Hơn ai hết, hẳn nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký đồng cảm với trải nghiệm và chia sẻ của Nick Vujicic: “Trong cuộc đời, nhất định sẽ có người chú ý đến bạn, nhìn vượt trên những khiếm khuyết và thiếu sót của bạn. Và dù bạn không hoàn hảo, người đó vẫn yêu bạn”.
Những ngày qua, Nick Vujicic đã gây quá nhiều ảnh hưởng tại Việt Nam. Cuộc hôn nhân của chàng trai không chân không tay với cô gái xinh đẹp Kanae Miyahara từ sự kiện Nick đến Việt Nam cũng được chú ý hơn, như điều kỳ diệu mà cuộc đời đã ban tặng cho Nick. Từ Nick, nhiều người bất giác nghĩ đến những “Nick của Việt Nam”, trong số đó có nhà giáo viết bằng chân Nguyễn Ngọc Ký. Điều thú vị là nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký cũng có một chuyện tình đẹp và ly kỳ không kém Nick.
Mối tình đẹp đầu đời
Ở tuổi 66, ngày ngày trong căn nhà nhỏ khang trang ở quận Gò Vấp, TPHCM, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký vẫn dùng chân viết văn, làm thơ trên máy vi tính. Hàng tuần ông vẫn được mời đi giao lưu nói chuyện khắp các trường trung học. Và từ lâu nay ông còn là chuyên viên tư vấn tâm lý qua tổng đài điện thoại. Người kề cận bên nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký gần như một bước không rời là bà Vũ Thị Đậu. Hình ảnh người vợ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn luôn sát cánh bên người chồng có hai ống tay áo rộng và bất động đã trở nên quen thuộc với mọi người.
Chúng tôi đến nhà thăm nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký. Trong suốt câu chuyện của ông với chúng tôi, bà Vũ Thị Đậu lặng lẽ ngồi lắng nghe, chốc chốc lại ngước nhìn chồng một cách đồng tình và đầy âu yếm. Thỉnh thoảng, bà bóp chân cho ông. Rồi lại lấy thuốc cho ông. Một cách tự nhiên và thuần thục, bà đứng sát bên kề ly nước lên miệng ông giúp ông uống. Khi khách tỏ ý thán phục sự chăm sóc chu đáo của bà dành cho ông, ông nhìn bà bằng ánh mắt đầy trìu mến và cảm kích. Rồi ông say sưa kể về… người phụ nữ khác – bà Vũ Thị Nhiễu, người vợ trước của ông. Rằng bà Nhiễu cũng chính là chị ruột của bà Đậu.
Hồi đó, thời thanh niên ông mặc cảm tật nguyền, không dám có ý định lấy vợ. Nhưng vào năm 23 tuổi, nghe theo lời khuyên của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Hoàn cảnh như cháu càng phải lấy vợ sớm chứ”, ông bắt đầu mạnh dạn để ý tìm ý trung nhân cho mình. Lúc đó, năm 1971, bà Vũ Thị Nhiễu lần đầu tiên theo anh rể mình đến thăm thầy giáo Ký. Bà Nhiễu vốn là cô gái xinh đẹp nhất nhì vùng Hải Hậu, Nam Định bấy giờ, cũng vừa tốt nghiệp trung cấp sư phạm.
“Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi và cô ấy đã phải lòng nhau. Cái dáng dấp mảnh mai, nhất là đôi mắt của cô ấy vô cùng diễm lệ đã hớp hồn tôi”. Rồi bà về. Đêm ấy, ông viết ngay bài thơ gửi bưu điện tặng bà, ngoài bì thư ghi rõ “Gửi Vũ Thị Nhiễu yêu thương”. Có lẽ bởi bài thơ mà sau đó, người con gái mảnh mai ấy đã một mình một xe đạp băng 30 cây số đến thăm ông.
