Tình hình nhiễm virus SARS- CoV- 2 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Vấn đề nóng nhất hiện nay, được toàn cầu quan tâm, đó chính là: Liệu bao giờ sẽ có vaccin để phòng bệnh, vaccin cần tuân thủ quy trình như thế nào để đảm bảo tính Cấp thiết, Hiệu quả nhưng trên hết là vẫn phải An toàn? Cuộc trao đổi cùng ThS. BS Nguyễn Hiền Minh – Giảng viên Bộ môn Miễn dịch Sinh lý bệnh, Đại học Y Dược TPHCM, Giám đốc Hỗ trợ chuyên môn Hệ thống Tiêm chủng VNVC, sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến quý độc giả.
1/ Thưa BS, quy trình sản xuất ra vaccine nói chung và vaccine Covid-19 nói riêng sẽ phải tuân thủ các bước như thế nào?
ThS. BS Nguyễn Hiền Minh: Quá trình sản xuất tất cả các vaccine hiện nay đang được lưu hành trên thị trường và được tiêm chủng rộng rãi trên nhiều nước sẽ bao gồm:
Phát triển ý tưởng: Khi thấy được sự ảnh hưởng của gánh nặng bệnh tật của Covid-19 và tình hình dịch tễ, các công ty dược sẽ bắt đầu nghiên cứu. Nghiên cứu đầu tiên sẽ dựa trên động vật và tiếp đến sẽ là thử nghiệm lâm sàng và sau đó các cơ quan thẩm quyền sẽ xem xét toàn bộ và cấp phép, kiểm soát chất lượng của quá trình phát triển cũng như sản xuất vaccine.
Giai đoạn lâm sàng thử nghiệm trên người bao gồm 3 pha:
– Pha thứ nhất: Trên một nhóm người lớn, khỏe mạnh và sẽ dùng liều lượng vaccine liều từ thấp đến cao, liều lượng không phải do suy diễn hay tưởng tượng ra mà dựa trên những nghiên cứu trước đây trên động vật để quyết định lựa chọn liều lượng trên người.
– Pha thứ hai: Trên một nhóm người lớn khỏe mạnh, thông thường dao động trong khoảng 200 đến 500 người. Qua đó, xem liều lượng đã chọn có an toàn hay không và tính sinh miễn dịch của vaccine như thế nào, tạo kháng thể bảo vệ được hay không.
– Pha thứ ba: Đây là pha để xem xét tính an toàn và hiệu lực bảo vệ của vaccine, pha này sẽ được thử nghiệm trên hàng ngàn người và chưa kể ở những vùng, quốc gia lưu hành khác nhau và đúng những độ tuổi quy định. Sẽ được đưa vào thử nghiệm với 2 nhóm: nhóm thứ nhất sẽ dùng vaccine và nhóm thứ hai dù cũng được tiêm nhưng không hẳn là vaccine mà chúng ta sẽ gọi đây là nhóm giả dược. Nghiên cứu này được gọi là nghiên cứu mù đôi có đối chứng. Qua đó sẽ xem xét tính an toàn và hiệu lực bảo vệ của vaccine trước khi đưa vào sử dụng trong cộng đồng.
Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng, phần tỉ lệ thành công của giai đoạn pha 2 và pha 3 thật sự rất khác nhau. Vì ở pha thứ 2, sẽ thử nghiệm trên những người lớn khỏe mạnh và xem liều chọn có an toàn và sinh liều miễn dịch như thế nào. Ngược lại ở pha 3, chúng ta sẽ lựa chọn trên một cộng đồng nhiều người hơn, hàng ngàn người ở những quốc gia khác nhau, ở những vùng dịch tễ khác nhau thậm chí còn được chia thành nhiều đối tượng đặc biệt như trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ có thai. Ở giai đoạn này thì vaccine sẽ được thực sự chấp nhận lưu hành trên thế giới. Trong giai đoạn cần nhiều người tham gia, các nhóm đối chứng phải được thiết kế và nghiên cứu rất chặt chẽ để có tính khách quan của các nghiên cứu. Các nhóm trong thí nghiệm chia ngẫu nhiên, người thử nghiệm và người trực tiếp tiêm vaccine sẽ không biết mình được sử dụng vaccine nào. Giai đoạn này là giai đoạn khó khăn và thử thách nhất để chứng minh độ an toàn và hiệu quả của vaccine trước khi được chấp nhận bởi các Hiệp Hội Y tế hoặc của các Chính phủ cho phép sử dụng đại trà.
