Dù còn nhiều vất vả trong cuộc sống do cơ thể khiếm khuyết, nhưng những người khuyết tật (NKT) luôn khao khát được làm việc, được sống bằng chính sức lao động của mình. Với khát khao ấy, cùng sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, các hội, đoàn thể và toàn xã hội đã có một bộ phận không nhỏ NKT vươn lên vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Nghị lực vượt khó
Vốn là một đứa trẻ thông minh khỏe mạnh, nhưng không may bệnh tật đã khiến cậu bé Tuấn không thể tự đi lại trên đôi chân của mình. Nhưng với nghị lực phi thường, niềm đam mê học tập da diết, đứa trẻ tàn tật hôm nào đã tạo nên những điều kỳ diệu, được xem là một “thần đồng toán học” và là một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó. Đứa trẻ ấy nay đã là người thầy ngồi xe lăn lên bục giảng – thầy Lê Hữu Tuấn (sinh năm 1983), xã Đông Thịnh (Đông Sơn).
Được biết kết thúc ba năm học THPT, Tuấn dự thi vào lớp học tài năng Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Hồng Đức và là thủ khoa của kỳ thi. Ra trường, nhiều cơ quan, trường lớp mời Tuấn về làm việc và giảng dạy, nhưng Tuấn đã từ chối. Bởi trong thời gian đó, nhiều em học sinh đến nhờ Tuấn dạy ôn thi đại học và rồi ý tưởng lóe lên trong anh. “Khi đó, tôi tự nhủ rằng mình có thể làm thầy giáo theo đúng mong ước và ngay tại nhà”, thầy Tuấn chia sẻ…
Bao năm qua, hình ảnh người thầy với chiếc xe lăn lên lớp đã nức tiếng gần xa. Không chỉ nổi tiếng nhờ nghị lực phi thường của người thầy mà lớp học của Tuấn còn được biết tới về số lượng học sinh đến lớp (từ khắp các xã, huyện, vùng lân cận thậm chí cả tỉnh khác), nhất là số lượng các học sinh thầy dạy thi đỗ vào đại học, tính ra con số đã lên tới hơn 800 học sinh.
Hay như tấm gương của anh Phạm Văn Nhu (sinh năm 1987), xã Nga An (Nga Sơn) bị liệt chân phải từ nhỏ, cuộc sống gia đình lại nghèo khó, năm 18 tuổi, anh bắt đầu đi làm thêm để phụ giúp cha mẹ. Anh làm công việc giữ xe cho các cửa hàng, sau đó xin may gia công cho một công ty với thu nhập 600 ngàn đồng/tháng. Năm 2006, Nhu được giới thiệu học nghề sửa chữa điện tử. Sau 3 năm học nghề, được sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, Nhu đã mở cửa hàng mua bán, sửa chữa điện tử tại nhà. Nhờ siêng năng, khéo léo, tỉ mỉ, nhất là khả năng hành nghề tốt nên cửa hàng của Nhu ngày càng đông khách. Nhu tâm sự: “Để có được việc làm ổn định đối với người bình thường đã khó, với những NKT như chúng tôi lại càng khó hơn. Mình có được công việc như ngày hôm nay ngoài sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân còn có sự giúp đỡ của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi (BTNTT&TMC) huyện.
Đối với NKT, tuy bước đầu tham gia lao động thực sự để tự nuôi sống bản thân có gặp khó khăn, nhưng họ cảm thấy tự hào vì mình có được một nghề trong tay và việc làm để không phụ thuộc vào gia đình, xã hội. Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều những tấm gương NKT tiêu biểu đã vươn lên chiến thắng hoàn cảnh khó khăn. Để gây dựng được cuộc sống mới cần phải có nghị lực mạnh mẽ. Chính sự tự tin, lòng kiên nhẫn đã giúp họ đứng vững và vượt lên số phận, hòa nhập cộng đồng.
“Bệ phóng” cho khát vọng khởi nghiệp
Theo số liệu thống kê của Hội BTNTT&TMC tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 217 nghìn NKT và trên 21 nghìn TMC. Để trợ giúp NKT ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách vận động toàn dân chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với NKT và TMC. Nổi bật là các phong trào nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu NKT; xây dựng quỹ bảo trợ, quỹ xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ làm nhà, tặng xe lăn, xe lắc, xe bại não; phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng; chương trình khuyến học, khuyến tài… Đặc biệt là từ khi có Pháp lệnh về người tàn tật thì mục tiêu giáo dục và tạo việc làm cho NKT được xác định là nhiệm vụ quan trọng cần sự chung tay của toàn xã hội.
Song song với chương trình hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm là dự án hỗ trợ sinh kế giảm nghèo cho NKT với các hoạt động như: Trao bò vàng sinh kế, lợn giống sinh sản, xây công trình vệ sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho NKT… Nhờ đó, NKT được gặp gỡ, giao lưu, học tập cùng những người đồng cảnh ngộ giúp họ phấn khởi, vơi đi tư tưởng nặng nề về bệnh tật, tâm lý mặc cảm, tự ti, có thêm động lực chủ động vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Sau hơn 6 năm triển khai dự án, đã có trên 1.000 hộ được hỗ trợ về phương tiện, học bổng; hỗ trợ xây dựng công trình; hỗ trợ khác. Đến nay đã có 92% hộ gia đình là NKT tham gia mô hình sinh kế đã thoát nghèo. Qua triển khai mô hình, tất cả hộ tham gia đều nắm bắt được đầy đủ các quy trình kỹ thuật, tổ chức sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho gia đình. Dù nguồn vốn hỗ trợ chưa nhiều nhưng đã tạo thêm nguồn lực để NKT vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, để NKT có thêm kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tháng 1 năm 2019, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức khóa đào tạo khởi nghiệp cho gần 100 NKT. Tại đây, các chuyên gia kinh tế đã truyền đạt những kinh nghiệm, định hướng và trang bị những kiến thức, kỹ năng giúp NKT khởi nghiệp bằng những mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, tạo việc làm và thu nhập cho mình và cho gia đình.
Cùng đồng hành với các cấp hội trong những năm qua, Hội BTNKT&TMC tỉnh đã tích cực vận động các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp xây dựng quỹ hội với số tiền trên 51 tỷ đồng (bằng tiền và hiện vật quy ra tiền). Từ nguồn quỹ có được Hội BTNTT&TMC đã phối hợp với các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tổ chức phẫu thuật thay thủy tinh thể, chỉnh hình và phục hồi chức năng; phẫu thuật tim; cấp xe lăn, xe lắc, xe bại não miễn phí; tặng xe đạp; trao học bổng; xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhà tình thương… giúp NKT vượt lên số phận và khiếm khuyết của cơ thể tạo nên những kỳ tích bằng chính nghị lực phi thường của mình.
Nguồn: Trần Hằng – Báo Thanh Hóa