Vừa đến TP.HCM trưa 25.5 sau chuyến tàu kéo dài, cậu bé Bùi Ngọc Thịnh (12 tuổi, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) hào hứng khoe với Thanh Niên Online: “Em đã biết chơi thêm nhạc cụ thứ 8 rồi đó!”
Được Tổ chức kỷ lục châu Á công nhận là “cậu bé mù chơi được nhiều nhạc cụ nhất”, Bùi Ngọc Thịnh (12 tuổi) thật thà: “Con bị mù, đâu có ai chịu chơi với con. Nhưng con không buồn vì con có tới bảy người bạn”.
Vừa nói Thịnh vừa chỉ tay về những cây đàn sến, đàn cò, đàn organ, đàn guitar cổ, đàn tranh và đàn kìm chất đầy trong phòng mà cậu bé và gia đình đã cất công mang từ Khánh Hòa vào. Còn dàn trống khá cồng kềnh nên Thịnh đành để lại nhà.
Bị mù bẩm sinh, nhưng từ năm 6 tuổi Thịnh đã say sưa với các loại nhạc cụ, bắt đầu từ dàn trống cũ của Hội người mù xã Ninh Hòa. Cứ lựa lúc vắng người, cậu bé lại tập tành đánh trống rồi đâm ra… ghiền, về xin bố mẹ cho đi học trống.
Ban đầu, người thầy dạy trống ở thị xã không chịu nhận Thịnh là học trò vì cho rằng em còn nhỏ, lại bị mù thì làm sao chơi được trống. Thế là Thịnh năn nỉ, khóc lóc mãi, thầy cũng chịu dạy cho vài điệu. Dần dà, cậu bé chơi thành thục đến nỗi tìm thêm thầy dạy trống khác để học.
Đến năm lên 7, Thịnh bắt đầu khám phá guitar cổ và được một người thầy khác nhận làm “đệ tử”.
Năm 9 tuổi, Thịnh thử sức với đàn organ.
Năm 11 tuổi, em làm quen với đàn sến và đàn cò, và gần đây là đàn tranh và đàn kìm.
Mới đây, cậu bé còn chinh phục được cây đàn piano.
Thịnh cho biết niềm say mê của em bắt đầu từ những bản nhạc dân ca sử dụng nhiều loại nhạc cụ được phát thường xuyên trên Đài Phát thanh và truyền hình Khánh Hòa.
Em còn chia sẻ rằng rất muốn học thêm đàn violon nhưng chưa tìm được thầy dạy.
Không chỉ chơi được bảy loại nhạc cụ, Thịnh còn tập tành sáng tác nhạc. Cậu bé khoe rằng đến nay đã sáng tác được ba bài nhạc dành cho đàn organ.
Chơi đàn đến chảy máu tay
Một ngày của Thịnh thường bắt đầu từ 7 giờ sáng khi cậu bé đến nhà thầy để luyện đàn: guitar cổ, đàn cò, đàn tranh, đàn sến và đàn kìm.
Đến trưa, Thịnh lại có mặt ở nhà một người thầy khác để học organ, piano và trống. Tối về cậu bé lại lao vào học chữ nổi và vi tính.
Thịnh nói như một ông cụ non: “Mình chơi được loại nhạc cụ nào rồi thì phải luyện thường xuyên để nâng cao thêm chứ! Với lại ngày nào không học đàn, em cảm thấy rất buồn”.
Không chỉ học đàn từ thầy, cậu bé còn nhờ người thân lên mạng tìm những video dạy chơi đàn tranh, đàn cò để học thêm.
Mải miết chơi đàn, mười đầu ngón tay của Thịnh gần như đã chai sạn. Thịnh kể lúc mới chơi đàn guitar cổ, em bấm đàn đến nỗi tay chảy máu. Bố mẹ thấy vậy không cho đi học nữa. Vậy là cậu bé khóc và bỏ lên nhà thầy ở đến khi bố mẹ cho đi học lại mới thôi.
Chiếc đàn tranh nữ tính cũng từng khiến những ngón tay của Thịnh trầy xước không biết bao nhiêu lần. Ban đầu, thầy dạy đàn không tin một cậu bé mù có thể học đàn tranh. Tuy nhiên, Thịnh đã chinh phục được loại đàn này bằng cách rê hai ngón tay vào phía ngoài “con ngựa” của đàn, những ngón còn lại cứ thế định vị đúng dây cần khẩy.
Đến nay, Thịnh đã chơi được hơn 150 bài hát bằng nhiều loại đàn khác nhau. Thịnh bảo: “Nghe người ta hát bài gì mà em không đàn được thì em về nhà tập hoặc nhờ thầy chỉ thêm”.
Điều đáng nói là cả bố mẹ Thịnh cũng bị mù, chủ yếu sống nhờ vào số tiền công ít ỏi từ việc làm tăm, bó chiếu.
“Có một dạo Thịnh mê đàn cò lắm. Cháu cứ khóc đòi mua hoài. Mãi sau này hai vợ chồng tôi mới dành dụm được ít tiền cộng với tiền hỗ trợ từ một nhà hảo tâm để mua được cây đàn cò cho cháu. Ngay ngày hôm đó, Thịnh mân mê và kéo đàn đến gần sáng mới chịu ngủ. Khi sinh ra cháu đã thiệt thòi hơn các bạn, giờ thấy cháu có niềm vui thích như vậy, tôi cũng mừng!”, cha Thịnh nói.
Trở thành cá nhân duy nhất trong số 10 kỷ lục châu Á được công nhận lần này, Thịnh kể vui rằng vào năm 2011 em được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục, cậu bé lại nghe nhầm là… kỷ luật. Thế là suốt mấy ngày liền, Thịnh cứ sợ bị bắt vào TP.HCM để… chịu phạt.
Ngày 26.5, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings) sẽ tổ chức ngày hội ngộ các kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 22 tại TP.HCM, trong đó vinh danh 10 kỷ lục châu Á Việt Nam bao gồm:
1. Ngôi chùa (trên đỉnh núi) bằng đồng lớn nhất: chùa Đồng ở Yên Tử
2. Hành lang 500 vị la hán dài nhất của chùa Bái Đính (Ninh Bình)
3. Tượng Phật Thích Ca bằng đồng dát vàng lớn nhất ở chùa Bái Đính (Ninh Bình)
4. Tượng Chúa Kitô lớn nhất ở đỉnh núi Tao Phùng (Vũng Tàu)
5. Cậu bé mù chơi được nhiều nhạc cụ nhất: Bùi Ngọc Thịnh (Khánh Hòa)
6. Hệ thống di tích lịch sử nhà tù trên đảo lớn nhất: nhà tù Côn Đảo
7. Hang động khô dài nhất: động Thiên Đường, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng
8. Địa đạo dài nhất: địa đạo Củ Chi, TP.HCM
9. Tượng Phật Quan Thế m bằng hoa lớn nhất: ở chùa Linh Phước (Đà Lạt)
10. Sách độc bản Thi vân Yên Tử lớn nhất do GS-TS Hoàng Quang Thuận thực hiện, khổ 125x80x16cm.
Nguồn: Thiên Hương – Báo Thanh Niên