“Em muốn làm võ sĩ để đổi đời, để lo cho ba khi ba già đi”. Đó là ước mơ của Nguyễn Trí Dũng, từng là “tay đấm nhí” của đội tuyển năng khiếu boxing tỉnh Bình Dương. Cậu bé mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn kiên cường chinh phục đỉnh cao…
12 tuổi, Dũng thật hồn nhiên nhưng cũng ẩn khuất nỗi buồn. Cậu vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh vì căn bệnh ung thư mô mềm. Nhưng sau 3 đợt hóa trị, Dũng đã kiên cường trở lại sàn tập với ước mơ chinh phục đỉnh cao.
Làm võ sĩ để đổi đời
Dũng biết ba buồn nên hiếm khi khóc trước mặt ba, ngay cả những ngày nằm viện trải qua bao đau đớn. “Con còn phải sống thật khỏe, lên đài thi đấu để sau này còn lo cho ba. Cả đời ba chỉ còn lại mình con” – cậu bé 12 tuổi nói “trọng trách” em tự nhận.
Và Dũng của hôm nay trái ngược với cậu bé rụng hết tóc, mỗi ngày đối diện với những cơn đau, ói ra mật vì hóa trị ung thư 6 tháng trước. Hôm 13-3, cậu là vận động viên nhỏ tuổi nhất được lên đài thi tuyển vào đội năng khiếu môn boxing của TP.HCM.
Cả hai trận đấu, Dũng đều thắng áp đảo. Cậu hầu như chỉ đánh bằng tay trái vì tay phải đang chấn thương dây chằng. Khuôn mặt hơi lầm lì nhưng nụ cười của Dũng giòn tan khi kể kỷ niệm được lên sàn chơi muay Thái, boxing từ khi mới học lớp 1.
“Hồi bé, em không biết ba là võ sĩ, em coi tivi thấy người ta đánh muay lên gối, xuống chỏ, bay người đẹp quá, thế là mê. Em cắt ống quần của ba, kêu mẹ nhồi vải vào làm bao cát tập muay thay vì mê đồ chơi. Lên 6 tuổi, ba bắt đầu cho em theo các thầy học võ” – Dũng nhớ lại.
Cũng từ đó, Dũng được ba là ông Nguyễn Phú Cường vốn là một võ sĩ tự do dạy võ, gởi học ở các lò luyện muay Thái, boxing, võ cổ truyền. Giữa nhiều chọn lựa, Dũng đã quyết định theo boxing từ 3 năm trước khi em mới 9 tuổi. Cậu là một trong những vận động viên nhí được tuyển chọn sớm vào tuyển năng khiếu Bình Dương để rèn luyện vào năm 2020 khi mới 11 tuổi. Tuy nhiên, vài tháng sau đó, cậu bị ung thư ở đùi trái, phải nghỉ tập, đi hóa trị ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Tôi ngồi đối diện cậu bé 12 tuổi vừa trải qua biến cố trong cuộc đời nhưng vẫn cháy bỏng khát khao chinh phục đỉnh cao. Dũng kể về người cha và cũng là thầy dạy võ đầu tiên của mình: “Hồi bé, em nghe ba kể về những ngày đi đánh đài ở Campuchia. Ba học võ tự do từ ông nội. Ông cố cũng là võ sĩ. Tính ra nhà em đến em là đời thứ tư luyện võ”.
Ai mới gặp sẽ khá bất ngờ khi nghe Dũng tâm sự đam mê võ của mình một cách dứt khoát, rõ ràng để đổi đời. Nhưng có biết về những ngày thơ ấu đầy sóng gió của Dũng mới có thể hiểu khao khát của cậu bé mạnh mẽ chừng nào.
Ông Cường kể: “Con 6 tuổi, tôi và vợ ly dị, hai cha con lang bạt từ Bình Dương lên Sài Gòn sống bằng nghề võ. Tôi đi dạy ở các câu lạc bộ. Lúc không dạy thì chạy Grab, tới 4h-5h chiều đóng app để đi đón con. Lúc trước, tôi còn dạy trong câu lạc bộ muay Thái ở trường học của con để tiện đưa đón.
Hai cha con suốt 6 năm nay thuê trọ ở TP này. Năm ngoái, con phát bệnh, bạn bè và học viên tôi từng dạy võ góp tiền cho Dũng trị bệnh. Mọi người giúp tôi dựng cái lớp võ nhỏ này để chiến đấu với căn bệnh của con và kiếm sống”.
