Khuyết tật là một trong những giải pháp tăng cường chất lượng giáo dục hòa nhập của trẻ khuyết tật và giảm thiểu các rào cản khó khăn của người khuyết tật trong việc tiếp cận nền giáo dục có chất lượng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin rất đa dạng, phong phú và phù hợp với khả năng nhu cầu của từng nhóm dạng tật và từng học sinh khuyết tật. Việt Nam đang từng bước thúc đẩy, tăng cường việc đưa ứng dụng công nghê thông tin vào trường học, giúp học sinh tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn với giáo dục.
Lợi ích của việc ứng dụng CNTT trong giáo dục trẻ khuyết tật
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với NKT, học sinh, giáo viên, cha mẹ, người chăm sóc…có những lợi ích nhất định như kích thích tính tự chủ của người học, gợi mở những tiềm năng ẩn chứa trong những người khó khăn về giao tiếp, cho phép học sinh chứng minh những thành tích đạt được theo cách mà có thể không thực hiện được bằng phương pháp truyền thống đồng thời điều chỉnh được những nhiệm vụ phù hợp với kỹ năng và khả năng của mỗi học sinh khuyết tật.
Đối với học sinh khuyết tật, máy tính có thể giúp nâng cao khả năng độc lập của học sinh trong tiếp cận giáo dục. Học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt có thể hoàn thành nhiệm vụ theo tốc độ riêng của mình. Ví dụ như học sinh khiếm thị có thể sử dụng Internet để truy cập, trao đổi thông tin cùng với bạn sáng mắt, học sinh khó khăn về học có thể giao tiếp dễ dàng hơn. Ngoài ra, máy tính cũng góp phần làm tăng sự tự tin giữa các học sinh khi học sinh khuyết tật và học sinh không khuyết tật học với nhau, khích lệ chúng sử dụng Internet ở nhà cho việc học ở trường và giải trí.
Đối với giáo viên và nhân viên hỗ trợ, việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp giảm việc cô lập đối với giáo viên làm trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, cho phép họ giao tiếp điện tử với đồng nghiệp. Cùng với đó, sẽ góp phần cải thiện kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho cho giáo viên và có thể là sự “học hỏi lẫn nhau” giữa giáo viên và học sinh.
Có rất nhiều hình thức hỗ trợ công nghệ có thể sử dụng để trợ giúp NKT nói chung và học sinh khuyết tật nói riêng. Ví dụ như: thiết bị độc lập hỗ trợ di chuyển (xe lăn) và các thiết bị kết nối (máy tính). Việc hỗ trợ ở mức độ nào phụ thuộc vào khả năng truy cập máy tính của người đó và khả năng tham gia và môi trường học tập (khả năng học tập, kỹ năng trao đổi thông tin). Đối với từng dạng tật khác nhau mà các loại công nghệ hỗ trợ được sử dụng khác nhau đảm bảo độ thích ứng.
Đối với học sinh khuyết tật thể chất và khuyết tật vận động, để có thể tạo điều kiện tiếp cận tốt nhất với máy tính trong môi trường học tập thì cần xem xét việc điều chỉnh thiết bị công nghệ hay thiết kế các thiết bị hỗ trợ trong môi trường cơ học như: thang máy, xe lăn, cầu thang trượt….
Người mù và người nhìn kém có thể sử dụng phương tiện hỗ trợ như máy tính và các thiết bị điện tử để điều chỉnh hình ảnh hiện thị trên màn hình máy tính, màn hình phóng đại, thay thế màn hình hiển thị, chữ nổi Braille, chữ phóng to…
Lợi ích của việc ứng dụng CNTT trong giáo dục trẻ khuyết tật
Đối với người khiếm thính, thiết bị chủ yếu được sử dụng là máy trợ thính và điều chỉnh từ định dạng âm thanh sang chữ viết trong các tài liệu. Các tài liệu bằng âm thanh cần phải được được điều chỉnh bằng phụ đề hoặc ngôn ngữ kí hiệu song song với nội dung hình ảnh, phù hợp với khả năng ngôn ngữ và việc hiểu cấu trúc ngữ pháp của người khiếm thính.
Đối với học sinh khuyết tật phát triển, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục sẽ hỗ trợ kỹ năng viết, đa phương tiện và kích thích giác quan. Từ đó cho phép học sinh khó khăn về học học tập với mức độ chú ý và phát huy khả năng học tập cao hơn, bên cạnh đó là phát triển một số kỹ năng tương tác máy tính.
Thực tiễn ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục trẻ khuyết tật ở Việt Nam
Để đảm bảo tiếp cận thông tin và truyền thông đối với NKT, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đã và đang ban hành những quy định, chính sách về việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin cho NKT.
Điều 4, Luật Người khuyết tật (2010) quy định: “NKT được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật”. Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2011/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên website/portal của cơ quan nhà nước yêu cầu các website/portal của cơ quan nhà nước phải đáp ứng các tiêu chuẩn hỗ trợ NKT tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin truyền thông.
Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 – 2020 đặt mục tiêu đến 2020 là 50% NKT được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư Liên tịch số 19/2015/TTLT-BKHCN-BLDTBXH về khuyến khích nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm hỗ trợ NKT. Đây là một thông tư quan trọng không chỉ đối với những sản phẩm công nghệ dành cho người khuyết tật ra đời mà nó còn là động lực, sự khuyến khích đối với cộng đồng xã hội chung tay hơn nữa trong việc giúp xích lại gần nhau hơn giữa NKT và người không khuyết tật.
Nhà nước xem xét hỗ trợ mức tối đa 50% tổng mức kinh phí thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ bao gồm: bí quyết kĩ thuật, kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kĩ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kĩ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu, giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ, mua sắm, nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ trong nước chưa tạo ra được.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN hướng đến NKT, sản phẩm hỗ trợ NKT được Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia xem xét kinh phí để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài đối với sáng chế theo quy định của Quỹ. Cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN hướng đến NKT được ưu tiên tiếp cận, khai thác, tra cứu và sử dụng nguồn tin KH&CN tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp có hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm hỗ trợ NKT sẽ được hưởng ưu đãi về thuế đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; được ưu tiên cho thuê mặt bằng đất, nước, cơ sở hạ tầng;…
Ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những giải pháp đã và đang được thực hiện và được minh chứng cho sự thành công về tiếp cận bình đẳng trong giáo dục dành cho học sinh khuyết tật trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững hơn ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục học sinh khuyết tật cần thực hiện đồng bộ những giải pháp về chính sách thực hiện cùng những ứng dụng, công cụ công nghệ thông tin phù hợp với đối tượng học sinh khuyết tật.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