Tháng 6-2010, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Người khuyết tật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục thúc đẩy trách nhiệm của cộng đồng, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011.
Trên thế giới, cứ mười người thì có một người khuyết tật. Họ phải đối mặt với các rào cản khi họ hòa nhập vào cộng đồng và thường sống bên lề của xã hội, ít nhiều bị phân biệt đối xử về các quyền cơ bản như lương thực, học vấn, nghề nghiệp hoặc tiếp cận với các dịch vụ y tế và sức khỏe sinh sản.
Năm 1982, Chương trình thế giới hành động về người khuyết tật được Ðại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua đã nêu các quy chuẩn về công bằng các cơ hội cho người khuyết tật, giúp họ hòa nhập vào mọi hoạt động phát triển của xã hội. Hiện có 146 quốc gia trong đó có Việt Nam đã tham gia Công ước về quyền của người khuyết tật.
Trong nhiều thập kỷ qua, Ðảng, Nhà nước và nhiều bộ ban ngành đã rất quan tâm đến người khuyết tật, nhiều văn bản chính sách được ban hành liên quan tới người khuyết tật. Cả nước hiện có khoảng 187 nghìn trẻ em tàn tật được trợ cấp xã hội và chăm sóc thay thế. Hằng năm, ngành y tế khám và điều trị nhiều bệnh nhân khuyết tật, trong đó có khoảng mười nghìn trẻ em được phẫu thuật, chỉnh hình phục hồi chức năng, trong đó 5 – 7% là mổ tim bẩm sinh.
Với điều kiện địa lý tự nhiên khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên xảy ra và trải qua mấy chục năm chiến tranh nên người khuyết tật ở Việt Nam là khá lớn: 5,1 triệu người chiếm 7% dân số.
Theo các tài liệu điều tra, khảo sát nghiên cứu của Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Ðào tạo và một số tổ chức quốc tế về thực trạng người khuyết tật ở Việt Nam cho thấy: Người tàn tật cơ quan vận động chiếm 35,46%, thị giác 15,70%, thần kinh 13,93%… Nguyên nhân dẫn tới tàn tật là do: bẩm sinh chiếm 34,15%, bệnh tật chiếm 35,75% và tai nạn chiến tranh là 19,07%. Tỷ lệ người đa tật chiếm khá cao: 20,22% trong tổng số người tàn tật. Phần lớn người tàn tật sống cùng với gia đình, chiếm tỷ lệ: 95,85%; số người tàn tật sống độc thân chiếm 3,31%; tỷ lệ người tàn tật sống trong trại bảo trợ xã hội của Nhà nước là 0,22% (tập trung chính ở hai nhóm tuổi: 15 – 55 chiếm 54,17% và nhóm tuổi dưới 15 chiếm 28,85%); người tàn tật sống lang thang là 0,62%.
Cả nước có 58,18% số người tàn tật có việc làm, tự nuôi sống mình và tham gia đóng góp cho xã hội bằng những công việc khác nhau. Tỷ lệ người tàn tật chưa có việc làm là 30,43%. Vùng đồng bằng sông Hồng và Ðông Nam Bộ có số người tàn tật chưa có việc làm chiếm tỷ lệ cao, tương ứng là 41,86% và 35,77%.
Việc làm đối với người khuyết tật luôn là một trong câu hỏi lớn cần được cả cộng đồng cùng tìm lời giải. Không ít doanh nghiệp hoặc cá nhân hiện không chịu nhận người khuyết tật vào làm việc; chính vì doanh nghiệp chưa mạnh dạn ‘mở lòng’ nên tỷ lệ người tàn tật thất nghiệp vẫn còn cao. Nhiều người tàn tật bằng nghị lực đã vươn lên, bằng mọi cách mong tìm được công việc phù hợp để không là gánh nặng của gia đình và xã hội nhưng cũng khó có việc làm ổn định. Sự khiếm khuyết trên cơ thể không chỉ là nỗi đau thể chất mà còn là vật cản khiến họ không tự tin hòa nhập với cộng đồng. Việc làm không chỉ đem lại niềm vui, thu nhập cho người khuyết tật mà còn là cầu nối giúp họ tự tin, hòa nhập với cuộc sống.
Có thể thấy rõ một số chính sách về người tàn tật còn thiếu đồng bộ và bất cập và nhiều văn bản chưa được thực hiện nghiêm túc. Ở nước ta cũng chưa có cơ sở hạ tầng như lối đi trong công viên công cộng, hệ thống giao thông hữu ích hỗ trợ người khuyết tật có thể đi lại mà không cần nhiều đến sự trợ giúp của người nhà. Hiện có nhiều công trình đang xây dựng thiếu phương tiện và trang thiết bị để người khuyết tật có thể sử dụng. Ðây cũng là rào cản hạn chế người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Hiện nước ta cần tới 640.000 giáo viên để giảng dạy cho tổng số trẻ em khuyết tật nhưng hiện số giáo viên cho trẻ quá ít, cho nên chỉ có số ít trẻ khuyết tật tiếp cận được hệ thống trường học.
Thực tế nhiều người khuyết tật có cuộc sống khó khăn, chưa được đào tạo nghề và có việc làm ổn định. Hơn nữa, việc tiếp cận với các vấn đề trợ giúp như chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục, đào tạo, giao thông… còn nhiều bất cập. Cơ quan thông tin truyền thông cũng chưa thật sự đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước để người khuyết tật biết và thụ hưởng các chế độ, chính sách ban hành.
Vượt qua mặc cảm và khó khăn của tật nguyền nhiều người khuyết tật ở ta đang vươn lên với ý thức ‘tàn mà không phế’ để có cuộc sống tự lập về kinh tế và hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên để làm được điều này, họ cần nhiều hơn sự quan tâm hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể và tinh thần của cộng đồng.
Theo: PHÙNG THỦY – Báo Nhân Dân