– Sau khi một vaccine được đưa ra thị trường, vẫn sẽ còn một nghiên cứu nữa được gọi là pha thứ tư, được thực hiện sau khi vaccine đã được cấp phát và lưu hành trên thị trường để kiểm tra độ an toàn trên cộng đồng và đánh giá hiệu quả vaccine: Trước khi lưu hành ra ngoài cộng đồng thì tỉ lệ mắc bệnh và tỉ lệ tử vong như thế nào và sau khi vaccine đã được tỉ lệ mắc, tỉ lệ tử vong, giảm bệnh tật, giảm chi phí chăm sóc y tế xã hội như thế nào.
Để có thể làm theo chuẩn mực của 6 bước trước khi đưa vaccine ra ngoài thị trường trung bình mất đến 10-15 năm.
2/ Giả sử một vaccine được thử nghiệm ở pha thứ nhất hoặc pha thứ hai đã được đưa ra thị trường nhưng vẫn chưa đến bước tiếp theo của pha thứ ba. Liệu như vậy có an toàn hay hiệu quả cho người sử dụng hay không, thưa bác sĩ?
ThS. BS Nguyễn Hiền Minh: Đây cũng chính là câu hỏi mà các nhà khoa học, các chuyên gia cũng như Tổ chức Y tế đang xem xét. Vào ngày 13/08 vừa ra khi Nga đầu tiên công bố chế tạo thành công vaccine Covid-19 này. Ngay lập tức cộng đồng Tổ chức Y tế thế giới đã phản hồi cho rằng Nga đã quá vội vã để có thể đưa ra một công bố như thế này và đây là một quyết định nguy hiểm bởi vì như công bố của họ đăng ký Clinical Trial (thử nghiệm lâm sàng) thì đây chỉ là giai đoạn 1 và giai đoạn 2, là giai đoạn nghiên cứu trên những nhóm khỏe mạnh và dùng những liều từ thấp đến cao và vẫn chưa thử nghiệm ở pha thứ 3. Do đó, vẫn chưa xem xét ở nhóm chính và nhóm không sử dụng vaccine, do đó không thể biết được rằng nghiên cứu này có tính khách quan hay không cũng như tính an toàn và hiệu lực bảo vệ của vaccine ở pha 3 cũng đang là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm hiện nay.
3/ Để thực hiện một vaccine an toàn và hiệu quả mất 10-15 năm thì có quá khó khăn trong việc phòng chống dịch Covid-19 như hiện nay hay không? Dự đoán khi nào thế giới có thể có vaccine Covid-19 này và ứng cử viên nào đang được xem là nặng ký nhất hiện nay trong đường đua sản xuất vaccine này, thưa BS? Theo tiến độ hiện nay, vaccine sản xuất tại Việt Nam khi nào có thể được lưu hành trong cộng đồng, thưa bác sĩ?
ThS. BS Nguyễn Hiền Minh: Cuộc chạy đua tìm ra vaccine Covid-19 trên toàn thế giới đang diễn ra rất gấp rút và khốc liệt. Trên toàn thế giới hiện nay có hơn 150 loại vaccine chống Covid-19 đang được phát triển, hơn 20 loại đang được thử nghiệm trên người. Đặc biệt theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có 5 ứng viên đã công bố bước vào thử nghiệm lâm sàng, giai đoạn cuối mà chúng ta đã đề cập chính là pha thứ 3.
Vaccine đầu tiên bước vào giai đoạn pha 3 đó chính là vaccine do công ty công nghệ sinh học Moderna ở trụ sở Mỹ phối hợp cùng Viện Dị ứng và Truyền bệnh quốc gia Mỹ. Đây là vaccine sẽ chính thức được thực hiện gần 100 điểm nghiên cứu lâm sàng của Mỹ với 3.000 tình nguyện viên là người trưởng thành và không bị nhiễm Covid-19.
Sau công bố này của công ty Moderna thì công ty sản xuất dược phẩm Pfizer của Mỹ kết hợp cùng công ty sinh học BioNTech của Đức bắt đầu tiến trình thử nghiệm giai đoạn 3 mang tính quyết định đối với vaccine này. Nghiên cứu được tiến hành với hơn 30.000 người và thử nghiệm tại 120 điểm khác nhau trên toàn cầu. Với những bước tiến rất vượt bậc, chính phủ Mỹ đã đồng ý chi trả số tiền lên đến 2 tỷ USD cho hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech để phát triển vaccine này. Hai công ty sau nghiên cứu đã cho thấy bước đầu dung nạp tốt khi số người tham gia nghiên cứu chỉ có những triệu chứng như sốt nhẹ và phía công ty sẽ tiếp tục triển khai. Nhưng điều bất lợi của vaccine là vaccine được phát triển bởi công nghệ mRNA yêu cầu các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về làm lạnh và yêu cầu độ bảo quản -94ºF (-70ºC). Điều này sẽ cản trở việc lưu trữ và quản lý vaccine cũng như gây khó khăn khi được phân phối khắp nơi.
