Nguyễn Thị Kiên Giang, 16 tuổi (ở khu vực 1, thị trấn Khe Tre, huyện miền núi Nam Đông, Thừa Thiên – Huế) bị bệnh xương thủy tinh với hơn 30 lần gãy xương nhưng học rất giỏi và giàu nghị lực. “Hành trình xương thủy tinh”, quá trình chiến đấu với bệnh tật, sự nỗ lực vượt khó của Giang tạo nên sự diệu kỳ, khiến bao người xúc động.
Đến trường trên lưng mẹ
Sinh ra bị căn bệnh xương thủy tinh quái ác, tưởng rằng cuộc sống sẽ chấm hết nhưng được sự chăm sóc của cha mẹ cùng với nỗ lực của bản thân, Giang đã khôn lớn và làm được nhiều điều phi thường.
Suốt 5 năm học tiểu học, Giang được mẹ âm thầm cõng đến trường quãng đường gần 2km. Dù nặng nhọc, vất vả nhưng với chị đó là niềm hạnh phúc dành cho đứa con tật nguyền. Đứa trẻ bất hạnh không muốn mù chữ, quyết tâm đến lớp để được học hành như bao đứa trẻ khác.
Chị Minh (mẹ Giang) tâm sự: “Con nó không thể ngồi trên xe máy, xe đạp… được vì nếu va chạm nhẹ là gãy xương liền. Mỗi lần nhìn thấy con bị bệnh, đành nuốt nước mắt để động viên chăm sóc con cố gắng học tập”. Ngoài tình cảm, sự hi sinh của cha mẹ, cô học trò tật nguyền này giành được nhiều yêu thương, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và những nhà hảo tâm. Đây cũng là phần quà xứng đáng dành cho một học sinh khuyết tật giàu nghị lực.
Năm 2003, em được Hội đồng hương Thừa Thiên – Huế ở TP HCM tặng chiếc xe lăn để tiện cho việc đến trường. Khi đi học, Giang được thầy cô, bạn bè trong lớp thay nhau di chuyển xe cho em. Người bạn cùng lớp Lê Thị Thúy Vân không quản khó khăn, tình nguyện đưa Giang đến trường. Từ đó, hai người thành đôi bạn cùng tiến, chăm chỉ và học giỏi.
Quyết tâm học giỏi để dạy trẻ em nghèo
Mẹ Giang cho biết: “Cuối năm lớp 3, Giang bị gãy cả tay lẫn chân, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Con nó đau đớn, vợ chồng tui cũng xé lòng. Khi ra viện, nó nhất quyết đòi tui đưa đi học ngay. Vợ chồng khuyên con cứ ở nhà nghỉ ngơi, khi nào khỏi bệnh rồi đi học. Nó khóc: “Con đã tật mà không được đi học thì khác chi đồ vứt đi, cuộc sống của con giống như thực vật, thà chết đi còn hơn. Nếu sau này khoa học phát triển, bệnh của con chữa được thì con lại là kẻ mù chữ. Ba mẹ thương thì cho con đi học”.
Mỗi ngày Giang đến trường là nước mắt của cha mẹ lại tuôn trào, vì đi học thì dễ gãy xương lúc nào không hay. Phần thưởng lớn dành cho sự nỗ lực, tinh thần tự học của em là 8 năm liền đạt học sinh xuất sắc. Giang đã nhận rất nhiều học bổng của các tổ chức, cá nhân trao tặng. Năm lớp 4, Giang được nhận học bổng Sao Mai (học bổng dành cho học sinh giỏi).
Hằng ngày, Giang cố gắng tập luyện di chuyển để cha mẹ đỡ vất vả. Để có cái ăn, cái mặc, tiền điều trị cho con, nuôi đứa con đầu học đại học, cha mẹ Giang quần quật cả ngày. Trước khi dời nhà, cha mẹ để lại sách vở, thức ăn bên cạnh cho con. “Thiếu ăn thì được chứ thiếu sách là nó nằm trườn giữa nhà, tìm cho bằng được” – Ba của Giang kể.
