Thương cao (mà thực ra là dài, vì cô đâu có đứng được) đúng 80cm, nặng 25kg. Cô chỉ nằm, hơi lăn trở được một chút nhưng đã mở được một xưởng sản xuất với 20 lao động là người khuyết tật.
Sống tử tế: làm sao để không thành ‘anh hùng bàn phím’?
Ước mơ của hai cậu học trò miền núi Bắc Trà My
Hẹn Nguyễn Thị Thu Thương (giám đốc Công ty cổ phần thương mại và sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade), dù đã nghe tiếng cô và biết cô bị bệnh xương thủy tinh, nhưng chúng tôi không ngờ vị giám đốc mà chúng tôi gặp lại đang nằm trên xe lăn.
Chúng tôi đang nỗ lực bán hàng bằng chất lượng thực sự chứ không phải vì lòng thương hại của khách hàng.
Nguyễn Thị Thu Thương
Thương khoe sang 2019, cô sẽ mở xưởng sản xuất thứ hai.
Kỳ tích của Thương
Thương nằm trên xe đẩy – loại dành cho trẻ em – với hình hài như một em bé, bàn tay bé xíu, nhưng gương mặt, giọng nói và mái đầu của người lớn. Cô cũng không ngồi, đứng hay đi được, chỉ hơi trở mình. Nhưng những lúc bị gãy xương thì trở mình cũng không thể được, mà Thương lại rất hay bị gãy xương bởi cô vốn mắc chứng bệnh xương thủy tinh…
Thế mà thật khó tưởng tượng những điều Thương đã làm. Cách đây 15 năm, cô gái 20 tuổi Nguyễn Thị Thu Thương bắt đầu đi học nghề. Cô học đan đèn ngủ bằng nút áo. Tình cờ một cô gái biết Thương trên mạng Internet thấy Thương khéo tay, cô ấy nói mình có cửa hàng bán tranh và đồ handmade sản xuất theo hình thức “xoắn giấy”, cô ấy sẽ cung cấp nguyên liệu để Thương sản xuất và bán tại cửa hàng của cô. Đó là bước ngoặt để Thương từ một người không đi, không ngồi được trở thành giám đốc như hôm nay.
“Bạn ấy đã hướng dẫn tôi làm tranh và đồ xoắn giấy trong ba ngày, rồi tôi tự học, hướng dẫn cả em gái và nhiều người ưa chuộng sản phẩm này. Những ngày học và làm việc, kết nối với những người khuyết tật khác trên mạng xã hội, tôi nhận thấy các bạn ấy cũng muốn tự nuôi sống được bản thân như tôi. Vậy là tôi mời các bạn đến học nghề trong hai tháng và cung cấp nguyên vật liệu cho họ mang về nhà làm, khi có thành phẩm thì chuyển lại cho tôi bán” – Thương kể.
Và năm 2013, 10 năm kể từ khi bắt đầu học nghề và mơ ước một ngày nào đó sẽ có xưởng của riêng mình, Thương đã mở được một xưởng sản xuất với 20 lao động đều là người khuyết tật ở quê cô – Phú Xuyên, Hà Nội.
Trên bức tường căn nhà Thương đang ở cùng với em gái và em trai treo đầy các bức tranh xoắn giấy: có bức tranh hoa sen, có bức là hồ Gươm chiều thu, có bức là cánh đồng mùa gặt. Nhưng đó chỉ là một phần các sản phẩm Thương đang bán ra: Thương Thương Handmade đang sản xuất nhiều thiệp chúc mừng các ngày lễ tết, làm hộp đựng trang sức, làm đồ trang sức…
Ngoài bán cho người dùng trong nước, sản phẩm của các cô gái, chàng trai khuyết tật ở đây còn đi Đức, Mỹ, Anh, Pháp…
Trong đó, cô gái chỉ có thể nằm Thu Thương có vai trò như một người lên ý tưởng, chốt đơn hàng, giao dịch với khách hàng. Và một điều đặc biệt nữa, dù chưa từng đến trường lớp, chỉ học chữ ở nhà với mẹ, em gái và được các sinh viên tình nguyện dạy tiếng Anh, nhưng Thương đã giao dịch được với khách hàng nước ngoài và gửi mẫu sản phẩm cho khách do cô và một họa sĩ cũng là người khuyết tật ở tận Bình Phước thiết kế qua email.
Năm 2018, 5 năm sau khi có xưởng sản xuất đầu tiên, Thương Thương Handmade làm ăn rất khá và cô đang chuẩn bị để mở một xưởng sản xuất thứ hai, ngay ở Hà Nội.
Lý do nào một cô gái chỉ có thể nằm lại làm được những điều mà ngay người khỏe mạnh, được học hành cũng rất khó khăn mới đạt được? Thương nói cô không muốn so sánh mình với bất kỳ ai, bởi người nào cũng có điểm mạnh của riêng mình.
Nhiều người cứ tấm tắc vì sao một cô gái chưa từng đến trường, lại khuyết tật nặng đến nhường ấy lại tự tin như Thương? Cách đây vài năm khi Huyện đoàn Phú Xuyên tổ chức đại hội, ban tổ chức đã mời Thương đến và cô đã… nằm trên một chiếc bàn, trên sân khấu, ngay cạnh chủ tọa đoàn để hát một bài. “Giây phút ấy xúc động lắm” – Thương kể.
