Do dịch Covid-19, ông Trương Văn Phi phải nghỉ việc tại một công ty may, tự mình đứng ra kinh doanh nhưng thất bại. Sau đó ông Phi đã lắp thêm 2 bánh xe để làm công việc không nhiều người khuyết tật nghĩ đến: nghề shipper – giao nhận hàng.
Đôi chân tật nguyền vượt trên 100 cây số… vì con trai
Chúng tôi có dịp theo chân ông Trương Văn Phi, người đàn ông 53 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ông sinh ra ở Quảng Nam, cùng gia đình vào TP.HCM sống từ năm 3 tuổi. Người đàn ông này làm việc cho một ứng dụng giao hàng nội thành nhưng không giống những nhân viên khác, ông đi lại hằng ngày bằng chiếc xe 4 bánh, di chuyển nhanh nhạy và đi không dưới 100 cây số một ngày.
Mỗi ngày của ông Phi bắt đầu từ 5 giờ sáng, vợ chồng ông chuẩn bị cho con trai ăn uống, đến trường lúc hơn 6 giờ. Sau đó ông bật ứng dụng giao hàng và bắt đầu công việc của mình. Hôm nay ông Phi có đơn hàng đầu tiên là đơn hàng 4h, đơn gồm nhiều đơn nhỏ ghép lại. “Bắt đầu mình đi chơi thôi!”, ông Phi dẫn đường cho chúng tôi.
Xuất phát từ nhà, ông Phi vượt qua những đoạn đường đất đầy ổ gà ngập sâu trong nước. Điều này với người bình thường đi xe 2 bánh đã không dễ dàng nhưng trên chiếc xe 4 bánh cồng kềnh của mình, người đàn ông thấp bé vẫn lái xe thoăn thoắt và thuộc nằm lòng đường các quận, huyện để vừa tiết kiệm thời gian vừa mang được hàng hóa đến nhanh cho khách hàng của mình.
Đến điểm nhận hàng, những cuộc điện thoại quen thuộc với ông: “A lô, tôi là Trương Văn Phi ở bên giao nhận hàng, tôi nhận được đơn hàng của anh/chị và tôi đang đứng trước số nhà…, anh/chị có thể giao ngay bây giờ được không ạ?”. Khách đưa hàng, dù chân yếu nhưng ông luôn lịch sự bước xuống xe, đến gần khách để nhận hàng và đặt lên xe ngay ngắn.
Nhận đơn, nhận đơn rồi giao hàng, ông Phi cho biết mỗi ngày ông luôn di chuyển không dưới 100 cây số, ông đi khắp thành phố để giao nhận các đơn hàng. Vượt qua nhiều quãng đường rất xấu, đôi khi hàng hóa cồng kềnh bị nghiêng, một mình ông lại bước xuống xe, chỉnh sửa chắc chắn và tiếp tục hành trình.
Mỗi ngày ông Phi chạy 12-14 tiếng, khoảng từ 8 giờ sáng đến khoảng 20-22 giờ đêm. Buổi trưa ông không nghỉ ngơi mà tranh thủ khi chưa có đơn hàng ghé tiệm cơm ăn tạm qua bữa. Ông kể với Thanh Niên: “Nghề giao hàng của tôi là làm 2 chiều, phải biết tận dụng để tiết kiệm. Cứ giao rồi lại nhận được đơn, lặp lại khiến tôi cảm thấy đó như là đam mê trong mình. Trưa tôi không dám nghỉ trưa lâu, chỉ tiện đâu ghé ăn đó, có đơn là chạy”.
Ông kể, mỗi sáng ông đổ 50.000 đồng tiền xăng và căn để chạy gần hết là về đến khu mình sống. Nhiều hôm ông Phi về đến nhà đã gần 1 giờ sáng vì đơn quá xa nên ông phải đứng đợi để nhận đơn mới về gần nhà nhằm đỡ tiền xăng. Ông nhớ lại: “Có hôm con trai tôi điện nói muốn ăn bánh đa, tôi chạy đi mua nhưng vì tôi quên tắt ứng dụng nên đã 20 giờ tôi lại nhận được đơn tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Thương con và may mắn đây là đơn hàng gợi ý nên tôi có thể hủy. Nhưng những lần sau tôi không còn được hủy nữa nếu không sẽ bị khóa tài khoản”.
