Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì vậy, cần đảm bảo cung cấp đầy đủ sữa mẹ cho trẻ để tạo tiền đề tốt nhất giúp trẻ phát triển tối đa các tiềm năng. Tuy nhiên, một chế độ dinh dưỡng không những đảm bảo được chất lượng sữa mẹ tốt nhất – đáp ứng nhu cầu của trẻ cho quá trình tăng trưởng và phát triển, mà còn giúp người mẹ lấy lại vóc dáng, tránh thừa cân – béo phì. Muốn vậy, người mẹ cần được cung cấp vừa đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng từ thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Để đảm bảo các mong muốn trên thì các phụ nữ cho con bú nên tuân thủ các nguyên tắc sau:
Thứ nhất: Cần uống đủ nước hàng ngày cho bà mẹ nuôi con bú.
Thông thường bà mẹ sẽ uống nước khi khát và uống cho đến khi hết khát. Tuy nhiên, với bà mẹ đang cho con bú do quá trình tiết sữa sẽ làm cho bà mẹ bị thiếu nước. Vì vậy, uống nước đủ sẽ giúp bà mẹ đáp ứng yêu cầu gia tăng về sản xuất sữa. Tốt nhất là các bà mẹ nên uống nước trắng, hoặc có thể là nước trái cây hoặc sữa.
Tùy theo cân nặng và lứa tuổi sẽ cần lượng nước khác nhau, tuy nhiên, cần uống khoảng 2.500 ml/ngày.
Thứ hai: Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con bú.
Năng lượng
Trong thời kì cho con bú, hoạt động chuyển hóa của cơ thể tăng, khối lượng cơ thể tăng dẫn đến nhu cầu năng lượng của bà mẹ khi cho con bú tăng lên so với chưa mang thai. Nếu năng lượng cung cấp không đủ trong một thời gian dài, bà mẹ dễ bị thiếu năng lượng trường diễn, trẻ dễ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai. Ngược lại, cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu kéo dài sẽ dẫn đến tích lũy năng lượng thừa dưới dạng mỡ, bà mẹ tăng cân quá mức dẫn đến nguy cơ thừa cân – béo phì.
Việc bổ sung thức ăn cho các bà mẹ cho con bú phụ thuộc nhiều vào tình trạng dinh dưỡng của mỗi bà mẹ, mức tăng cân trong thời gian mang thai. Theo khuyến nghị về nhu cầu năng lượng cho người Việt Nam, các bà mẹ cho con bú cần được cung cấp thêm 500 kcl/ngày.
Protein
Protein là thành phần cơ bản của các vật chất sống. Protein tham gia vào thành phần cấu tạo nên tế bào. Protein là thành phần quan trọng của các hormon, các enzym (men), tham gia quá trình sản xuất kháng thể. Protein cũng tham gia vào hoạt động điều hòa chuyển hoá, duy trì cân bằng dịch thể. Ngoài ra, protein còn có vai trò quan trọng trong vận chuyển các chất dinh dưỡng qua thành ruột vào máu và từ máu đến các mô của cơ thể và qua màng tế bào.
Bữa ăn của bà mẹ cần phối hợp giữa protein động vật và protein thực vật. Các thực phẩm cung cấp protein động vật bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, thủy hải sản… Các thực phẩm cung cấp protein thực vật bao gồm đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác và vừng lạc.
Nhu cầu protein trong 6 tháng đầu được tăng thêm so với người trưởng thành là 19 gam/ngày. Sáu tháng tiếp theo sẽ tăng thêm 13 gam/ngày.
Lipid
Lipid trong cơ thể đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc màng tế bào và dự trữ trong các mô như nguồn năng lượng dự trữ của cơ thể. Lipid là dung môi để hòa tan các vitamin tan trong chất béo, mặt khác lipid cũng là thành phần cung cấp năng lượng quan trọng trong khẩu phần. Nguồn cung cấp lipid là dầu, mỡ và các loại hạt có dầu như lạc, vừng, hạt điều…
Đối với bà mẹ cho con bú, nhu cầu lipid được khuyến nghị từ 25 đến 30% năng lượng tổng số, tối thiểu cũng đạt 20% năng lượng của khẩu phần. Khuyến nghị về tỷ lệ lipid động vật/lipid tổng số đối với người trưởng thành hiện nay là không nên vượt quá 60%. Nên bổ sung thêm 10g/ngày so với trước khi mang thai.
Chất xơ, vitamin và chất khoáng
Cần cung cấp đủ chất xơ để hạn chế táo bón, cung cấp đủ vitamin và chất khoáng để mẹ đỡ loãng xương cũng như có sức khỏe tốt nhất để nuôi con bằng sữa mẹ theo đúng khuyến nghị.
Các mẹ cũng nên cho con bú nhiều lần trong ngày, cho bú đúng cách và khoa học cũng như duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hộ hoạt động thể lực vừa sức để không bị tăng cân quá nhiều, có thể sinh ra nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Nguồn: TS. BS Nguyễn Trọng Hưng – Tạp chí Sức Khỏe