Người khuyết tật nằm trong số những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh COVID-19. Các lớp học hướng nghiệp dạy nghề về công nghệ số cho người khuyết tật đang được kỳ vọng sẽ mở ra sinh kế mới cho họ.
Người khuyết tật bị ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch COVID-19
COVID-19 đã gây ra những tác động đáng kể tới nền kinh tế và các hoạt động kinh doanh. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy tỉ lệ tăng trưởng GDP trong quý 1 năm 2020 chỉ còn 3,82%, con số thấp nhất kể từ năm 2010. Theo ước tính, đến giữa tháng 4, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới gần 5 triệu người lao động và gần 85% các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam. Trong số, những người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19, 13% bị mất việc, 28% phải luân phiên đi làm và 59% tạm thời nghỉ làm việc.
Đại dịch COVID-19 có tác động khác nhau đến nhiều nhóm đối tượng, nhưng theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Gutterres: “Người khuyết tật là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19”. Tại Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, nhiều người khuyết tật cảm thấy dễ bị tổn thương và thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là những người có các bệnh lý nền. Đó là lý do tại sao nhiều người trong số họ đã hạn chế di chuyển ngay từ đầu tháng giêng năm nay vì sợ bị lây nhiễm.
Theo Khảo sát quốc gia về Người khuyết tật thực hiện năm 2016, người khuyết tật chiếm 7% dân số ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật và con số này đang gia tăng do tình trạng già hóa dân số và hậu quả của tai nạn giao thông.
Khảo sát này cũng cho thấy hộ gia đình có người khuyết tật có nguy cơ nghèo cao gấp hai lần so với hộ gia đình không có người khuyết tật. Trên thực tế, khoảng 18% người khuyết tật hiện đang sống ở các hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở Việt Nam. Rất nhiều người khuyết tật thuộc vào nhóm nghèo nhất trong xã hội.
Người khuyết tật có thể không tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng các thông tin cập nhật về virus và cách tự bảo vệ bản thân. Nhiều người cần dịch vụ y tế và phục hồi chức năng thì giờ đây không thể tiếp cận được. Những người khuyết tật nặng cần sự hỗ trợ và chăm sóc từ nhân viên chăm sóc, thành viên gia đình hoặc những người khác nay cũng khó có thể tiếp tục nhận hỗ trợ, hoặc những người này có thể cũng phải tự giãn cách để tránh lây nhiễm cho người họ chăm sóc.
Kết quả đánh giá của UNDP trong cuộc thăm dò đối với người khuyết tật mới đây cho thấy 82% người trả lời đề cập đến quan tâm bảo vệ sức khỏe của mình trong đại dịch COVID-19.
Trong đánh giá này, đại bộ phận người trả lời (96%) đề cập lo lắng về an toàn tài chính. 28% người trả lời cho biết thu nhập của họ giảm trong tháng 3/2020. Hậu quả là 72% người trả lời có thu nhập hàng tháng dưới 1 triệu đồng, đồng nghĩa với việc thêm 21% người khuyết tật ở mức thu nhập này so với giai đoạn trước đó từ tháng 2/2019 đến tháng 2/2020. Vì vậy, nhiều người khuyết tật đã rơi vào cảnh đói nghèo. 28% người trả lời cho biết họ đang sử dụng tiền tiết kiệm trong thời gian khó khăn này.
Về việc làm, có tới 30% người trả lời cho biết họ đang thất nghiệp vì đại dịch COVID-19. 49% người khác bị giảm thời gian làm việc. Trong số những người vẫn đang làm việc, 59% bị giảm thu nhập. Chỉ 3% người trả lời đã chủ động tìm kiếm những công việc khác và 19% người trả lời phỏng vấn tìm thêm cách để tạo thu nhập. 71% người trả lời đang làm việc là các công việc mùa vụ, không chính thức hoặc họ đang kinh doanh trong khu vực không chính thức, vì vậy có nguy cơ không thuộc nhóm được nhận các hỗ trợ từ gói phúc lợi xã hội của chính phủ.
Đầu tháng 4/2020, chính phủ đã thông báo nhiều biện pháp hỗ trợ, trong đó có gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD) cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Hiện nay, chỉ những người có giấy chứng nhận khuyết tật là đặc biệt nặng và nặng mới đủ điều kiện để nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ này của Chính phủ và nhiều người khuyết tật nhẹ không nằm trong số này. Khi các can thiệp hỗ trợ của Chính phủ đang được triển khai trên toàn quốc, hy vọng rằng sẽ nhiều người khuyết tật hơn nữa sẽ nhận được sự hỗ trợ này trong vài tuần tới.
Tiếp cận công nghệ số, giải pháp hỗ trợ cả trước mắt và lâu dài
Nhằm thúc đẩy các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 có tính đến nhóm người khuyết tật, một trong những bước đầu tiên là hiểu rõ các tác động về sức khỏe và kinh tế – xã hội của đại dịch COVID-19 đối với người khuyết tật. Phù hợp với Báo cáo tóm tắt chính sách của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc gần đây về ứng phó có tính đến nhóm người khuyết tật trong đại dịch COVID-19, đánh giá nhanh mong muốn sự tham gia có ý nghĩa của người khuyết tật để nêu rõ những thách thức mà họ đang phải đối mặt.
