Với sự giúp ích của công nghệ, người khuyết tật sẽ hòa nhập vào cuộc sống bình thường dễ dàng hơn.
Việc có khiếm khuyết về một số chức năng trên cơ thể khiến người khuyết tật gặp nhiều hạn chế trong việc hòa nhập cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay họ có thể sử dụng công nghệ trên các thiết bị di động để hỗ trợ giao tiếp hoặc luyện tập kỹ năng.
Ứng dụng đánh chữ braille cho người mù
Bàn phím Talkback này hỗ trợ cho các thiết bị Android, hoạt động theo nguyên tắc chữ braille.
người khuyết tật, ung dung ho tro nguoi khuyet tat, Android, iOS, thiet bi di dong anh 1
Người khiếm thị có thể dùng Talkback để soạn thảo văn bản. Ảnh: Blog Google.
Ứng dụng sử dụng bố cục 6 phím tiêu chuẩn và mỗi phím đại diện cho một trong 6 dấu chấm chữ nổi. Để sử dụng, người dùng bật TalkBack ở phần Trợ năng trong Cài đặt và làm theo các hướng dẫn để thiết lập.
Thiết bị Android phiên bản 5.0 trở lên có thể cập nhật bàn phím Talkback bắt đầu từ 9/4. Tuy nhiên, hiện tại ứng dụng này chỉ hỗ trợ tiếng Anh, nên người dùng Việt phải soạn văn bản không dấu.
Ứng dụng học toán đơn giản
Ứng dụng Mathboard này được thiết kế cho trẻ em từ 4 tuổi và có thể thích hợp với trẻ tự kỷ bắt đầu học các phép tính cơ bản dưới sự hướng dẫn của người hỗ trợ.
Trò chơi liên kết phép tính với kết quả đúng trong Mathboard. Ảnh: Chụp màn hình.
Với giao diện đơn giản, dù ứng dụng này không hỗ trợ tiếng Việt thì người dùng ở Việt Nam vẫn có thể sử dụng. Ngoài những bài học phép tính cơ bản và bài tập tương ứng, ứng dụng còn cung cấp trò chơi để luyện tập khả năng ghi nhớ.
Ứng dụng này chỉ hỗ trợ thiết bị iOS. Người dùng có thể trả 109.000 đồng để dùng đầy đủ các chức năng. Ngoài ra Mathboard cũng có phiên bản Addition miễn phí.
Ứng dụng ghép hình động vật
Giao diện dễ dùng, thao tác đơn giản, có hỗ trợ tiếng Việt, tích hợp âm thanh, chữ viết, Animal Puzzle được xây dựng với mục đích trau dồi vốn từ cũng như luyện tập trí nhớ cho trẻ 0-4 tuổi và phù hợp với trẻ tự kỷ.
Sau khi hoàn thành, trẻ có thể nghe được tiếng cừu kêu. Ảnh: Chụp màn hình.
Với chủ đề chính là động vật, ứng dụng cung cấp các dạng trò chơi xếp hình từ chi tiết tới tổng thể. Trong quá trình chơi, trẻ nhận được sự khuyến khích từ giọng nói trên ứng dụng, cùng với đó là âm thanh từ con vật và từ biểu thị.
Việc tích hợp cả 3 giác quan trên cùng một ứng dụng phù hợp để tăng khả năng tương tác và nhận thức cho trẻ tự kỷ.
Animal puzzle có hỗ trợ tiếng Việt và dùng được trên cả hệ điều hành iOS lẫn Android.
Ứng dụng chuyển lời nói thành văn bản
Hỗ trợ hơn 70 ngôn ngữ, ứng dụng “phụ đề” trực tiếp này của Google được đánh giá có thể đem lại trải nghiệm giao tiếp nhanh cho người khiếm thính khắp nơi trên thế giới.
Chỉ cần có giọng nói, ứng dụng sẽ chuyển lời thành văn bản trên điện thoại. Ảnh: Chụp màn hình.
Đúng như tên gọi của nó, Live Transcribe có thể trực tiếp chuyển giọng nói thành các đoạn văn bản. Đây là một sản phẩm Google hợp tác với Đại học Gallaudet, một trường chuyên dành cho những người khiếm thính.
Ứng dụng này hoạt động khá đơn giản, chỉ cần khởi động và bắt đầu nói. Ngoài ra, người dùng còn có thể chọn ngôn ngữ phụ và sao chép văn bản từ Live Transcribe để tạo thành các dạng văn bản khác.
Ứng dụng khuếch đại âm thanh
Sound Amplifier sử dụng điện thoại hoặc micrô tai nghe của người khiếm thính để lọc âm thanh xung quanh và tăng cường tần số liên quan đến lời nói trong khi giảm tiếng ồn không cần thiết.
nguoi khuyet tat, ung dung ho tro nguoi khuyet tat, Android, iOS, thiet bi di dong anh 5
Người dùng có thể tùy chỉnh lọc âm thanh trên giao diện đơn giản. Ảnh: Chụp màn hình.
Với các chức năng như trên, ứng dụng này có thể biến bất kỳ tai nghe có dây nào thành tai nghe chống ồn. Điều này khiến Sound Amplifier tiếp cận được với nhu cầu của những người bình thường. Một điều khá đáng tiếc là ứng dụng hiện chưa hỗ trợ tai nghe bluetooth.
Các thiết bị di động Android 6.0 trở lên có thể tải ứng dụng này từ Google Play.
Nguồn: Zingnews