Khuyết tật cực kỳ đa dạng. Trong khi một số tình trạng sức khỏe có liên quan đến khuyết tật dẫn đến sức khỏe kém và đòi hỏi chăm sóc y tế tích cực, số khác lại không. Tuy nhiên, tất cả mọi người khuyết tật nói chung đều có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe như những người khác và vì thế cần được tiếp cận các dịch vụ y tế. Mục 25 của Công ước của LHQ về Quyền của Người Khuyết Tật (CRPD) khẳng định quyền được chăm sóc y tế ở mức cao nhất mà không bị phân biệt đối xử của người khuyết tật.
Khuyết tật và sức khỏe
Bảng Phân loại quốc tế về Chức năng, Khuyết tật và Sức khỏe (ICF) định nghĩa khuyết tật là một thuật ngữ mang nghĩa rộng để chỉ sự khiếm khuyết, giới hạn và hạn chế trong việc tham gia các hoạt động. Khuyết tật chỉ sự tương tác giữa các cá nhân với một tình trạng sức khỏe (VD: chứng liệt não, hội chứng Down, trầm cảm vv…) và các yếu tố cá nhân & môi trường (VD: thái độ tiêu cực, không thể tiếp cận các phương tiện và công trình công cộng, và bị hạn chế hỗ trợ từ xã hội).
Theo ước tính có hơn 1 tỉ người đang sinh sống với một dạng khuyết tật nào đó. Con số này tương ứng với 15% dân số thế giới. Có khoảng từ 110 triệu (2,2%) đến 190 triệu (3,8%) người trên 15 tuổi gặp phải khó khăn trong thực hiện các chức năng. Hơn nữa, tỉ lệ khuyết tật đang gia tăng một phần vì sự già hóa dân số và sự gia tăng các tình trạng bệnh lý kinh niên.
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe không được đáp ứng
Theo báo cáo, những người khuyết tật có xu hướng tìm kiếm chăm sóc y tế nhiều hơn và cũng có nhu cầu không được đáp ứng cao hơn những người không khuyết tật. Ví dụ, trong một khảo sát gần đây với những người có rối loạn thần kinh chỉ ra rằng khoảng 35% đến 50% những người ở những nước phát triển, và khoảng 76% đến 85 % những người ở những nước đang phát triển không được điều trị trong năm trước khảo sát.
Các hoạt động thúc đẩy sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật thường hiếm khi hướng tới người khuyết tật. Ví dụ, phụ nữ khuyết tất ít được sang lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung hơn phụ nữ không có khuyết tật. Những người có khiếm khuyết về trí tuệ và béo phí ít khi được kiểm tra cân nặng hơn. Thiếu niên và người lớn khuyết tật cũng thường bị loại trừ ra khỏi các chương trình giáo dục giới tính.
Cuộc sống của người khuyết tật bị ảnh hưởng như thế nào?
Các dịch vụ chăm sóc y tế cho người khuyết tật đang đặc biệt thiếu hụt. Tùy theo nhóm người và hoàn cảnh, người khuyết tật có nguy cơ phải đối mặt cao hơn với các tình trạng biến chứng bệnh, tình trạng bệnh đồng thời, tình trạng liên quan đến tuổi tác, thực hiện các hành vi gây nguy hại cho sức khỏe và có tỉ lệ chết yểu cao hơn.
Tình trạng biến chứng bệnh
Tình trạng biến chứng bệnh xảy ra kèm theo (và có liên quan đến) tình trạng bệnh chính, và cả hai đều có thể được lường trước và ngăn chặn. Ví dụ như: loét tỳ đè, nhiễm trùng đường tiểu hay loãng xương gây đau đớn.
Tình trạng bệnh đồng thời
Tình trạng bệnh đồng thời xảy ra cùng lúc (và không liên quan) với tình bệnh chính đi kèm với khuyết tật. Ví dụ, tỉ lệ béo phì ở bệnh nhân tâm thần là 15% so với 2-3% ở người thường.
Tình trạng liên quan đến tuổi tác
Quá trình lão hóa ở một số nhóm người khuyết tật bắt đầu sớm hơn bình thường. Ví dụ, một số người khuyết tật phát triển biểu hiện lão hóa sớm khi mới 40-50 tuổi.
Thực hiện các hành vi gây nguy hại cho sức khỏe
Có nhiều nghiên cứu cho thấy những người khuyết tật có tỉ lệ thực hiện các hành vi gây nguy hại sức khỏe như hút thuốc, ăn uống không đảm bảo, lười hoạt động… cao hơn.
Tỉ lệ chết yểu cao hơn
Tỉ lệ tử vong của người khuyết tật tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, một cuộc điều tra ở Anh Quốc phát hiện ra rằng những người có rối loạn tâm thần và khiếm khuyết trí tuệ có tuổi thọ thấp hơn.
Rào cản với chăm sóc y tế
Người khuyết tật gặp phải hàng loạt các rào cản khi cố gắng tiếp cận dịch vụ y tế bao gồm:
Chi phí quá cao
Chi phí di chuyển và dịch vụ y tế quá cao là hai nguyên nhân chính khiến cho người khuyết tật không nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết ở các nước có thu nhập thấp – 32-33% người không khuyết tật và 51-53% người khuyết tật không thể chi trả chi phí chăm sóc y tế.
