Tỉnh ta có trên 4 vạn người khuyết tật với bao khó khăn cản trở trong cuộc sống, họ cần có sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, người thân, cộng đồng xã hội; gần 900 trẻ mồ côi, trong đó có gần 20% trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhiều em không có cơ hội cắp sách đến trường phải bỏ đi lang thang kiếm sống qua ngày. Các em cần có sự bảo vệ chăm sóc đặc biệt của xã hội để trở thành người có ích cho xã hội.
* Ông Trần Văn Tuân, Phó Giám đốc sở LĐ-TB và XH trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Bình nhân dịp Đại hội Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2012-2017.
* P.V: Xin ông cho biết những kết quả đạt được của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh (BTNTT và TMC) nhiệm kỳ 2006- 2011?
– Ông Trần Văn Tuân: Tỉnh ta có trên 4 vạn người khuyết tật với bao khó khăn cản trở trong cuộc sống, họ cần có sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, người thân, cộng đồng xã hội; gần 900 trẻ mồ côi, trong đó có gần 20% trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhiều em không có cơ hội cắp sách đến trường phải bỏ đi lang thang kiếm sống qua ngày. Các em cần có sự bảo vệ chăm sóc đặc biệt của xã hội để trở thành người có ích cho xã hội.
Nhiệm kỳ qua, Hội đã tích cực tuyên truyền các văn bản pháp luật chính sách của Đảng và Nhà nước giành cho người khuyết tật và trẻ mồ côi. Nổi bật là quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng giai đoạn 2006-2010; đề án trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2006-2010; triển khai kế hoạch trợ giúp người khuyết tật của tỉnh giai đoạn 2006-2010; đưa một số nội dung của Luật người khuyết tật, các quyết định của Chính phủ, đề án của UBND tỉnh vào chương trình hoạt động phù hợp với khả năng của hội.
Tỉnh hội thường xuyên phối hợp với Sở LĐ-TB và XH tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa nhân kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam 18-4, Ngày Quốc tế người khuyết tật 3-12 hàng năm. Tổ chức thành công 2 hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi, người bảo trợ tiêu biểu vào năm 2008 và năm 2010.
Năm 2011, Tỉnh hội phối hợp với Tổ chức Vì sự phát triển người khuyết tật tổ chức “Triển lãm tranh, ảnh về người khuyết tật”, qua đó tạo sự đồng cảm, chia sẻ, quan tâm của cộng đồng đối với người khuyết tật; giúp cộng đồng cảm nhận được nghị lực sống, tinh thần vượt lên khó khăn của những người khuyết tật. Các chương trình văn nghệ vui chơi thể thao được triển khai sâu rộng, đặc biệt là phong trào thể thao ở các trường chuyên biệt trên địa bàn tỉnh và ở các cấp hội cơ sở. Năm 2007, đoàn thể thao người khuyết tật tỉnh tham gia hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc lần thứ nhất tại thành phố Đồng Nai, toàn đoàn đứng thứ 5 với 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 6 huy chương đồng.
Năm 2009, đoàn tham gia hội thi lần thứ hai tại Quảng Trị đã xếp thứ nhất với 8 huy chương vàng, 13 huy chương bạc. Năm 2011, đoàn tham gia lần thứ 3 tại Thái Bình với kết quả toàn đoàn xếp thứ nhất (14 huy chương vàng; 10 huy chương bạc; 4 huy chương đồng)… Có thể nói trong lĩnh vực thể thao giành cho người khuyết tật, đoàn thể thao người khuyết tật có nhiều thế mạnh, đó chính là nguồn động viên to lớn giúp người khuyết tật có thêm nghị lực để vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
* P.V: Tỉnh hội đã vận động xây dựng nguồn quỹ như thể nào để góp phần giúp người khuyết tật?
– Ông Trần Văn Tuân: Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh đã huy động, kêu gọi các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh hỗ trợ cho người khuyết tật, trẻ mồ côi với tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền ước đạt 10 tỷ đồng. Khó thống kê hết được những tấm lòng hảo tâm trong công tác từ thiện nhân đạo cao cả này, chỉ xin được nêu đơn cử những đơn vị tiêu biểu như: Binh đoàn 15 Tây Nguyên, Ban Từ thiện Báo Giác ngộ thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Công ty Bia Huế, tổ chức Đông Tây hội ngộ, Tập đoàn Trường Thịnh, Công ty Xăng dầu Quảng Bình, Công ty Lâm Công nghiệp Long Đại, Công ty Cao su Việt Trung…
Các tổ chức nước ngoài như: Tổ chức Free Wheel Chairs Mission, Tổ chức VCF của Mỹ, Tổ chức Imaya của Nhật Bản… Hội đã tập trung bảo trợ, chăm sóc, hỗ trợ kịp thời đối tượng là người khuyết tật lúc khó khăn, gặp thiên tai, hoạn nạn. Hai trận lũ lịch sử năm 2008, năm 2010, Tỉnh hội phối hợp với Tổ chức từ thiện Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ cho đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt tại xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch 135 suất quà; phối hợp với Hội Bảo trợ NTT và TMC thành phố Hà Nội trao quà cho xã Quảng Sơn, xã Quảng Tân, huyện Quảng Trạch số tiền 350 triệu đồng.
