Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) chọn Nguyễn Phương Anh – cô bé “xương thủy tinh” 16 tuổi – là một gương mặt khuyết tật tiêu biểu.
“Hãy đối xử công bằng với trẻ khuyết tật”
“Hãy đối xử công bằng với trẻ khuyết tật” – Đó là lời kêu gọi của “cô bé thủy tinh” tại lễ công bố Báo cáo Tình hình trẻ em thế giới diễn ra tại Đà Nẵng chiều 30-5.
Có mặt tại buổi lễ, “cô bé thủy tinh” Nguyễn Phương Anh, chia sẻ: “Trẻ khuyết tật hầu hết luôn sống trong cảnh e ngại, sợ sệt khi tiếp xúc với mọi người, kể cả bạn bè đồng trang lứa. Em và các bạn khuyết tật có mặt ngày hôm nay mong nhận được chia sẻ, ủng hộ của tất cả mọi người. Dù các em là những đứa trẻ không bình thường nhưng muốn được công nhận và đối xử như tất cả mọi đứa trẻ khác”.
“Hãy đối xử công bằng, chia sẻ hơn nữa và có cái nhìn thiện cảm với tất cả trẻ em khuyết tật để họ vững tin vào cuộc sống vốn đã chịu nhiều thiệt thòi về thân thể, hướng tới một tương lai tốt đẹp. Em muốn nói rằng những đứa trẻ khuyết tật luôn mang trong mình một khát vọng tha thiết được sống, được hòa nhập. Những đứa trẻ khuyết tật cũng có khả năng làm được những công việc bình thường như các đứa trẻ khác nếu xã hội cho các em một cơ hội”, Phương Anh nói.
Trong bài viết và đoạn clip giới thiệu về Phương Anh đăng trên website UNICEF (http://www.unicef.org/infobycountry/vietnam_69360.html), Phương Anh được ca ngợi như một nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, vận dụng tài năng và quyết tâm để truyền cảm hứng cho những người đồng cảnh ngộ.
“Từ khi sinh ra tôi đã mắc chứng xương thủy tinh, một rối loạn di truyền khiến xương rất dễ vỡ. Xương của tôi bị gãy khoảng hơn 30 lần, nhưng tôi không tiếp tục đếm nữa vì khi đó tôi nghĩ rằng vấn đề này không còn đáng quan tâm – Phương Anh nói trong đoạn clip do UNICEF thực hiện – Khi còn nhỏ, tôi nghĩ rằng sự khác biệt là một điều khác thường xấu. Nhưng với tình yêu mà gia đình dành cho tôi khi tôi trưởng thành, họ giúp tôi nhận ra giá trị và khả năng thực sự của tôi”.
“Pha lê là biệt danh của tôi, nó mong manh nhưng tỏa sáng” – Phương Anh nói. “Tôi muốn chứng tỏ với mọi người rằng có thể tôi dễ tổn thương về mặt thể chất, nhưng tinh thần tôi không dễ bị lung lay”.
UNICEF nhận định những nỗ lực bản thân của Phương Anh, và tầm quan trọng của sự hỗ trợ tích cực từ gia đình đã khiến cô trở thành một gương mặt điển hình tại Việt Nam. Từ những buổi tham gia thu tiếng cho Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), cho đến hàng loạt mối quan hệ bạn bè trên toàn thế giới thông qua mạng xã hội.
Khoảnh khắc thay đổi cuộc đời lớn nhất của Phương Anh chính là khi cô tham gia cuộc thi Viet Nam’s Got Talent. Qua chương trình này, tài năng ca hát của Phương Anh được sự công nhận và ủng hộ của hàng triệu khán giả truyền hình. “Sự ủng hộ mà mọi người giành cho tôi lớn đến nỗi khiến tôi cảm thấy thực sự mạnh mẽ hơn và tin tưởng nhiều hơn vào nhữn gì mình đang làm. Nhiều người đã đến gặp tôi – dù khuyết tật hay không – và nói rằng tôi giúp họ có thêm cảm hứng. Đây chính là mục tiêu lớn nhất cuộc đời tôi”.
