Với một người lành lặn, để thành công trong cuộc sống cũng đã không dễ, với một người khuyết tật thì càng gian truân gấp bội. Ngược lại, có người khuyết tật tự vượt lên số phận bằng chính bản lĩnh và nghị lực của bản thân, làm trụ cột trong gia đình, nuôi con ăn học thành tài không phải ai cũng làm được.
Đó là anh Nguyễn Ngọc Bình, sinh ra và lớn lên ở Thôn Mỹ Sơn, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành (Quảng Nam).
Nguyễn Ngọc Bình tâm sự: “Trong khi mọi người đang hưởng cảnh thanh bình vì đất nước ta được hoàn toàn giải phóng mùa xuân 1975, sạch bóng quân thù. Ngờ đầu, năm 1979, chiến tranh ở hai đầu biên giới của tổ quốc xảy ra ! Đáp ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, tôi gác lại mọi niềm vui chung cùng bà con làng xóm và gia đình, hăng hái lên đường làm nghĩa vụ của người thanh niên để bảo vệ Tổ quốc và chiến đấu giáp mặt với kẻ thù tại mặt trận Cam-pu-chia. Thật không may, trước trận chiến tôi bị kẻ thù cướp mất đôi chân và làm mờ đôi mắt. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện C/17 Đà Nẵng và về Trại tập trung Thương binh nặng Hội An. Nhờ sự chăm sóc tốt của bệnh viên, sức khỏe tôi có phần ổn định. Xuất viện, về lại quê hương từ năm 1985, trở thành thương binh nặng, thành Người khuyết tật trong gia đình. Vết thương càng đau nhức mỗi khi trái gió trở trời, trở thành gánh nặng cho gia đình, đôi lúc tôi không khỏi cảm thấy bi quan chán nản! Nhưng, tôi tự nhủ: “Tuy bị khuyết tật với thân thể nhưng trái tim vẫn vẹn nguyên giá trị của người thanh niên như thời còn đi học, vì thế mà tôi tự phấn đấu để vượt lên chính mình, nhất là lúc nghĩ đến lời Bác khuyên: “Thương binh tàn nhưng không phế” và lời nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn vang vọng trong tim: “Quá khứ vinh quang chỉ được trân trọng khi hiện tại tiếp tục làm đẹp cho đời”! Thấm nhuần lời khuyên dạy của Người, tôi nghĩ về tương lai và quyết chí làm lại cuộc đời… Bằng sự táo bạo, trước hết tôi tự lực ra ở riêng để bớt gánh nặng cho gia đình, vì lúc nầy gia đình tôi quá khó khăn về kinh tế, là hộ đông người nhưng thiếu việc làm, đất sản xuất có ít lại bạc màu, có năm mất mùa thường bị thiếu đói! Khi tôi quyết định ra ở riêng, bà con quanh vùng đều thương mến, không khỏi ái ngại! Ai cũng lo cho cuộc sống tự lực của một thương binh nặng (thiếu chân, hỏng mắt). Được chính quyền giúp đỡ làm cho tôi ngôi nhà nhỏ để có nơi trú mưa nắng, sau đó tôi tự lực lập gia đình mới; từ ấy đến nay tôi tập trung lao động sản xuất, tự tìm ra công ăn việc làm với phương châm “Mèo nhỏ bắt chuột con”; đến nay cuộc sống đã toại nguyện do chính sức mình tạo dựng nên…”!
Với bản chất thật thà, chịu khó “dám nghĩ, dám làm” đã thôi thúc chàng trai đầy bản lĩnh ở độ tuổi 30 quyết chí dùng sức khỏe còn lại với “chân thấp chân cao” bước vào một cuộc sống khá tự tin .
Bằng niềm say mê lao động, chàng trai không còn nguyên vẹn đôi chân, mờ một mắt dám “lăn lộn” vào vùng cát bồi ven sông Trường Giang, hàng ngày làm bạn với cây rựa và cái cuốc, rồi đào, đắp và hì hục bơm, thay nước v.v… Việc làm chủ yếu là bắt chước theo người đã có kinh nghiệm trước! Thế rồi anh cũng từng bước hoàn thành được một diện tích nuôi tôm, tuy không lớn như những người chung quanh, nhưng anh cũng đã vui mừng, vì mình cũng có nguồn thu nhập do chính mình tự làm ra!…
Ngọc Bình nhớ lại: “Những ngày gian khổ vì thiếu vốn, thiếu sức lao động, khiến mọi người càng khâm phục hơn, khi biết rằng chính sự thông minh và tính kiên nhẫn của người lính Cụ Hồ, từ hai bàn tay trắng, bốn bàn tay không, đã trở thành người chủ. Khi mới lập gia đinh, tui cũng bị có người dèm pha dữ lắm, nhất là bạn bè thường nói rằng “người lành lặn chẳng ăn ai, huống hồ khuyết tật thế thì lấy gì nuôi vợ con sau nầy?!”, mình thấy cũng tủi thân, nhưng sau nhiều năm, thấy “người ta” yêu tui chân thành quá và cả hai bên gia đình đều hết lòng động viên nói vào: “Tuy là bị khuyết tật nhưng thằng Bình lao động cần mẫn, siêng năng không thua kém người bình thường!..”. Vợ anh Bình nói vui khi tiếp chúng tôi: “Cha tui coi anh là con rể, nên tui mới chấp nhận xây dựng hạnh phúc gia đình cùng anh”. Nhìn cử chỉ thì biết chị yêu anh nhiều lắm, yêu chân thành và vẹn nguyên hơn 10 năm làm vợ anh Bình. Được biết, trước đây chị được khá nhiều chàng trai to cao, đẹp trai theo đuổi, nhưng cuối cùng, chị đã “cắn câu” bởi một người không phải trong số họ, mà là anh Ngọc Bình – người khuyết tật dũng cảm, chưa bao giờ buồn tủi vì số phận mình..!
