Dinh dưỡng với phụ nữ mang thai đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe của thai nhi và cho chính bà mẹ. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của bà mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến con từ khi còn là bào thai đến khi trẻ trưởng thành.
Khi trẻ còn trong bào thai, sự tăng trưởng của trẻ phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng của người mẹ vì các chất dinh dưỡng từ mẹ sẽ theo máu qua nhau thai đến cung cấp cho con. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp thai nhi phát triển tối ưu cả về thể chất và trí lực, bà mẹ đảm bảo sức khỏe tốt để sinh con và nuôi dưỡng con, giúp phòng ngừa và giảm thiểu nhiều nguy cơ, tai biến trong thai kỳ. Có thể nói khi có thai mẹ ăn cho mình là ăn cho con khỏe.
Mẹ được dinh dưỡng tốt từ trước và trong khi mang thai giúp con không bị suy sinh dưỡng bào thai, suy thai, chậm phát triển tâm thần vận động. Dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp mẹ có sức đề kháng tốt tránh mắc bệnh, đủ sức để sinh con, mau phục hồi sức khỏe sau sinh, có đủ sữa cho con bú.
Xem thêm: Bà bầu uống nước yến được không – cách dùng chuẩn nhất
Mặc dù Việt Nam đã có nhiều chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai nhưng tình trạng thiếu năng lượng, thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn khá phổ biến. Các điều tra tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai do Viện Dinh dưỡng, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM thực hiện cho thấy: vẫn còn gần 1/5 phụ nữ tuổi sinh đẻ thiếu năng lượng trường diễn (lâu dài), 1/3 phụ nữ mang thai thiếu máu dinh dưỡng, tình trạng thiếu i-ốt, thiếu kẽm thai còn phổ biến…
Thiếu dinh dưỡng trong đó có thiếu vi chất dinh dưỡng ở mẹ trước và trong khi mang thai là nguyên nhân chính dẫn đến suy dinh dưỡng bào thai, chậm phát triển thể chất, giảm sức đề kháng và tăng nguy cơ mắc một số dị tật của con. Có thể ví dụ thiếu i-ốt ở mẹ sẽ dẫn tới suy giảm chức năng tuyến giáp trạng của con, tổn thương não bộ và gây bệnh lý đần độn ở trẻ sơ sinh, thiếu sắt ở mẹ dễ gây sinh non, con cũng thiếu máu thiếu sắt… Trẻ có cân nặng khi sinh thấp dễ mắc các bệnh mạn tính không lây như đái tháo đường, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch… khi trưởng thành.
Xu hướng “bồi dưỡng” quá mức khi mang thai khá phổ biến tại các thành phố và vùng mới đô thị hóa dẫn đến việc ăn quá nhiều chất đạm, nhiều muối, nhiều đường làm gia tăng tình trạng đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, tăng tải đối với thận của cả mẹ và con.
Khuyến nghị về mức tăng cân của bà mẹ căn cứ theo BMI
Nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng sinh năng lượng đều tăng lên khi mang thai
Khi có thai, nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên 50 kcal mỗi ngày trong 3 tháng đầu của thai kỳ, tăng thêm 250 kcal mỗi ngày trong 3 tháng giữa và tăng thêm 450 kcal mỗi ngày trong 3 tháng cuối. Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong quá trình mang thai để đảm bảo tăng cân cho bà mẹ và tăng trưởng cho thai nhi. Ăn thiếu năng lượng là yếu tố nguy cơ hàng đầu của cân nặng sơ sinh thấp và suy dinh dưỡng bào thai.
Nhu cầu chất đạm, chất béo và chất bột đường đều tăng tăng lên khi mang thai
Chất đạm (protein) cần thiết để xây dựng bào thai, nhau thai, mô cơ thể mẹ trong thai kỳ. Nhu cầu chất đạm ở phụ nữ mang thai trong 3 tháng giữa cần tăng thêm 10-15g/ngày so với bình thường, ở phụ nữ mang thai trong 3 tháng cuối cần tăng thêm 30g/ngày. Nên ăn các thực phẩm giàu chất đạm như thịt gà, thịt bò, thịt heo, các loại cá, tôm, trứng, các loại đậu, nấm và sữa.
Cần chú ý tâm lý bồi dưỡng quá mức khi mang thai dẫn đến việc tiêu thụ quá nhiều chất đạm – khá phổ biến tại các thành phố và vùng mới đô thị hóa. Việc ăn quá nhiều chất đạm thường kéo theo tăng sử dụng chất béo, tăng tải đối với thận và tăng mất chất khoáng từ xương.
