Họ là những người phụ nữ không may mắn nhưng đã biết vượt qua nỗi đau thể xác, vượt qua mặc cảm khiếm khuyết của bản thân để sống một cuộc đời bình thường như bao người bình thường khác và làm được những việc tốt, việc có ích cho xã hội.
Giữa những tiếng xe cộ ồn ào bên ngoài, chị Võ Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội người khuyết tật (NKT) TP. Vũng Tàu vẫn chăm chú làm việc bên chiếc máy tính với bộn bề công việc, từ lên kế hoạch hoạt động đến mở lớp học vi tính, liên hệ tìm chỗ làm cho các hội viên… Dù cuộc đời nhiều bất hạnh, thiệt thòi nhưng chị Mai luôn khiến người đối diện phải nể phục bởi ở chị luôn toát lên ánh mắt vui, nụ cười tươi và tinh thần lạc quan. Chị Mai kể, năm 3 tuổi, chị bị bại liệt, dù đã được gia đình đưa đi chữa trị tại nhiều bệnh viện nhưng đôi chân của chị vẫn mãi không thể đi lại được. Không đầu hàng số phận, tốt nghiệp THPT, chị Mai vào TP. Vũng Tàu sinh sống cùng gia đình người chị gái.
Ban đầu chị làm thợ thêu ở một công ty may xuất khẩu, sau đó chị tập hợp những người cùng cảnh ngộ và thành lập nhóm khuyết tật Đại Dương để cùng chia sẻ tâm tư, tình cảm và giúp nhau trong cuộc sống. Cuối năm 2006, Hội NKT TP. Vũng Tàu được thành lập do chị làm chủ tịch. Hơn 2 năm làm nhóm trưởng nhóm khuyết tật Đại Dương và 6 năm làm Chủ tịch Hội NKT tật TP. Vũng Tàu, chị Mai không chỉ tìm cách giúp các hội viên xóa bỏ mặc cảm, sống tự tin hơn mà còn giúp đào tạo nghề, kiếm công ăn việc làm cho các hội viên.
Chị Nguyễn Thị Minh Đài (45/11 Thùy Vân, phường 2, TP. Vũng Tàu) đã hơn 30 tuổi nhưng cao chưa đến 1m và chỉ nặng 26kg. Dù khiếm khuyết về chiều cao so với bạn bè nhưng chị rất ham học. Suốt 9 năm liền, kết quả học tập của chị luôn đạt loại khá, giỏi khiến nhiều bạn bè và thầy cô khâm phục. Đến năm học cấp ba, chị Đài phải nghỉ học vì trường ở xa và được mẹ dạy cách đan len để kiếm sống. Có nghề, chị nhận hàng từ các cơ sở may gia công về làm, kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.
Nhờ chăm chỉ, ham học hỏi và có năng khiếu về thiết kế, Minh Đài đã được nhận tài trợ học bổng theo học ngành thiết kế thời trang của trường Trung học Kỹ thuật nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh (TP. Hồ Chí Minh). Chứng kiến những người bạn cùng trường, người thì mất cả 2 cánh tay, người thì mất chân nhưng những hôm trời mưa các bạn vẫn chống nạng đi học, Minh Đài thấy mình còn may mắn hơn nhiều. “Tuy mình bị hạn chế về chiều cao nhưng vẫn còn đầy đủ tay chân nên càng phải cố gắng hơn để vượt qua chính mình và giúp đỡ người khác” – Minh Đài đã tự động viên như vậy. Sau khi tốt nghiệp, Minh Đài về TP. Vũng Tàu làm nhân viên rập mẫu sản phẩm của Công ty may Thăng Long.
Mặc dù có một thân hình lành lặn nhưng chị Nguyễn Thị Thu ở huyện Long Điền lại thiếu đi đôi mắt sáng. Từ lúc sinh ra chị đã bị tật nhặm mắt, đến năm 1 tuổi thì hoàn toàn không nhìn thấy ánh sáng. Nhà nghèo, không có điều kiện chữa trị, chị Thu đành chấp nhận sống trong cảnh mù lòa gần 40 năm qua. Chị phiêu bạt kiếm sống khắp nơi với công việc bán vé số. Khi đến mùa lễ hội ở Châu Đốc (An Giang), chị Thu thường xuống đó bán vé số.
Một trong những chuyến đi như thế, chị đã tình cờ gặp người đàn ông cùng cảnh ngộ. Không nhìn thấy nhau nhưng trái tim của hai người đã hòa chung nhịp đập và vài năm sau họ xây dựng hạnh phúc gia đình. Tổ chức đám cưới xong, vợ chồng chị Thu dắt nhau về huyện Long Điền sinh sống với nghề bán vé số. 17 năm chung sống, vợ chồng chị Thu đã có 4 mặt con và may thay 4 người con của chị đều lành lặn, được nuôi dạy tử tế.
Đó chỉ là vài trong số hàng ngàn người khuyết tật, dù có khiếm khuyết về cơ thể, nhưng luôn lạc quan, yêu đời, biết vượt lên số phận, như chị Võ Thị Ngọc Mai đã từng nói tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phụ nữ khuyết tật thế giới tháng 11-2011: “Khuyết tật chỉ cản trở con người chứ không phải là mất hết tất cả. Vì vậy, NKT phải sống thật nghị lực và vững tin vào cuộc cống
Nguồn: SONG THƯ – Báo Vũng Tàu