Với một người khuyết tật đôi chân như ông Phi chọn công việc giao nhận hàng hẳn khiến nhiều người bất ngờ. Trước đó, người đàn ông này từng có 31 năm làm khâu cắt may trong ngành may. Đầu năm 2020, do tác động dịch Covid-19, công ty ông làm việc gặp khó khăn đồng thời ông cho rằng tuổi ông không còn trẻ làm trong ngành may không còn phù hợp nên ông quyết định nghỉ việc.
Nghỉ việc công ty, ông Phi vận dụng những kinh nghiệm hơn 3 thập kỷ trong ngành may để tự mình nhập vải về kinh doanh nhỏ nhưng vì vốn không đủ, gặp nhiều khó khăn nên ông đã thất bại. “Trong vòng 4 tháng tôi lỗ gần 100 triệu, đến nay khoản nợ ấy vẫn còn. Nhưng tôi không hối tiếc vì thất bại, điều tôi nghiệm ra sau đó là thất bại cũng được, nợ nần cũng được nhưng quan trọng là tôi đã dám làm để có cơ hội thất bại và có bài học dạy cho con trai mình. Sức khỏe cha có tốt hay không không quan trọng bằng việc cha có nhiều bài học quý để truyền cho con trai không”, ông nói.
Thất bại trong kinh doanh, ông tìm đến nghề vận chuyển khách và giao hàng. Nhiều hãng đã từ chối ông với lý do sức khỏe ông không đảm bảo yêu cầu công việc, đặc biệt là việc chở khách. Nhưng ông may mắn được một ứng dụng giao hàng nội thành nhận vào làm gần 1 năm nay và may mắn hơn từ khi vào nghề ông chưa gặp tình trạng “bùng hàng”.
“Nếu tai nạn gãy chân, coi như bỏ hoàn toàn”
Năm 2 tuổi, ông Trương Văn Phi bị sốt bại liệt, biến chứng dẫn đến teo cơ và cột sống bị cong mạnh. Không chỉ khuyết tật đôi chân, đôi tay ông cũng không đều đặn một tay to, một tay nhỏ. Chịu khuyết tật từ nhỏ, bôn ba qua nhiều công việc nhưng vẫn khó khăn nên ông không có điều kiện khám chữa bệnh.
Trò chuyện với Thanh Niên, ông Phi không ngại chia sẻ vài lần ông bị một số người kỳ thị về sự khuyết tật của bản thân. Ông nói mình không lành lặn, không thể đi nhanh, làm nhanh, chỉ có thể đi chậm, làm chậm nhưng ông sẽ cố gắng vượt qua để hoàn thiện mọi việc, như câu chuyện Rùa và Thỏ.
Vượt lên số phận, ông Phi quen được chị Hoàng Thị Bích Ngọc qua mạng xã hội khi cả 2 cách nhau gần 2.000 km. Chị Bích Ngọc 42 tuổi, quê ở Thái Nguyên, chị cũng không may bị khuyết tật ở chân. Sau 3 tháng quen, yêu nhau, họ gặp nhau, tổ chức đám cưới. “Tôi thực sự cảm ơn bố vợ, ông đã cho tôi cơ hội được làm người chồng, người cha thực sự. Dù tôi ở rất xa nhưng ông ấy vẫn tin tưởng giao con gái mình cho tôi. Nhiều lúc tôi cũng thấy vợ tôi lạ lùng, sao bà ấy liều thế. Nhưng tôi cám ơn sự liều lĩnh ấy của vợ!”. Đến nay vợ chồng ông Phi đã có với nhau một người con trai là bé Trương Hoàng Nguyên, 9 tuổi, đang học trường Tiểu học Vĩnh Lộc 2.