Chất béo (lipid) cần thiết cho xây dựng màng tế bào và hệ thống thần kinh của thai nhi, cung cấp năng lượng và giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu cho mẹ. Phụ nữ mang thai cần ăn nhiều chất béo hơn mức bình thường, chiếm 25-30% năng lượng của khẩu phần. Nên sử dụng cả acid béo no và không no. Acid béo no không nên dùng quá 10% năng lượng khẩu phần. Nên ăn cá béo như các ba sa, cá điêu hồng, cá chép, cá hồi và các loại hạt có dầu như hạt hạnh nhân, hạt óc chó… để cung cấp thêm DHA, EPA có vai trò phát triển thần kinh thai nhi và giảm nguy cơ tiền sản giật. Nên sử dụng dầu thực vật như dầu nành, dầu đậu phộng, dầu mè để chế biến món ăn.
Nhu cầu của nhiều vitamin và chất khoáng tăng lên khi phụ nữ mang thai
Sắt, kẽm, i-ốt và can-xi cần thiết cho cả mẹ lẫn con. Thiếu các chất khoáng quan trọng này gây nhiều tác động không tốt đến thai kỳ.
Theo tính toán tổng lượng sắt nguyên tố cần trong khi mang thai khoảng 840mg. Thức ăn nguồn gốc động vật như thịt gia sức gia cầm, gan động vật chứa lượng sắt tương đối cao và dễ hấp thu. Một số thực phẩm chế biến sẵn được tăng cường sắt như bánh, bột dinh dưỡng… cũng là là nguồn cung cấp sắt cho phụ nữ mang thai. Do nhu cầu sắt tăng cao khi mang thai nhưng khả năng cung cấp sắt qua chế độ ăn thông thường không đáp ứng đủ, nên Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia đều khuyến nghị nhất thiết phải bổ sung sắt qua đường uống cho phụ nữ mang thai. Lượng sắt nguyên tố cần bổ sung là 60mg/ ngày. Khuyến nghị là uống bổ sung sắt từ khi có kế hoạch mang thai phát hiện có thai kéo dài đến một tháng sau khi sinh.
Nhu cầu i-ốt ở phụ nữ mang thai cần cao hơn bình thường, 200µg/ngày. I-ốt có vai trò rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Hậu quả nghiêm trọng nhất của thiếu i-ốt là ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai. Phụ nữ mang thai thiếu i-ốt có nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, sinh non, trẻ sinh ra sẽ bị chậm phát triển trí tuệ do tổn thương não, cân nặng sơ sinh thấp, ngoài ra dễ bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay chân, nói ngọng, điếc, câm, lé. Thiếu i-ốt dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong chu sinh. Thực phẩm giàu i-ốt là cá biển, rong biển. Sử dụng muối ăn, hạt nêm có bổ sung i-ốt là giải pháp chính để phòng chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt.
Can-xi cần cho thai nhi xây dựng bộ xương và tạo răng. Nhu cầu can-xi hàng ngày ở phụ nữ mang thai cần tăng thêm 200mg/ngày đạt 1.200mg/ngày. Thực phẩm chứa nhiều can-xi như sữa và các sản phẩm từ sữa, cá, đậu, rau xanh. Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phomai… là nguồn cung cấp canxi tốt cho cơ thể.
Acid folic còn có tên gọi là vitamin B9 hoạt động như 1 coenzym trong một loạt các phản ứng hóa học tổng hợp DNA – cần thiết cho sự phân chia tế bào, chuyển đổi amino acid cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể. Khi thiếu acid folic ở phụ nữ có thai dễ gây ra thiếu máu dinh dưỡng đại hồng cầu và gây dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Nhu cầu acid folic ở phụ nữ mang thai cần cao hơn bình thường, 600µg/ngày. Acid folic có trong nhiều loại thực phẩm, có nhiều trong các loại rau có lá, bắp cải, măng tây, bông cải xanh và trắng, cam, chuối, cật, trứng. Hiện nay sử dụng viên bổ sung acid folic cho phụ nữ mang thai 400µg/ngày ngay từ khi phát hiện có thai và liên tục suốt thai kỳ được áp dụng rộng rãi trên thế giới.
Vitamin D cần thiết cho sự hấp thu canxi và phospho ở tá tràng và ruột non, tái hấp thu calci ở ống lượn xa của thận và gắn chúng vào xương. Thiếu vitamin D sẽ dẫn tới nhuyễn xương, co giật do hạ canxi máu, loãng xương. Thực phẩm có nguồn gốc động vật giàu vitamin D là gan cá, trứng, bơ, sữa, các loại cá béo. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật hoàn toàn không có vitamin D. Nhu cầu vitamin D ở phụ nữ mang thai là 800 đơn vị/ngày. Nếu điều kiện sống thiếu ánh sáng nên uống vitamin D bổ sung.
Chế độ ăn của phụ nữ có thai không nên kiêng khem
Bữa ăn cần thực phẩm đa dạng, hàng ngày nên dùng tối thiểu khoảng 15-20 loại thực phẩm khác nhau để có thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng. Nên ăn nhiều rau quả vì ngoài vitamin và khoáng chất còn cung cấp chất xơ phòng chống táo bón.
Chọn các loại thực phẩm tươi, sạch, có giá trị dinh dưỡng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hạn chế gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi, dấm.
Không nên dùng các loại kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá.
Theo: BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp – Tạp chí Sức Khỏe