Ứng viên thứ ba trong cuộc chạy đua này đó là vaccine của tập đoàn dược phẩm AstraZeneca của Anh phối hợp với đại học Oxford phát triển cũng đang bước vào giai đoạn 3. Nghiên cứu cho thấy vaccine dường như an toàn và tạo được miễn dịch tốt, thử nghiệm tiếp theo của họ sẽ được dựa trên 1.100 người cho thấy việc tiêm vaccine có thể tạo ra kháng thể bảo vệ hay không. Những thử nghiệm rất hứa hẹn và thậm chí các quốc gia của liên minh Châu Âu đã đặt mua vaccine này.
Hai ứng viên còn lại là công ty dược phẩm Sinovac Biotech ở Bắc Kinh, Trung Quốc và dược phẩm quốc gia Trung Quốc SinoPharm.
Ngoài ra, tôi cũng muốn thông tin về một vaccine do hai hãng dược phẩm rất nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất vaccine hiện đang cung cấp gần 1/2 vaccine dịch vụ tại Việt Nam, đó là công ty Sanofi và công ty GSK kết hợp để nghiên cứu vaccine. Công ty Sanofi đã đóng góp kháng nguyên S Protein chính dựa trên công nghệ ADN tái tổ hợp sẽ tạo ra kháng nguyên di truyền tương đồng với protein được tìm thấy trên bề mặt của virus và đây cũng chính là nền tảng của vaccine cúm tái tổ hợp của Sanofi. Còn GSK sẽ tham gia hợp tác vào công nghệ tái dược bổ trợ. Khi sản xuất vaccine, việc sử dụng tá dược bổ trợ rất quan trọng vì giúp giảm lượng protein kháng nguyên cần thiết cho mỗi liều vaccine cho phép các công ty sản xuất được nhiều liều vaccine hơn và giúp bảo vệ cộng đồng tốt hơn. 2 công ty Sanofi và GSK cũng lên kế hoạch thử nghiệm lâm sàng pha 1 giữa năm 2020 và nếu thử nghiệm lâm sàng của họ thành công thì hy vọng có thể đưa vào sử dụng vào nửa cuối năm 2020.
Việt Nam chúng ta đang bước vào cuộc đua sản xuất vaccine. Điểm thuận lợi là Việt Nam vốn là một trong 38 nước có cơ quan quản lý về vaccine đạt chuẩn theo Tổ chức Y tế thế giới và chúng ta có thể sản xuất ra vaccine, đặc biệt là một số vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Để đạt được mục tiêu sớm có vaccine, hiện nay Bộ Y tế đã yêu cầu việc sản xuất vaccine tại Việt Nam rút ngắn chỉ định cấp phép và thử nghiệm lâm sàng, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho người tham gia và nghiên cứu. Hiện nay có 4 công ty sản xuất vaccine tại Việt Nam đang tham gia vào cuộc đua này đó là VABIOTECH, POLYVAC, IVAC và NANOGEN. Các nghiên cứu hiện đang ở giai đoạn tiềm lâm sàng. IVAC công bố sử dụng công nghệ nuôi cấy trứng gà có phôi để bào chế vaccine, công nghệ từng được IVAC sản xuất thành công trên vaccine cúm, nếu đạt được yêu cầu trong kiểm nghiệm thì cuối năm nay họ có thể đưa vaccine vào thử nghiệm lâm sàng trên người. Công ty VABIOTECH thì có phối hợp với Briston của Anh sử dụng công nghệ vector đã nghiên cứu thành công trên động vật và cho thấy hiện nay cho thấy đáp ứng miễn dịch tốt. Đây chính là công nghệ của Nga đã phát triển và công bố thành công và hiện nay các nhà sản xuất vaccine trong nước cũng đang hoàn thiện những quy trình sản xuất, chuẩn bị tiêm trên người trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên Bộ Y tế cũng khuyến cáo các nhóm nghiên cứu cần phải tối ưu hóa quy trình sản xuất để có thể sản xuất với số lượng nhiều nhất, ngắn nhất vì đây là vaccine cần thiết cho đợt đại dịch hiện nay.
Xin cám ơn BS đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến ngày 24/9/2020, có 187 loại vắc xin COVID-19 đang triển khai nghiên cứu trên toàn thế giới, trong đó có 38 vắc xin đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng (9 vắc xin thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III; 3 vắc xin trong giai đoạn II; 26 loại đang triển khai hoặc chuẩn bị triển khai giai đoạn I), 149 loại đang trong quá trình nghiên cứu tiền lâm sàng.
Nguồn: ThS. BS Nguyễn Hiền Minh – Tạp Chí Sức Khỏe