Ông Phi cho biết trước đây ông vẫn cố gắng di chuyển bằng xe 2 bánh như người bình thường. Ông từng đi xe Wave và ngã nhiều lần nhưng may chưa lần nào bị ảnh hưởng nặng. Thế nhưng nếu ông không may bị gãy chân đồng nghĩa đôi chân ông sẽ phải bỏ vĩnh viễn. Do đó, khi lập gia đình và có con, ông Phi lắp thêm bánh xe vào xe máy để an toàn khi đi cùng người thân của mình.
Chị Bích Ngọc vui vẻ: “Chồng tôi là người nóng tính, như cái tên ông ấy vậy… Trương Phi! Nhưng bản chất ông ấy rất tốt, hiền lành và chịu khó, tôi vì thế mà tin tưởng đến với ông ấy. Chúng tôi sống với nhau gần 10 năm nay. Khi ông ấy chuyển qua nghề giao hàng dù thu nhập không cao bằng nghề may và cũng bất ổn hơn. Tôi cũng từng bị tai nạn, chân đi lại khó khăn nên chủ yếu ở nhà may gia công và chăm con cái nhưng cả nhà đều cùng nhau cố gắng”.
Không chỉ vươn lên một mình…
“Tôi không bao giờ nghĩ mình là người khuyết tật khi đi làm bất kể nghề nào”. Ông Phi không chỉ một mình cố gắng vượt lên số phận mà đã lập ra Câu lạc bộ (CLB) hướng nghiệp và tiếp lửa cho người khuyết tật từ 8 năm nay. CLB tâm huyết của ông nhằm tìm kiếm việc làm và truyền động lực cho những người khuyết tật, phạm vi CLB ở nhiều tỉnh thành nhưng chủ yếu ở TP.HCM. Đến nay CLB có khoảng 3.000 thành viên liên hệ với nhau online, có dịp đặc biệt họ sẽ quy tụ về gặp mặt.
“Trong CLB, chúng tôi luôn hỗ trợ lẫn nhau, nhiều lần tôi đưa các anh em từ tỉnh mới vào thành phố về nhà tôi ở tạm 4 – 5 tháng. Nhiều thành viên trong nhóm có động lực hơn khi kết nối với nhau, từ đó mà nhiều người đã thành công hoặc có cuộc sống ổn định”, ông Phi phấn khởi.
Là một thành viên CLB, anh Nguyễn Văn Tính (35 tuổi) được truyền động lực để vượt lên số phận, hiện nay anh đã ổn định cuộc sống ở TP.HCM. “Tôi là người gốc Huế, bị liệt 2 chân từ năm 1 tuổi. Dù cha mẹ đưa tôi chạy chữa nhiều nơi nhưng không thể phục hồi được. Tôi biết tới CLB nhờ mạng xã hội nên tôi kết nối, sau đó một mình bắt xe vào Sài Gòn năm 2015. Hiện tôi đang làm bảo vệ tại một tòa nhà ở Q.3, TP.HCM. Trước đây khi mới vào Sài Gòn, nhờ anh Phi cho ở nhờ một thời gian, tôi đã dần làm quen mọi thứ”.
Thời điểm hiện tại, CLB hướng nghiệp và tiếp lửa cho người khuyết tật vẫn hoạt động liên tục, nhóm là nơi để chia sẻ việc tuyển dụng cho người khuyết tật và truyền động lực cho nhau cùng vượt lên số phận. Chia sẻ về việc lập CLB, ông Trương Văn Phi tâm sự rằng lắm lúc ông cũng khó khăn, mệt mỏi nhưng ông sẽ luôn cố gắng mạnh mẽ, làm gương để hỗ trợ được các thành viên trong CLB của mình.
Trần Kim Anh / Đậu Tiến Đạt – Báo Thanh Niên