Với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thuộc Hội Người mù TP. Hà Nội, sẽ tổ chức Chương trình đào tạo kinh doanh trực tuyến trên nền tảng công nghệ số trong vòng 4 tháng cho 22 học viên là người khiếm thị.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thuộc Hội Người mù TP. Hà Nội, sẽ tổ chức Chương trình đào tạo kinh doanh trực tuyến trên nền tảng công nghệ số trong vòng 4 tháng cho 22 học viên là người khiếm thị.
Chương trình này đã được công bố tại Hội thảo “Cơ hội kinh doanh, khởi nghiệp cho người khuyết tật trên nền tảng công nghệ số để chung sống an toàn với đại dịch COVID-19”. Đại diện các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật, khu vực tư nhân, các nhà đầu tư và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đã tham gia Hội thảo để thảo luận về cách thức thúc đẩy việc làm và cơ hội khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ số cho người khuyết tật.
Việt Nam hiện có hơn 6,2 triệu người khuyết tật. Đây là một trong những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Đánh giá nhanh của UNDP về tác động kinh tế xã hội của COVID-19 cho thấy 30% người khuyết tật bị mất việc làm, khoảng 50% bị giảm giờ làm và gần 60% người khuyết tật bị cắt giảm thu nhập do tác động của COVID-19.
Ngày quốc tế về Người khuyết tật (3/12) năm nay tập trung vào chủ đề “Xây dựng lại tốt hơn: Hướng tới một thế giới hậu COVID-19 bền vững, tiếp cận, và hòa nhập cho người khuyết tật”. Chủ đề này dựa trên nguyên tắc “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, đặc biệt trong những tình huống dễ bị tổn thương.
Tại Hội thảo, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, đã nêu bật ba cách tiếp cận để thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 dành cho người khuyết tật, bao gồm: Thực hiện phương pháp tiếp cận có sự tham gia của nhiều bên liên quan; nhìn nhận người khuyết tật như những chuyên gia hiểu rõ nhất về nhu cầu của mình và là tác nhân hàng đầu tạo ra thay đổi; và thực hiện các điều chỉnh thích hợp để tạo điều kiện cho người khuyết tật có thể sử dụng các ưu thế của việc làm tại nhà hoặc trực tuyến.
Bà Caitlin Wiesen cho biết: “UNDP cam kết sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ, các đối tác phát triển và các tổ chức xã hội dân sự để tăng cường hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam; giúp giải quyết những thách thức đa chiều mà họ phải đối mặt, bao gồm vượt qua khoảng cách kỹ thuật số ngày càng tăng trong bối cảnh COVID-19. Bà cũng chia sẻ: “Khi chúng tôi nỗ lực để xây dựng hướng đi tốt hơn với kim chỉ nam là các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), các nội dung về người khuyết tật như đảm bảo hòa nhập, tính đại diện, bảo vệ quyền của người khuyết tật luôn là trọng tâm của những nỗ lực đó”.
Với sự tại tài trợ của Chính phủ Nhật Bản, UNDP và các đối tác liên quan đã và đang tổ chức nhiều hội thảo và đào tạo việc làm kỹ thuật số dành cho người khuyết tật thuộc nhiều dạng khuyết tật khác nhau góp phần giúp họ hòa nhập vào nền kinh tế năng động của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Nguồn: Chinhphu.vn