Chúng tôi không khỏi cảm động khi đọc được cuộc hội thoại của Giang và người bạn tên Hiền (một người bị tàn tật rất nặng ở tận Hà Nội) về việc đồng bào miền Trung – Tây Nguyên bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 9, 10 và 11 vừa qua. Thông qua Internet, Giang đã góp phần chia sẻ khó khăn đối với những em học sinh nghèo khó ở huyện miền núi Nam Đông. Em tham gia blog, các diễn đàn nhân đạo và trình bày hoàn cảnh của học sinh nghèo của trường để các nhà hảo tâm biết và những phần quà của Hội đồng hương Thừa Thiên – Huế tại TP HCM đã được chuyển đến các bạn.
Cô Nguyễn Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Khe Tre hết lời khen ngợi: “Giang là tấm gương xuất sắc không chỉ các bạn khuyết tật mà cả học sinh bình thường noi theo”.
Giang tâm sự: “Em cố gắng học giỏi để mong trở thành cô giáo, dạy cho học sinh khuyết tật như em. Nếu làm được, em đủ tự tin để thuyết phục và khuyên những em bé có số phận thiếu may mắn như em, không nên mặc cảm, mà phải cùng người thân chiến đấu với bệnh tật, vượt qua số phận”.
“Niềm hạnh phúc của tôi là được thấy con lớn lên khỏe mạnh”
Thay vì than trách cuộc đời bất hạnh, chị Nguyễn Thị Kiên Giang đã lạc quan sống và đi tìm hạnh phúc của đời mình. Gia đình nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười của chị chính là kết quả của hành trình vượt qua nghịch cảnh ấy.
Chị Nguyễn Thị Kiên Giang sinh ra ở Huế, còn anh Đào Duy Cường, chồng chị, quê ở Hà Nam. Xa cách về địa lý, hai người quen nhau qua một diễn đàn dành cho người khuyết tật. Qua những buổi trò chuyện qua mạng, anh Cường dần cảm mến cô gái miền Trung nhỏ nhắn, có nụ cười rất duyên ấy. Tình yêu chớm nở rồi bền chặt sau 4 năm, cả hai quyết định đi đến hôn nhân. Anh chị đều được sự ủng hộ của hai bên gia đình, nên những đắn đo về bệnh tật cũng như khoảng cách đều được rút ngắn lại.
Năm 2017, chị Giang, anh Cường chính thức trở thành bạn đời của nhau trong sự chúc phúc của bạn bè, họ hàng và gia đình nội ngoại. Trong đám cưới hạnh phúc ấy, đôi uyên ương ngồi trên hai chiếc xe lăn vào lễ đường. Kiên Giang cho biết, chồng chị bị yếu cơ nên phải ngồi xe lăn, còn chị bị xương thủy tinh bẩm sinh. Hai con người đồng cảnh, đồng cảm, nương tựa vào nhau, hỗ trợ nhau trong sinh hoạt hàng ngày. Sau khi cưới, vợ chồng chị cùng bán hàng online để kiếm sống. Để tiện cho việc sinh hoạt, vợ chồng chị Giang đã nỗ lực kiếm tiền mua được căn nhà ở Hà Nội có thiết kế phù hợp, gần nơi có thể dùng xe lăn để di chuyển. Năm 2019, niềm hạnh phúc được nhân lên khi hai người chào đón bé Đức Nhân. Không thể diễn tả hết được niềm hạnh phúc của vợ chồng chị khi có con.
Từ lúc gia đình nhỏ có thêm thành viên, vợ chồng chị được hai bên nội ngoại thay nhau hỗ trợ, nhờ vậy vợ chồng chị cũng đỡ vất vả hơn. Đến nay, bé Nhân đã hơn hai tuổi và đi học mẫu giáo, vợ chồng chị có thể tự chăm con. Đối với chị, hiện tại sức khỏe và gia đình là tài sản đáng quý. Nhìn con lớn lên từng ngày khỏe mạnh là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với chị. Còn về người bạn đời, chị Giang cho biết, vợ chồng chị rất hợp nhau, yêu thương, chia sẻ, thấu hiểu để cùng nhau cố gắng. “Mong ước của tôi là cả nhà đều khoẻ và vui để đồng hành trên con đường trưởng thành của con”, chị Giang chia sẻ.
Theo Hoàng Quân – CAND
An Khê – phunuvietnam.vn