Ban đầu khởi nghiệp, dù rất lo lắng nhưng mẹ của anh đã mừng rơi nước mắt khi thấy người con trai bị khuyết tật, nhưng vẫn lo toan việc gia đình và còn chia ngọt sẻ bùi với bà con làng xóm cùng họ hàng rất thủy chung…
Từ khi lập gia đình, đến nay anh đã có 2 con chăm ngoan học giỏi, lao động cũng giỏi; cháu lớn tốt nghiệp Cao đẳng có việc làm ổn định, cháu thứ hai đã vào giảng đường Đại học năm thứ 4, gia đình anh được Hội Khuyến học huyện Núi Thành công nhận là gia đình hiếu học tiêu biểu nhiều năm liền.
Tiếng lành đồn xa, vượt lên hoàn cảnh tật nguyền bằng bản lĩnh của anh Bộ đội Cụ Hồ, Ngọc Bình càng được nhiều người biết đến. Hằng năm, anh đều tham gia họp mặt cùng Hội người khuyết tật huyện Núi Thành. Anh còn là người khuyết tật tiêu biểu của huyện và tỉnh; anh vui vẻ kể: “Khi cuộc sống đã ổn định, vết thương chiến tranh dần được phôi pha, tôi tham gia vào làm Chi hội trưởng, rồi làm Chi hội Cựu chiến binh thôn Mỹ Sơn hơn 10 năm và đã vinh dự được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2009. Nghỉ chức vụ Cựu chiến binh; tôi tiếp tục qua làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã, kiêm trưởng Ban Hội Người khuyết tật xã và làm tổ trưởng Tổ Đoàn kết thôn Mỹ Sơn”.
Qua hơn 10 năm qua, các nhiệm vụ tại địa phương, anh Ngọc Bình chỉ có suất lương thương binh, không có chế độ bồi dưỡng nào khác, tuy vậy các phong trào do cấp trên đề xướng anh cũng hoàn thành rất xuất sắc được các cấp tặng thưởng bằng khen và giấy khen nhiều năm liền.
Bằng nghị lực và trí tuệ của mình, anh Ngọc Bình đã đưa gia đình thoát nghèo bền vững, không trông chờ ỷ lại chế độ đãi ngộ của Nhà nước, anh đang từng bước tiến lên làm giàu. Gia đình sống trong hạnh phúc cùng người vợ hiền thảo, con cái chăm ngoan-học giỏi, biết giúp đỡ anh lúc khó khăn. Đến nay, vợ chồng anh Ngọc Bình đã xây nhà mới khang trang, sắm đủ phương tiện nghe nhìn, có xe máy tốt. Ngoài ra, mỗi năm anh Bình còn tiết kiệm với số tiền là 1.500.000 đồng gởi vào quỹ Hội Khuyến học, Hội Nạn nhân da cam, Hội Người Khuyết tật, để khen thưởng học sinh nghèo hiếu học, học giỏi, trợ cấp các gia đình khó khăn, trẻ em khuyết tật v.v… nhằm góp phần sẻ chia, làm vơi bớt nỗi đau cho những trường hợp kém may mắn tại địa phương, vì hiện nay “Người khuyết tật” ở xã Tam Anh Nam nói riêng, huyện Núi Thành nói chung còn khá đông; phần lớn đều phụ thuộc vào gia đình, trợ cấp xã hội chỉ như là “cái kẹo”, không sao đủ sống, nên rất cần xã hội chung tay, giúp đỡ để họ vượt lên số phận…!.
Khi nghĩ về sự vượt khó vươn lên của anh Ngọc Bình, chúng ta càng thấm thía câu danh ngôn: “Trong vũ trụ không gì vĩ đại bằng con người, trong con người không gì vĩ đại bằng trí tuệ” quả thật không ai chối cải được!…
Nguồn: Báo Quảng Nam