Bán được hàng không phải vì lòng thương hại
Thương nói với chúng tôi về triết lý kinh doanh, về việc cô đang nỗ lực bán hàng bằng chất lượng thực sự chứ không phải vì lòng thương hại của khách hàng với những người khuyết tật như cô và các bạn trong xưởng. “Tôi nhận thấy điều này ở khách hàng. Nếu thương hại thì họ chỉ mua một lần, nhưng họ đã quay lại mua hàng nhiều lần, có nhiều công ty thường xuyên đặt hàng của chúng tôi để làm quà tặng mỗi dịp tết” – Thương nói.
Những ngày đầu tiên làm đồ xoắn giấy, sản phẩm của chính Thương cũng rất xấu, nhưng tính cô cầu toàn nên luôn muốn làm thật tốt, thật đẹp mới thôi. Giờ thì mỗi sáng Thương phải nghe cả chục cuộc điện thoại từ các “xưởng viên” ở Phú Xuyên, người thì hỏi sản phẩm này đưa màu nào thì vừa, mẫu như thế đã hợp lý chưa… Chỉ có thể nằm nhưng khối lượng công việc hằng ngày mà Thương phải đảm đương khiến những người khỏe mạnh cũng phải nể phục.
Em gái ruột của Thương đã nghỉ việc ở ngân hàng để về hỗ trợ công ty của chị. Năm trước Thương chỉ trả lương cho em hơn 4 triệu đồng/tháng, năm nay là 5,2 triệu đồng/tháng (chưa tính khoản nộp cho bảo hiểm xã hội). Lương cho một người thợ làm sản phẩm xoắn giấy ở xưởng của Thương ở mức 2 – 6 triệu đồng/tháng, tùy kết quả công việc.
Từ năm trước, nhân viên của Thương Thương Handmade đã được nhận tháng lương thứ 13. Mỗi người thợ chỉ phải nộp 300.000 đồng tiền ăn mỗi tháng, tiền ở được hỗ trợ và vì vậy họ đều có tiền để dành gửi về quê hỗ trợ gia đình. Đó là điều gây ngạc nhiên cho chính họ, người thân và cả cho chúng tôi.
“Chị Thương tính quyết liệt lắm, chị ấy quyết gì là không ai có thể ngăn nổi. Gia đình tôi đều nói chị nhỏ xíu thế ăn uống hết bao nhiêu đâu mà phải làm vất vả, nhưng chị ấy quyết rồi, không chỉ lo cho mình mà còn lo cho mọi người. Mở một xưởng, rồi giờ sắp mở thêm xưởng nữa, chị ấy luôn làm việc không ngừng nghỉ” – Nguyễn Diệu Như, em gái của Thương, nói về người chị đặc biệt của mình.
35 tuổi, Thương không nhớ nổi mình đã bị gãy xương bao nhiêu lần, bởi với cô mỗi lần gãy xương là một “niềm đau” không muốn nhớ. Lần Thương bị gãy xương gần nhất là tháng 8-2018, cô phải nằm suốt ba tháng một chỗ đến đầu tháng 11-2018 mới lành. Người khỏe mạnh nếu có gãy xương thì bó bột, nhưng người bệnh xương thủy tinh thì không thể bó bột, Thương phải nằm đúng một tư thế, có khi phải cắt bỏ tay áo mới có thể mặc được áo vì không thể nhấc tay lên.
Thế nhưng vì vẫn được làm việc, Thương vẫn thấy mình hạnh phúc, vẫn còn hơn rất nhiều người… Vì rất hạnh phúc, Thương rất hay hát và luôn cười, nụ cười vô tư và hồn nhiên. Mỗi khi Thương cười lại làm sáng bừng gương mặt người lớn của một cô gái chỉ có thể nằm nhưng đầy nghị lực.
Một tấm gương nghị lực
Trong 20 người khuyết tật đang sản xuất tại Thương Thương Handmade có Hoàng Phương Thảo (24 tuổi, tỉnh Tuyên Quang). Thảo vẫn nhớ lần đầu tiên biết đến chị Thương qua một chương trình truyền hình.
“Trước kia, cuộc sống của mình gặp rất nhiều khó khăn, không tìm được việc làm. Đến đây mình được sự chỉ dạy của chị Thương từ ăn ở, học tập đến cách vui chơi giải trí. Chị Thương là một tấm gương nghị lực. Mình là người khuyết tật nhưng chị Thương còn khuyết tật hơn mình rất nhiều.
Chị cho mình thấy sự cố gắng để vươn lên, vượt qua mặc cảm trong cuộc sống. Trước đây mình sống khép kín, cảm giác rất tủi thân, như một mình một thế giới. Gặp chị Thương, gặp mọi người đã khiến mình thay đổi, mình hòa đồng với mọi người, chính bản thân mình cũng bất ngờ vì sự thay đổi này” – Thảo bộc bạch.
Còn vui hơn khi Thảo đã có “người thương”, hai người gặp và quen nhau từ khi bắt đầu vào làm việc tại đây. Chị Thu Thương chia sẻ hóm hỉnh: “Đã có bốn đôi yêu nhau ở trung tâm rồi, chỉ còn mỗi mình cô đơn thôi”.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