“Em muốn được lên đài, gặp những đối thủ lớn hơn mình. Có lần, em giao đấu với một anh lớn hơn về cân nặng và kinh nghiệm, bị anh đánh chảy máu mũi nhưng em rất vui. Vì đó là một trận đấu em được học hỏi, được cống hiến hết mình cho võ thuật” – Dũng chia sẻ.
“Em muốn sống thật vui cùng sàn đấu”
Lớn lên và thương ba “gà trống nuôi con”, Dũng thường để ý từ những việc nhỏ đến lớn mà cha con phải trải qua. Để có thời gian đi làm, ông Cường phải xin cho Dũng học bán trú ở trường tư thục với học phí gần 4 triệu đồng mỗi tháng, thêm tiền trọ cha con 2 triệu/tháng. Suốt mấy năm nay, cậu bé thường đắn đo mỗi khi cô giáo gửi phiếu đóng học phí về cho ba.
“Em thấy ba nhiều lần mặt biến sắc khi nhận phiếu học phí. Thêm tiền thuê phòng tập cũng khoảng 7 triệu đồng, rồi tiền thuốc của em… . Vì vậy em mới xin ba cho em thi tuyển vào đội tuyển. Nếu được vào, em sẽ có lương vận động viên, đỡ được phần nào chi phí cho ba, và dù thế nào em cũng muốn sống thật vui cùng sàn đài” – Dũng trải lòng.
Nhưng khá đáng tiếc, dù đợt sơ tuyển vận động viên năng khiếu môn boxing vừa qua Dũng thắng áp đảo 2 trận, em vẫn trượt vào đổi tuyển năng khiếu boxing TP.HCM vì mới 12 tuổi, khi quy định chọn vận động viên phải từ 13 – 18 tuổi. “Ảnh về nhà lầm lì nguyên ngày không nói gì, cái tay đau dây chằng mà cứ đòi tập với ba, tôi biết nó buồn lắm… Nhưng đã chọn con đường võ sĩ thì phải kiên cường” – ông Cường nói.
Cục bướu ác tính trước đây vốn sưng to khiến Dũng đi lại khó khăn nay đã xẹp hẳn. Nó để lại một vết lõm lớn trên đùi trái của cậu bé nhưng không làm Dũng nhụt chí. “Lúc không đi lại được, em chỉ lo què giò, không lên đài được thì chắc buồn lắm và càng thương ba” – Dũng chỉ vào cục bướu vừa thử thách ý chí của hai cha con ở sàn đời.
Hiện nay, hai cha con dù rất cố gắng nhưng vẫn đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Ông Nguyễn Phú Cường tâm sự: “Cha con tôi đã nhận được ân tình từ nhiều anh em, bạn bè lúc nguy khó, tôi muốn trả nghĩa cho cuộc đời bằng nghiệp võ của mình. Lớp võ được duy trì sẽ giúp cha con tôi vượt qua khó khăn, tôi chỉ mong lớp có đủ 50 học viên mỗi tháng để duy trì cuộc sống và lo cho con lúc đau bệnh”.
Hiếm có phòng tập võ nào đơn sơ như phòng tập muay Thái Nguyễn Trí Dũng ở một hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Tư Giản, quận Gò Vấp, TP.HCM. Phòng tập chỉ chừng 100m2. Không sàn đài, không những dụng cụ thể thao đắt đỏ nhưng 6 tháng qua là nơi khởi đầu cho ý chí không gục ngã, kiên cường vượt qua bệnh tật và chinh phục đỉnh cao mơ ước của cha con cậu bé võ sĩ Nguyễn Trí Dũng.
“Theo luật, vận động viên năng khiếu được tuyển vào đội tuyển boxing TP.HCM sau 2 năm phải có thành tích. Vì vậy, tuy đã cân nhắc, trường hợp của Dũng chúng tôi thấy cần có thêm thời gian cho em hồi phục sức khỏe và tập luyện thêm. Về góc độ cá nhân, chúng tôi thấy Dũng đam mê võ và lại được gia đình ủng hộ.
Dũng có tố chất chơi võ, không biết sợ đối thủ nào khi lên đài. Nếu có thể giúp, tôi nghĩ cần có cách làm lâu dài, được nhiều người hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần như lập một quỹ chung để bảo trợ cho em cũng như các vận động viên khó khăn hay hoàn cảnh tương tự” – ông Cổ Tấn Anh Linh, phó chủ tịch Liên đoàn Boxing TP.HCM.
Theo Lê Vân – Tuổi Trẻ