Từ việc phối hợp giữa UBMTTQ Việt Nam quận 8 thành phố Hồ Chí Minh và Ban từ thiện Báo Giác ngộ thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cứu trợ kịp thời cho đối tượng là người khuyết tật, gia đình trẻ mồ côi bị thiệt hại do lũ lụt ở huyện Bố Trạch và huyện Lệ Thủy với số tiền 500 triệu đồng, 1.000 suất quà với tổng số 1.000 đối tượng được trao quà…
* P.V: Việc chăm lo giáo dục, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, trẻ mồ côi được thực hiện như thế nào?
– Ông Trần Văn Tuân: Hiện toàn tỉnh có 3 trung tâm nuôi dạy và giáo dục trẻ khuyết tật: Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Quảng Trạch, Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật huyện Lệ Thủy và Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Hới.
Theo số liệu thống kê của Sở GDĐT, trong 5 năm 2008-2012 có 6.040 trẻ khuyết tật được học hòa nhập ở các cấp học, trong đó có 752 học sinh khuyết tật học hòa nhập ở cấp học mầm non, 4.467 học sinh học hòa nhập ở tiểu học, 772 em ở cấp THCS, 49 em ở cấp học THPT. Làng trẻ em SOS Đồng Hới hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 120 cháu là đối tượng trẻ mồ côi, dưới sự đùm bọc của các mẹ, các dì và sự quan tâm dìu dắt của các thầy cô, các em nỗ lực đạt được những kết quả cao trong học tập.
Ngành GDĐT chỉ đạo các trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường chuyên biệt nên những năm qua kết quả ngày càng tiến bộ: Giỏi chiếm 9,2%, khá chiếm: 26,6%, trung bình 59%, yếu 5,2%.
Năm năm qua, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật được thông qua các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm từ Sở LĐ-TB và XH và Tổ chức Đại sứ Cộng hòa AiLen hỗ trợ để mở các lớp dạy nghề truyền thống, làm hương, dạy may, thêu ren, làm nón, đồ mỹ nghệ, xây dựng cơ bản và các ngành nghề khác phù hợp với từng dạng khuyết tật cho gần 300 người. Tỉnh hội phối hợp với Hội vì sự phát triển người khuyết tật tỉnh tổ chức 4 khóa tập huấn về kỹ năng kinh doanh cho 120 người trong tỉnh. Các trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật đã đào tạo và cho ra nghề 75 em với các dự án may, thêu, ren, xây dựng, cơ khí.
Đồng thời, Hội đã huy động mọi nguồn lực hỗ trợ giúp người khuyết tật nghèo được phẫu thuật chỉnh hình, trợ giúp phục hồi chức năng, hàng nghìn người khuyết tật hệ vận động được cấp xe lăn, xe lắc, chân tay giả miễn phí, hàng trăm ca phẫu thuật mắt mang lại ánh sáng cho người mù, hàng trăm trẻ mồ côi được cấp học bổng… Trong 5 năm đã hỗ trợ 350 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; trao tặng 145 xe đạp cho trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, tặng 1.500 suất học bổng cho các cháu khuyết tật và trẻ mồ côi nghèo vươn lên học giỏi.
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh ta dã triển khai thực hiện nghiêm các chính sách liên quan đến người khuyết tật và trẻ mồ côi. Hiện nay tỉnh ta có 51.000 người hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định số 67/NĐ-CP và Nghị định 13/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó tàn tật nặng: 18.634 người, trẻ mồ côi không nơi nương tựa: 885 cháu.
* P.V: Xin ông cho biết phương hướng nhiệm vụ chung của Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh nhiệm kỳ 2012-2017?
– Ông Trần Văn Tuân: Trước hết là tiếp tục củng cố xây dựng tổ chức hội vững mạnh, xứng dáng là chỗ dựa đáng tinh cậy của người khuyết tật, trẻ mồ côi tỉnh ta.
Hiện nay đã có 7/7 tổ chức hội ở các huyện, thành phố, có 110/159 chi hội ở cấp xã, phường, thị trấn. Thường trực hội đã phát huy trách nhiệm, chủ động triển khai phối hợp các ban, ngành, đoàn thể thúc đẩy công tác bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi phát triển.
Tiếp tục thực hiện 6 chương trình Nghị quyết Nhiệm kỳ IV Trung ương hội đề ra, các hoạt động bảo trợ đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi gắn với nhiệm vụ của nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, bền vững. Tập trung hơn đến việc giải quyết các vấn đề người khuyết tật, trẻ mồ côi, phụ nữ khuyết tật, trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ ở địa bàn cấp xã. Mở rộng các hoạt động thông tin, tuyên truyền các hình thức vận động ủng hộ quỹ hội. Chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, từ hỗ trợ nhân đạo chuyển sang hỗ trợ để phát triển.
Xin thay mặt Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh, chúng tôi kêu gọi tất cả cộng đồng cùng yêu thương, đùm bọc, cùng chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước để bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật, trẻ mồ côi tỉnh nhà ngày một ấm no, hạnh phúc.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nguồn: Phan Quảng – Báo Quảng Bình