Khi được hỏi về nhu cầu của họ, nhu cầu hỗ trợ trước mắt của họ là lương thực thực phẩm, hỗ trợ tiền hoặc hỗ trợ tài chính khác. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có đáp ứng dịch đảm bảo sự hòa nhập của người khuyết tật bởi vì họ là những người nghèo nhất trong số những người nghèo, bị mất việc làm và không thể tìm được việc làm tạo thu nhập thay thế.
Theo đó, việc đảm bảo an ninh tài chính và giáo dục thường xuyên cho người khuyết tật cần được triển khai ngay thông qua việc: Xây dựng kỹ năng mới cho người khuyết tật để tìm kiếm cơ hội việc làm mới trong thời đại công nghệ 4.0, trong đó việc làm tại nhà và các hình thức kinh doanh trực tuyến mới; Cung cấp các nền tảng giáo dục và việc làm trực tuyến dễ dàng tiếp cận được với người khuyết tật; Tăng cường cơ hội việc làm trực tuyến mới cho người khuyết tật tại khu vực kinh tế tư nhân.
Những thách thức người khuyết tật phải đối mặt càng trở nên trầm trọng hơn trong thời kỳ COVID-19. Trong thời điểm hiện tại, tiếp cận thông tin là chìa khóa để tránh bị nhiễm bệnh. Như tất cả mọi người, người khuyết tật cần biết cách tự bảo vệ mình, đặc biệt từ những khuyến cáo và biện pháp phòng ngừa mới nhất do các cơ quan chức năng ban hành.
Bên cạnh hỗ trợ những nhu yếu phẩm đảm bảo cuộc sống thường nhật, khóa học dạy nghề CNTT và kỹ năng mềm cho người khuyết tật được khai giảng mới đây là sự khởi đầu của dự án: “Hỗ trợ người khuyết tật hồi phục sau COVID-19 thông qua đào tạo nghề CNTT”, do Trung tâm Nghị lực sống và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thực hiện, với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Sáng kiến này nhằm giúp người khuyết tật tìm được việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
39 học sinh khuyết tật sẽ phát triển các kỹ năng cần thiết để có thể nắm bắt các cơ hội việc làm công nghệ số, từ đó có thể sống độc lập, hỗ trợ gia đình và đóng góp vào nền kinh tế số. Đây là mục tiêu của “Chương trình cơ hội việc làm công nghệ số cho người khuyết tật chung sống an toàn với COVID-19” kéo dài 5 tháng.
“Chúng tôi mong muốn góp phần tăng cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật – chính là chỉ số của Điều 27 trong Công ước về Quyền của Người khuyết tật (CRPD) và Mục tiêu Phát triển Bền vững số 8: đảm bảo việc làm tử tế cho tất cả mọi người” , Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cho biết.
Những phát hiện chính của nghiên cứu gần đây của UNDP về các chính sách việc làm đối với người khuyết tật cho thấy chỗ ở hợp lý chưa được quy định trong Luật và người khuyết tật chưa tiếp cận được với đào tạo dạy nghề đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động mới. Trung tâm Nghị lực sống trở thành một hình mẫu trong việc cung cấp chỗ ở hợp lý và kỹ năng công nghệ số mới nhất để Người khuyết tật có thể hội nhập trong nền kinh tế năng động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chị Nguyễn Thị Vân, Đồng sáng lập và Tổng giám đốc điều hành Trung tâm Nghị lực sống chia sẻ: “Mỗi người đều có khả năng và giá trị riêng của họ. Vì vậy cần tạo cơ hội bình đẳng để mọi người đều phát huy được khả năng của mình”. Chị Vân mong muốn tất cả các học viên mạnh mẽ vượt qua mọi rào cản, tiến lên phía trước.
Học viên Võ Thị Miên, 19 tuổi đến từ tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Em đã thi đỗ vào đại học nhưng ở trường không có thang máy, mẹ em không thể ngày nào cũng cõng em lên các tầng gác được, nên em phải ở nhà. Quanh quẩn trong nhà rất buồn, em muốn hòa nhập với xã hội. Khóa học kỹ năng số này thật sự đã mở cánh cửa thứ hai cho em. Em hy vọng sau khi học xong, sẽ kiếm được việc làm tử tế để hỗ trợ bố mẹ và các em”.
Học viên Sùng A Thắng, 20 tuổi, người dân tộc Mông, chia sẻ: “Em đã học hết cấp 2. Năm 16 tuổi, em được Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi cho đi học nghề may và em đã có việc làm, nhưng đầu năm nay phải nghỉ việc do dịch COVID-19. Em có thể đánh văn bản và chơi game trên máy tính. Em mong muốn học kỹ năng photoshop và làm phim. Ước mơ của em là mở một chuỗi cửa hàng bán quần áo vì thế em mong muốn làm ảnh và phim để quảng cáo cho các cửa hàng của em. Em cũng muốn học tiếng Anh nữa. Sau này có tiền rồi, em sẽ làm từ thiện, giúp đồng bào vùng cao, những trung tâm bảo trợ, như trung tâm đã nuôi em khôn lớn”.
Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng xã hội số. Việc hỗ trợ tiếp cận với công nghệ số, tổ chức các lớp học hướng nghiệp dạy nghề về công nghệ thông tin cho người khuyết tật đang được kỳ vọng sẽ mở ra sinh kế mới cho họ cả trước mắt và lâu dài.
Nguồn: Minh Thiện – ictvietnam