Việt Nam kí kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền lợi người khuyết tật từ năm 2007. Theo UNICEF, bên cạnh việc chống kì thị người khuyết tật thì việc tạo ra nhiều cơ hội học tập cũng là điều quan trọng, vì hiện không có nhiều giáo viên đủ khả năng hướng dẫn trẻ em khuyết tật vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Đà Nẵng chiều 30-5 cho biết Việt Nam hiện có hơn 1,2 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó nhiều trẻ em khuyết tật do hậu quả và di chứng của chiến tranh. Phó chủ tịch nước nói Việt Nam khuyến khích các hình thức chăm sóc thay thế, nhận con nuôi tại cộng đồng thay vì đưa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, tích cực đấu tranh xóa bỏ thái độ kỳ thị đối với việc thực hiện các quyền của trẻ em, kể cả quyền được tham gia tích cực vào việc ra các quyết định ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật và tương lai của các em.
UNICEF công bố Báo cáo tình hình trẻ em thế giới 2013 chú trọng vấn đề trẻ em khuyết tật, tại Đà Nẵng hôm nay khẳng định việc chú trọng vào những tiềm năng và khả năng mà trẻ em khuyết tật sở hữu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.
Báo cáo cho biết trẻ em khuyết tật thường là đối tượng chịu thiệt thòi và dễ bị gạt ra rìa xã hội. Ở một số nơi, trẻ em khuyết tật không được đăng ký khai sinh, bị bắt nạt, kì thị và thậm chí là giết chết. Các em cũng thường là đối tượng ít được quan tâm về giáo dục hoặc chăm sóc y tế.
“Hãy quan tâm tới đứa trẻ trước khi nghĩ đến vấn đề khuyết tật” – đây là thông điệp mà UNICEF muốn nhấn mạnh thông qua báo cáo, bằng việc chú trọng khả năng và tiềm năng của những trẻ khuyết tật sẽ thực sự mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. “Mất mát của các em cũng là mất mát của xã hội, thành công của các em cũng là thành công của xã hội” – ông Anthony Lake, Giám đốc UNICEF phát biểu.
Ông Anthony Lake, giám đốc điều hành Unicef cho biết: “Hiện Tổ chức Y tế thế giới ước tính có khoảng 93 triệu trẻ em dưới 14 tuổi bị khuyết tật ở mức độ vừa hoặc nặng. Trên thế giới có hàng triệu trẻ khuyết tật thường xuyên bị quên lãng và bị đánh giá thấp. Các em còn phải chịu sự bất công khi luôn là người sau cùng và cái gì cũng nhận được ít nhất, được chăm sóc sức khỏe ít nhất và được ăn những thực phẩm giá trị dinh dưỡng thấp nhất. Các em ít được đi học nhất và ít được bảo vệ nhất.
Và đối với các bé gái thì khó khăn còn nhân đôi, khả năng các em được chăm sóc và được ăn uống còn thấp hơn các bé trai và khả năng các bé gái bị loại khỏi các hoạt động gia đình cao hơn. Các em không được tiếp cận một cách công bằng với nước sạch và vệ sinh môi trường. Không thể lấy nước hoặc vận chuyển nước trên một quãng đường dài, không thể với tới giếng nước hoặc vòi nước quá cao, gặp khó khăn khi đi lại trên những con đường dài và trơn và điều này cản trở việc sử dụng nhà vệ sinh, do đó phải chịu cảnh bất tiện và tủi nhục. Một số em còn chia sẻ phải cố ăn uống ít đi để hạn chế số lần đi vệ sinh.
Và điều tệ hại nhất là trẻ khuyết tật phải đối mặt với tai họa còn nặng nề hơn khi chúng ta áp đặt những hạn chế đối với các em và đánh giá các em qua lăng kính những điều chúng ta cho rằng các em không làm được mà không nghĩ tới những điều các em có thể làm.Chính thái độ của chúng ta là rào cản lớn nhất mà trẻ khuyết tật phải đối mặt. Bởi lẽ không phải do khuyết tật mà một đứa trẻ bị cách ly khỏi đời sống xã hội mà chính sự phân biệt đối xử mới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó”.
Nguồn: HỮU KHÁ – ĐỨC TOÀN – Tuổi Trẻ