Một tháng sau kỳ tích của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, đô cử Lê Văn Công tiếp tục làm nức lòng người hâm mộ thể thao nước nhà khi lập nên chiến tích kỳ diệu cho thể thao Việt Nam tại đấu trường thế giới. 32 năm sống trong nghịch cảnh, Lê Văn Công đã vượt lên số phận bằng ý chí và nghị lực phi thường để ghi tên mình vào trang sử vàng thể thao người khuyết tật Việt Nam.
Ước mơ đứng trên đôi chân như những đứa trẻ bình thường khác thật xa xỉ đối với Lê Văn Công. Bởi ngay từ khi chào đời, cậu bé Công thiếu may mắn với đôi chân bị teo tóp do di chứng để lại từ một trận sốt xuất huyết của mẹ khi còn mang bầu. Tuổi thơ của cậu bé quê Hà Tĩnh trải qua không hề dễ dàng gì khi mà luôn phải đối diện với những ánh mắt tò mò xen lẫn cả trêu chọc, chế diễu… Thế nhưng, những thua thiệt đấy lại chính là động lực để Công vượt lên số phận, làm những việc hơn người.
Với ao ước làm nghề giáo, sau khi tốt nghiệp THPT Lê Văn Công thi vào Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Háo hức đến đất Sài Thành bao nhiêu thì Công lại hụt hẫng bấy nhiêu khi nhà trường thông báo không nhận sinh viên khuyết tật và chuyển Công qua học tại trường nghề với chuyên ngành công nghệ điện tử. Và sửa chữa điện tử trở thành công việc chính của Văn Công sau này. Nhờ nó, anh mới tự lo được cho cuộc sống của mình, có tiền theo đuổi việc tập luyện và xây dựng hạnh phúc riêng năm 2008. Trong khoảng thời gian ở TP Hồ Chí Minh, Văn Công tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ hướng nghiệp ở Tân Bình. Theo như tâm sự của nhà vô địch Paralympic, phải đến khi 21 tuổi, anh mới biết thế nào là sống và tin, đấy cũng là thời điểm Lê Văn Công bén duyên với thể thao, đầu tiên là điền kinh rồi đến cử tạ tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Tân Bình. Anh đã thật sự tìm thấy một hướng đi mới để tiếp tục tin tưởng vào tương lai, vào cuộc sống.
Lê Văn Công đã tiến bộ rất nhanh chỉ sau một năm luyện tập, và thành quả đầu tiên chính là chiếc HCB tại Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc tại Hà Nội năm 2005. Với niềm đam mê, sự bền bỉ và tố chất hiếm có, anh từng bước chinh phục đỉnh cao qua từng mức tạ trong hệ thống giải toàn quốc, khu vực Đông-Nam Á cũng như châu Á. Giải đấu quốc tế đầu tiên mà Công tham dự là ASEAN Para Games 2007, anh xuất sắc giành HCV hạng 49 kg. Sau khi mất hai năm để điều trị chấn thương từ năm 2011 đến 2013, VĐV sinh năm 1984 này đã trở lại mạnh mẽ hơn và vươn tới đẳng cấp của một đô cử hay nhất châu Á và hàng đầu thế giới ở hạng cân của mình khi ba lần phá kỷ lục châu Á, thế giới và đoạt HCV tại ASEAN Para Games 2014 (180 kg), Asian Para Games 2014 (181,5 kg) và giải vô địch châu Á 2015 (182 kg). Và trong ngày thi đấu đầu tiên tại Paralympic Rio 2016, Lê Văn Công trở thành huyền thoại của thể thao người khuyết tật với tấm HCV lịch sử đầu tiên cho Việt Nam tại các kỳ Paralympics từ năm 2000 tới nay, khi nâng thành công mức tạ 183 kg ở hạng cân 49 kg, đồng thời phá kỷ lục thế giới của chính mình.
Đó chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, ý chí vươn lên của Lê Văn Công. Một người tàn tật làm các công việc bình thường đã khó, nhưng Văn Công còn mang vinh quang về cho Tổ quốc là rất đáng khâm phục. Gia đình và đặc biệt là con trai của Văn Công chính là nguồn động viên và chất xúc tác to lớn để anh thêm động lực tập luyện, vượt qua số phận để hướng đến vinh quang. Và thành công của anh ngày hôm nay sẽ là tấm gương sáng cho tất cả những người theo nghiệp thể thao noi theo về ý chí và nghị lực.
Thế nhưng, những thua thiệt đấy lại chính là động lực để Công vượt lên số phận, làm những việc hơn người.
Nguồn: ANH MAI – Báo Nhân Dân