Tai nạn đuối nước thường gặp ở nước ta, do hệ thống sông ngòi chằng chịt và tỉ lệ tử vong do hậu quả của ngạt nước thường cao do không được cấp cứu kịp thời hoặc chưa đúng cách. Hiện nay, do tình trạng bão lũ đang diễn tiến phức tạp tại nước ta, việc phòng ngừa và xử trí đúng đuối nước càng trở nên quan trọng và cần thiết.Ai có thể bị đuối nước?
Đuối nước (ngạt nước) là tình trạng bị ngạt khi chìm trong nước do hít phải nước hay do sự co thắt thanh quản, lượng oxy đi vào cơ thể bị giảm và làm cho các cơ quan ngừng hoạt động do thiếu oxy.
Bất cứ ai cũng có thể bị đuối nước, từ trẻ em đến người lớn, thậm chí cả người biết bơi.
Các đối tượng nguy cơ cao:
-Nhỏ tuổi.
-Không biết bơi.
-Uống rượu.
-Chấn thương.
-Động kinh.
-Lặn quá sâu.
-Do chủ quan, đôi khi xảy ra cả ở người bơi giỏi, thậm chí là người cứu nạn nhân.
Có mấy loại đuối nước?
Cơ bản có 2 loại dựa trên tình trạng nước ở phổi:
*Trường hợp chết đuối mà trong phổi có nước, chiếm khoảng 80%.
*Trường hợp chết đuối nhưng phổi không có nước, chiếm khoảng 20%: tình trạng này do phản xạ co nắp thanh quản và đóng khí quản làm nạn nhân không thở được và thiếu oxy dẫn đến bất tỉnh. Vì nắp thanh quản đóng nên nước cũng không vào được. Trường hợp này còn được gọi là chết đuối khô.
Triệu chứng của đuối nước?
Triệu chứng của đuối nước rất đa dạng mà nguyên nhân chủ yếu là do nạn nhân bị thiếu oxy. Các biểu hiện có thể là:
-Khó thở, đau sau xương ức.
-Tăng tiết đàm lẫn máu.
-Da tím tái.
-Tim đập nhanh hoặc loạn nhịp.
-Giảm huyết áp.
-Hạ thân nhiệt.
-Rối loạn thần kinh như giãy giụa, lơ mơ, hôn mê…
Hậu quả của đuối nước
-Hậu quả của đuối nước quan trọng nhất chính là tổn thương não, thậm chí có thể rơi vào tình trạng sống đời sống thực vật.
-Các hậu quả khác như suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tim, rối loạn điện giải…
Nguyên tắc chung xử trí
*Sơ cứu tại chỗ
– Khẩn trương – đúng phương pháp với mục đích là giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân.
– Thời gian vàng sơ cứu nạn nhân đuối nước là khoảng 1-4 phút đầu tiên khi có cơn ngừng thở.
*Kiên trì cấp cứu trong nhiều giờ
Xử trí cụ thể
Cấp cứu ngay dưới nước:
Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước (nếu được) hoặc nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước; quàng tay qua nách nạn nhân, nâng gáy và gọi thêm người hỗ trợ để đưa vào bờ.
Ngay khi đưa nạn nhân lên bờ hay thuyền:
Nếu nạn nhân ngưng tim: bất tỉnh hay lay gọi không đáp ứng, ngưng thở hoặc thở kiểu ngáp cá:
– Gọi ngay cấp cứu 115 hoặc hỗ trợ từ cơ sở y tế gần nhất.
– Đồng thời phải tiến hành hồi sinh tim phổi: ép tim ngoài lồng ngực (dùng hai tay chồng lên nhau đặt ở nửa dưới xương ức và ép với tần số khoảng 100 – 120 lần/phút) và hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt).
– Cần kiên trì sơ cứu cho nạn nhân. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim khoảng 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.
– Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, giãy giụa hoặc nạn nhân vẫn còn hôn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì cần chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế.
Nếu nạn nhân còn tỉnh và tự thở:
– Đặt nạn nhân nằm nơi khô ráo, cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp chăn hay tấm khăn khô.
– Đặt nạn nhân ở tư thế an toàn là nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu có nôn ói.
– Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất ngay cả khi nạn nhân có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước, đặc biệt ở trẻ em.
Lưu ý: Không nên xốc nước vì biện pháp này chỉ có tác dụng khai thông vùng hầu họng và miệng nhưng làm tăng nguy cơ hít sặc và làm chậm thời gian cấp cứu cho nạn nhân.
Vận chuyển an toàn
Cần đảm bảo an toàn cho nạn nhân khi vận chuyển đến cơ sở y tế.
Cố định cột sống cổ nếu có tổn thương cột sống cổ. Đôi khi chấn thương cột sống cổ là nguyên nhân dẫn đến đuối nước.
Khi tỉnh lại nạn nhân sẽ nôn ra nước nên phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, kê cao dưới hai vai, nới rộng quần áo để không bị sặc trở lại vì chất nôn.
Tiếp tục cho thở oxy nếu nạn nhân tự thở được.
Trong quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu (nếu cần) và giữ ấm cho nạn nhân.
Phòng ngừa
Không để trẻ nhỏ ở nhà một mình.
-Đậy kín các vật chứa nước trong nhà.
-Đảm bảo an toàn khi để trẻ chơi gần ao, hồ, sông… Nên luôn có người lớn đi theo.
-Nên hướng dẫn tập bơi cho trẻ.
-Không nên cho bệnh nhân động kinh bơi.
-Cần tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng ngừa và sơ cứu đúng cho người dân.
Theo: ThS. BS Nguyễn Thanh Vân – Tạp chí Sức Khỏe