môn khác thải loại ra; những chiếc xe của viện trợ nhân đạo của các tổ chức phi chính phủ. Sử dụng những loại xe này sẽ không nâng cao thành tích cho các vận động viên. Vậy một chiếc đầy đủ tính năng thi đấu là chiếc xe như thế nào?
VĐV Nguyễn Bá An, Bộ môn bóng bàn người khuyết tật Đà Nẵng cho biết: “Chiếc xe có hai bánh bè ra, có trục đằng sau nên không bị té, chiếc xe phải được thiết kế theo độ thương tật của VĐV, có hai bánh phụ để đi lại tiến lùi dễ dàng”.
Trong khi đó, HLV Nguyễn Hồng Vinh, Bộ môn bóng bàn người khuyết tật Hà Nội cũng cho biết thêm: “Nếu theo đúng tiêu chuẩn thì xe không được kê bục, chỉ được kê tấm mút mỏng thôi. Chuẩn hơn là chiếc xe được đo theo từng hạng thương tật của VĐV, phải đo độ dài của tay, hông của VĐV như thế nào rồi mới thiết kế”.
Được biết, một chiếc xe lăn đủ tiêu chuẩn giá cũng khoảng 4000 đến 5000 USD. Hiện nay, ĐTQG mới được trang bị 1 – 2 chiếc cho các giải đấu lớn. Khó khăn như thế nên cứ mỗi kỳ đại hội thể thao cho người khuyết tật, những chiếc xe lăn không những chẳng thay đổi, mà ngày càng còn cũ kỹ hơn.
Theo Diệu Chi – VTV