Lần gặp gỡ ấy đã để lại cho hai người kỷ niệm sâu sắc, có cả nụ hôn đầu đời, vòng tay của cô gái trong một đêm không trăng và tiếp tục được hiện thực hóa lãng mạn bằng thơ. Rồi gia đình bà Nhiễu cũng biết chuyện. Ông bố cấm tiệt, thậm chí còn đuổi đánh con gái thừa sống thiếu chết đến nỗi em gái là bà Vũ Thị Đậu bây giờ, do quá thương chị, đã đưa thân che chắn cho chị. Hạnh phúc thanh thản chỉ thực sự đến với họ sau sự can thiệp vun vào thành công của nhà thơ Đoàn Văn Cừ bằng những lý lẽ… liều nhưng chí lý đối với ông nhạc: “Ai rồi cũng phải chết, chỉ có nhà văn, nhà thơ là sống mãi thôi. Ký nó là nhà thơ đó. Hơn nữa, giọng nó nghe sang mà cái tên cũng hay: Chữ ký trên ngọc (Ngọc Ký)”.
Đám cưới là kỷ niệm không quên với ông. Cho đến bây giờ ông vẫn nhơ như in ngày tháng, nhất là quà mừng tinh tế của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi, gồm hai xấp vải cho cô dâu và chú rể cùng chiếc khăn nhiễu trùng tên cô dâu.
Và tình chị duyên em
Đôi vợ chồng chung sống bên nhau 30 năm hạnh phúc với lần lượt 3 đứa con ra đời. Cuộc tình ấy cũng đẫm gian nan và nước mắt tử biệt. Sau khi từ miền Bắc chuyển vào TPHCM sinh sống, bà Nhiễu bị tai biến liệt một nửa người. Trong 7 năm người vợ hiền nằm một chỗ, người chồng với đôi tay tàn phế đã luôn là trụ cột kinh tế của cả gia đình và là chỗ dựa tinh thần tuyệt đối cho bà. Ông bận bịu đi dạy, viết sách nuôi tất thảy 6 người trong gia đình (gồm cả người giúp việc và bác sĩ riêng trong gia đình).
Những ngày chị gái bệnh, bà Đậu, lúc này đã ở góa gần 10 năm với hai người con, cũng lặn lội từ Thái Bình vào chăm sóc cho chị. Không yên tâm nhắm mắt để lại người chồng với đôi tay bị liệt, bà Nhiễu cứ nắm tay năn nỉ em gái: “Sau khi chị mất, em hãy thay chị làm vợ và chăm sóc anh”. Bà Đậu nghe thế cứ giãy nảy lên: “Ai đời em vợ đi lấy anh rể!”. Nhưng rồi thời gian sau này, gia đình hai bên nhận thấy nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký thể hiện tình cảm chân thành nên chuyển sang ủng hộ vun vén cho ông và bà Đậu. Một đám cưới giản dị diễn ra sau đó.
Mười hai năm nay, bà Vũ Thị Đậu chính là đôi cánh tay tháo vát và tận tụy của chồng, nâng đỡ ông cả thể chất lẫn tinh thần. Bà thầm lặng kề cần ông trong mọi chăm sóc ăn uống sinh hoạt, hỗ trợ ông viết lách, tháp tùng ông trong mọi chuyến đi. 3 con riêng của ông cho đến nay vẫn giữ thói quen cũ, gọi bà là “dì” vquot;text-align: justify;”>Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947 tại Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định. Năm lên 4 tuổi, căn bệnh bại liệt quái ác đã làm cho ông vĩnh viễn mất đi đôi tay. Lên 7 tuổi, do quá ham biết chữ nên không đầu hàng số phận, cậu bé Ký đã cắn răng chịu nhiều đau đớn, vất vả để luyện tập viết bằng chân và được đến trường. Nguyễn Ngọc Ký đã miệt mài học, trở thành học sinh giỏi, niềm hãnh diện của gia đình, nhà trường và miền quê Hải Hậu, Nam Định.
Ông từng được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu. Năm 1963, ông là học sinh giỏi toán toàn quốc, được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu lần 2. Cái tên Nguyễn Ngọc Ký không xa lạ với học sinh miền Bắc những năm 1960-1975, như một biểu tượng của tấm gương vượt qua số phận, nghịch cảnh để trở thành một người có ích cho xã hội.
Nguồn: Báo VũngTàu