Ứng dụng của công nghệ, trí tuệ nhân tạo được đưa vào lĩnh vực khám chữa bệnh sẽ tạo đột phá trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.
TS.BS Đào Việt Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm nội soi -Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ tại Lễ ra mắt phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi đại tràng được tổ chức vào ngày 21/4/2021 tại Hà Nội cho biết; Việt Nam với dân số đông, gánh nặng bệnh tật tiêu hóa nhiều, số lượng bác sĩ nội soi ước tính mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của 5- 10% dân số. Hơn nữa, số lượng ca nội soi tại những trung tâm lớn có thể lên tới 400- 500 ca một ngày.
Nguy cơ bỏ sót tổn thương, chất lượng nội soi không đảm bảo và nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn. Tỷ lệ bỏ sót tổn thương ung thư đường tiêu hóa theo ghi nhận không hề thấp. Đối với tổn thương đường tiêu hóa trên như ung thư thực quản, dạ dày… tỷ lệ bỏ sót là 11,3%. Ung thư đại tràng tỷ lệ bỏ sót polyp/adenoma (tổn thương tiền ung thư) là 20 – 47%… TS. Hằng cho hay.
Dẫn chứng về vấn đề này, GS.TS.BS Đào Văn Long- Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Nguyên trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, Hội đồng sáng lập Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật lấy ví dụ bệnh nhân Nam được chẩn đoán mắc u Carcinoid qua nội soi.
Theo GS. Long bệnh nhân 36 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng đặc biệt. Sau khi đi kiểm tra sức khỏe đã nội soi và được chẩn đoán có khối u kích thước 1.2cm ở đại tràng ngang và chỉ định phẫu thuật cắt u. Quá lo lắng bệnh nhân tới gặp GS Long để kiểm tra lại một lần nữa.
“Khi đến sau khi xem kết quả và kiểm tra lại một lần nữa để chỉ định phẫu thuật thì tôi sử dụng nội soi. Để chuẩn đoán tôi đã sử dụng công nghệ đa luồng sáng LCI/BLI và khi bật chế độ ánh sáng lên cho thấy hình ảnh nội soi thấy khối thay đổi kích thước và khi quan sát lâu… Đánh giá cho thấy bệnh nhân bị túi thừa đảo ngược (không phải khối u). Vì vậy, nếu chẩn đoán hình ảnh cho thấy khối u mà lấy sinh thiết vô tình sẽ làm thủng túi thừa khi đó mà cắt thì làm hỏng đại tràng. Rất may mắn nhờ chẩn đoán hiện đại và sử dụng chế độ AI đem lại chính xác cho bệnh nhân. GS. Long nói.
Nhiều phương pháp thăm dò và chẩn đoán mới trong điều trị bệnh tiêu hóa, gan mật cũng được các chuyên gia giới thiệu tại buổi ra mắt phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi đại tràng ngày 21/4 như: Đo điện thế niêm mạc thực quản: giúp đánh giá khả năng dẫn điện của niêm mạc thực quản trên các bệnh nhân trào ngược; Kĩ thuật điều trị viêm ruột thừa do sỏi phân; Kĩ thuật lấy sỏi phân, dẫn lưu ổ mủ trong viêm loét túi thừa đại tràng; Đo pH-trở kháng thực quản 24 giờ được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, giúp nhằm phát hiện và phân tích đặc điểm các cơn trào ngược;…
Việc áp dụng các phương pháp nội soi hiện đại có khả năng phát hiện tổn thương nhanh chóng, ung thư đường tiêu hóa sớm. Và việc phát hiện sớm ung thu thì điều trị tiên lượng đem lại kết quả tốt cho bệnh nhân. Ngoài ra việc phát hiện sớm thì có thể bệnh nhân chỉ cần thực hiện phẫu thuật nội soi, thậm chí không phải nằm viện.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo không chỉ phù hợp với xu thế, công nghệ y tế 4.0 hiện nay mà còn là hướng đi cần thiết. Việc này giúp nâng cao tỉ lệ phát hiện, tránh bỏ sót tổn thương cũng như tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn đang thiếu hụt. Phần mềm trí tuệ nhân tạo và app trong lĩnh vực nội soi tiêu hoá ra đời phần nào khắc phục những khó khăn tồn tại trong quá trình nội soi tiêu hoá. Khi đi vào hoạt động, ứng dụng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu tầm soát, sàng lọc polyp và ung thư đại trực tràng ở nước ta. Cụ thể, khi sử dụng AI trong nội soi, khả năng phát hiện polyp đạt tới trên 95%.
Trước thực trạng tỷ lệ bỏ sót tổn thương trong nội soi tiêu hóa vẫn còn ở mức cao mà một trong những nguyên nhân là do quá trình làm sạch đại tràng của người bệnh chưa đạt chuẩn. Theo GS.TS.BS Đào Văn Long cho biết, Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật cũng đã phối hợp với các chuyên gia CNTT cho ra mắt ứng dụng “làm sạch đại tràng”. Đây là ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam hướng dẫn người bệnh làm sạch đại tràng một cách chi tiết nhất.
Việc làm sạch đại tràng không đạt chính là nguyên nhân quan trọng nhất khiến một cuộc nội soi không đạt chuẩn. Đại tràng không sạch khiến cho quá trình nội soi không hiệu quả, những tổn thương sẽ có thể bị bỏ sót khiến việc chẩn đoán của bác sĩ gặp nhiều khó khăn, tệ hơn nữa là có thể khiến việc chẩn đoán bị sai. Bên cạnh đó, nếu can thiệp thủ thuật khi đại tràng không được làm sạch có thể dẫn đến nguy cơ cao bị nhiễm trùng gây nguy hiểm cho người bệnh. GS. Long nhấn mạnh.
GS. Long cho biết, hiện nay đã áp dụng công nghệ hình ảnh mới nhất, tính năng phóng đại hình ảnh tiên tiến lên tới 290 lần, công nghệ đa luồng sáng LCI/BLI kết hợp ánh sáng bước sóng ngắn và ánh sáng trắng cho hình ảnh độ tương phản cao của các vi mạch và cấu trúc vi thể bề mặt niêm mạc. Nhờ đó, giúp phát hiện ung thư giai đoạn sớm, thậm chí từ rất sớm mà nếu nội soi bằng ánh sáng trắng sẽ dễ bỏ sót tổn thương.
Ứng dụng “làm sạch đại tràng” mang đến rất nhiều lợi ích cho người bệnh như: có thể theo dõi được quá trình làm sạch đại tràng tại nhà mà không cần chờ đợi tại phòng khám, nhận biết khi nào đạt tiêu chuẩn để có thể nội soi, nhắc nhớ lịch trình uống thuốc làm sạch đại tràng, hướng dẫn sau nội soi đại tràng… Ngoài ra, bệnh nhân cũng biết được nhiều thông tin hữu ích về các bệnh lý đại tràng, quy trình làm sạch đại tràng, chế độ dinh dưỡng cũng như cách chăm sóc sau khi nội soi đại tràng… Theo đó, người bệnh khi đi khám và nội soi đại tràng sẽ tải ứng dụng này và trực tiếp thao tác trên điện thoại để theo dõi toàn bộ quá trình làm sạch đại tràng của mình một cách chi tiết nhất.
Nguồn: Khánh Mai – Sức Khỏe và Đời Sống