Thiếu dịch vụ
Việc thiếu dịch vụ cũng là một rào cản lớn đối với chăm sóc y tế. Ví dụ, nghiên cứu ở 2 bang Uttar Pradesh và Tamil Nadu của Ấn Độ cho thấy việc thiếu dịch vụ là rào cản lớn thứ hai đối với việc tiếp cận cơ sở y tế.
Rào cản vật lý
Công trình khó tiếp cận (các bệnh viện, cơ sở y tế), dụng cụ y tế không phù hợp, hệ thống tín hiệu kém, cửa hẹp, sàn lệch, nhà vệ sinh, khu vực đỗ xe khó tiếp cận tạo ra những rào cản trong việc tiếp cận cơ sở y tế. Ví dụ, phụ nữ có vấn đề về vận động thường không được khám ung thư vú và ung thư cổ tử cung vì bàn xét nghiệm và thiết bị chụp X-quang chỉ dành cho những phụ nữ có thể đứng được.
Nhân viên y tế không đủ trình độ
Người khuyết tật theo báo cáo cảm thấy nhà cung cấp dịch vụ y tế không đủ trình độ để đáp ứng nhu cầu của họ gấp 2 lần người thường; bị đối xử tệ bạc nhiều hơn 4 lần và bị từ chối chăm sóc y tế nhiều hơn gấp 3 lần.
Gỡ bỏ các rào cản tới các dịch vụ y tế
Các chính phủ có thể cải thiện sức khỏe người khuyết tật bằng cách cải thiện chất lượng và giá thành tiếp cận dịch vụ y tế từ đó có thể tận dụng được những nguồn lực có sẵn. Vì một số yếu tố tương tác để hạn chế việc tiếp cận chăm sóc y tế, việc cải cách trong tất cả các thành phần tương tác của hệ thống chăm sóc sức khỏe là điều cần thiết.
Chính sách và pháp luật
Đánh giá các chính sách và dịch vụ hiện hành, xác định các điểm ưu tiên để làm giảm bất công và có kế hoạch tăng cường tiếp cận. Tạo ra các thay đổi phù hợp với Công ước của LHQ về Quyền của Người Khuyết Tật. Tạo ra các tiêu chuẩn y tế cho người khuyết tật và cơ chế ràng buộc thực thi.
Nguồn cung cấp tài chính
Ở những nơi mà bảo hiểm tư là nguồn cung tài chính chủ yếu cho y tế, phải đảm bảo rằng người khuyết tật cũng được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ. Đảm bảo rằng người khuyết tật cũng được hưởng lợi từ các chương trình y tế công. Sử dụng các biện pháp ưu đãi về tài chính để khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ y tế làm cho dịch vụ dễ dàng tiếp cận hơn và cung cấp đánh giá, điều trị và hậu điều trị toàn diện. Xem xét các lựa chọn nhằm tìm cách giảm chi phí trực tiếp cho người khuyết tật không đủ khả năng chi trả.
Phân phối dịch vụ
Cung cấp một loạt các thay đổi và điều chỉnh (hợp lý) để tạo điều kiện tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế. Ví dụ, thay đổi thiết kế phòng khám dễ tiếp cận hơn cho người có khó khăn trong vận động, hay sử dụng chữ nổi Braille. Tăng cường năng lực của người khuyết tật bằng cách cung cấp thông tin, rèn luyện và hỗ trợ trực tiếp. Thúc đẩy phụ hồi chức năng dựa vào cộng đồng (CBR) để tạo điều kiện cho việc tiếp cận của người khuyết tật với các dịch vụ sẵn có. Xác định các nhóm người cần phương thức phân phối dịch vụ thay thế, ví dụ các dịch vụ được hướng đến hoặc các dịch vụ phối hợp chăm sóc để cải thiện chất lượng tiếp cận dịch vụ y tế.
Nguồn nhân lực
Kết hợp giáo dục khuyết tật vào chương trình đại học và sau đại học cho tất cả các ngành của ngành y. Huấn luyện nhân viên xã hội để họ đóng vai trò nhất định trong dịch vụ y tế phòng ngừa. Cung cấp các hướng dẫn trong đánh giá và phòng ngừa.
Dữ liệu và nghiên cứu
Theo dõi y tế bao gồm cả những người khuyết tật. Thực hiện các nghiên cứu về nhu cầu, rào cản và tình trạng sức khỏe sau điều trị của người khuyết tật.
Phản ứng của WHO
Nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho người khuyết tật, WHO sẽ:
- Hướng dẫn và hỗ trợ các nước thành viên tăng cường hiểu biết về vấn đề khuyết tật, và khuyên khích việc bao gồm các vấn đề khuyết tật vào các chương trình và chính sách y tế quốc gia;
- Tạo điều kiện cho việc thu thập và phổ biến các dữ liệu liên quan đến khuyết tật và các thông tin dữ liệu;
- Tạo ra các công cụ tiêu chuẩn, bao gồm các hướng dẫn nhằm tăng cường chăm sóc y tế;
- Tăng cường năng lực cho các nhà hoạch định chính sách và nhà cung cấp dịch vụ y tế;
- Khuyến khích nhân rộng phương pháp phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng CBR;
- Khuyến khích các chiến lược nhằm đảm bảo người khuyết tật hiểu biết về tình trạng sức khỏe của mình, và rằng các nhân viên y tế hỗ trợ và bảo vệ quyền và phẩm giá của người khuyết tật.