Với Fotheringham, từ trải nghiệm riêng, anh cho rằng phần tốt nhất trong việc giúp các em nhỏ phải di chuyển bằng xe lăn là dạy chúng cách khám phá sự tuyệt vời của cuộc sống.
Rất nhiều người xem xe lăn là một thiết bị y tế kéo chậm họ lại. Nhưng sao nó có thể kéo chậm bạn lại được chứ? Nó có bánh xe mà. – Anh FOTHERINGHAM
“Chuyên gia đầu tiên trong việc biến những trái chanh thành nước chanh”, đó là dòng mô tả ngắn gọn về bản thân của anh Aaron Fotheringham trên tài khoản Instagram Nhưng không chỉ thế, anh còn là chuyên gia truyền cảm hứng sống cho bất cứ ai biết về cuộc đời đặc biệt này.
Mắc tật nứt đốt sống (spina bifida) bẩm sinh và không thể sử dụng đôi chân, cuộc đời anh Fotheringham không thể rời xa chiếc xe lăn từ năm 8 tuổi.
Nhưng giờ thì chàng trai 27 tuổi không biết sợ ở Las Vegas (bang Nevada, Mỹ) có biệt danh “Wheelz” về cơ bản đã sáng tạo ra một môn thể thao mới: nhào lộn với xe lăn cùng những thao tác xoay chuyển điêu luyện mà ngay cả những người lành lặn bình thường cũng phải lè lưỡi, lắc đầu.
“Rất nhiều người xem xe lăn là một thiết bị y tế kéo chậm họ lại. Nhưng sao nó có thể kéo chậm bạn lại được chứ? Nó có bánh xe mà”, chàng trai Fotheringham chia sẻ như vậy với trang Deseret News.
“Chiếc xe lăn không chỉ là một thiết bị y tế, nó là công cụ giúp bạn thành công và nó rất vui”. Còn nhớ trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài ESPN năm 2008, anh bạn trẻ Fotheringham khi đó được yêu cầu định nghĩa về căn bệnh nứt đốt sống.
“Một cơ hội tuyệt vời”, Fotheringham mỉm cười và trả lời lạc quan.
Là một trong sáu người con trong gia đình ông bà Steve và Kaylene Fotheringham, sau khi chật vật khắc phục bệnh tật suốt 8 năm đầu đời, rốt cuộc Fotheringham cũng chấp nhận chịu ngồi xe lăn. Tuy nhiên ngay cả khi đó cậu cũng không muốn bị đối xử khác biệt so với những đứa trẻ khác.
Fotheringham nằng nặc cho rằng cậu không thấy mình là người khuyết tật.
“Khi còn nhỏ tôi đã mơ ước trở thành một người trượt patin hay một tay đua xe đạp BMX chuyên nghiệp. Tôi bị tật nứt đốt sống bẩm sinh và nó đã cho tôi một bộ bánh xe khác để thử và thực hiện ước mơ này”, Fotheringham chia sẻ với trang Kỷ lục Guinness thế giới.
Cho tới nay Aaron Fotheringham đang sở hữu 3 danh hiệu kỷ lục Guinness lập trong các năm 2008, 2010 và 2012, tất cả đều liên quan tới những kỳ tích xác lập bằng xe lăn của anh.
Với lòng đam mê thể thao mạo hiểm như vậy, dĩ nhiên Fotheringham không thể tránh những sự cố, tai nạn trong quá trình tập luyện. Những cú ngã và các chấn thương của anh đều đã được ghi lại trong các video.
Đó là lý do vì sao anh sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn với mọi người về chúng.
“Như vậy bớt đau hơn”, anh đùa.
“Các chấn thương xảy ra thường hơn những gì tôi muốn thừa nhận – Fotheringham kể – Tôi đã đương đầu với một số lớn những lần bị chấn động, nhưng may mắn là chưa có lần gãy xương thực sự nào. Nhưng tôi đã bị gãy răng. Lần bị thương tệ nhất là tôi bị hất tung ra khỏi xe”.
Bất kể đã trải qua tới 23 lần phẫu thuật liên quan tới tật nứt đốt sống trong đời, song Fotheringham vẫn luôn lạc quan với tình trạng bản thân và việc nhào lộn, nhảy từ trên cao xuống với chiếc xe lăn vẫn luôn mang lại nguồn cảm hứng sống vô tận cho anh.
“Đó là cảm giác sợ hãi nhưng cũng là niềm thỏa mãn tinh thần khi đạt được thành tựu sau khi bạn đã đẩy lùi được những nỗi sợ và rốt cuộc tiếp đất thành công. Tôi nghĩ đó chính là điều đã thôi thúc tôi tiếp tục trở lại”, anh chia sẻ.
Đầu năm 2018, Fotheringham cho biết thành tựu “vĩ đại” nhất trong đời anh là kết hôn với người bạn gái Charlee Wilson để bắt đầu cuộc sống gia đình.
“Tôi nghĩ anh ấy rất đẹp trai – chị Charlee Fotheringham chia sẻ về ấn tượng đầu tiên khi gặp anh – Cũng có đôi chút lo sợ khi biết mối quan hệ của chúng tôi sẽ phải công khai. Đó là điều duy nhất khiến tôi lo lắng.
Nhưng tôi ngưỡng mộ anh ấy về cách anh ấy ứng xử với tình trạng khuyết tật của mình. Nó chưa bao giờ kéo lùi anh ấy trong bất cứ việc gì. Điều đó khiến tôi hiểu sâu hơn về tính cách anh ấy, tôi rất ngưỡng mộ và bị lôi cuốn vì điều đó”.
Kể từ sau đám cưới của họ, một trong những điều chị Charlee thích nhất là được ngắm nhìn chồng mình cùng mọi người chia sẻ niềm vui trên sân trượt patin với những người phải ngồi xe lăn. Anh đã mang lại niềm hi vọng cho họ về một cuộc sống vui vẻ và trọn vẹn hơn.
Còn với Fotheringham, anh không quên một bé trai người Đức nói với anh: “Giờ thì em biết là cuộc đời mình chưa kết thúc”.
“Câu nói đó tác động đến tôi vô cùng mạnh – anh nói – Đôi khi có thể tôi không nhận ra ảnh hưởng của điều đó vì tôi chỉ lướt xe xung quanh và vui chơi. Nhưng nó thực sự đang làm thay đổi cuộc sống của mọi người và giúp họ hiểu, xe lăn không phải là cái kết cuối cùng”.
Với Fotheringham, từ trải nghiệm riêng, anh cho rằng phần tốt nhất trong việc giúp các em nhỏ phải di chuyển bằng xe lăn là dạy chúng cách khám phá sự tuyệt vời của cuộc sống.
Những điều anh đã và đang sống với cuộc đời mình trên thực tế đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người anh chưa từng gặp, trong đó có rất nhiều em nhỏ như bé trai người Đức kia.
Theo Kim Thoa – Tuổi trẻ Online