Châm cứu thẩm mỹ là một phương pháp không dùng thuốc đã có từ ngàn năm, nay nâng lên một bước khi kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại trong việc trị liệu, phục hồi Sức khỏe và Thẩm mỹ, nâng cao chất lượng sống ngày càng cao của mọi người, đó là Khỏe và Đẹp.
Hiểu về châm cứu
Châm và cứu là hai phương pháp phòng và chữa bệnh có rất sớm ở phương Đông.
Châm: dùng các loại kim khác nhau tác động ở những điểm, bộ phận đặc biệt trên cơ thể con người (huyệt); sau khi châm vào da thịt, căn cứ vào bệnh tình và thể chất người bệnh khác nhau mà dùng thủ pháp phù hợp nhằm đạt đến mục đích thông kinh hoạt lạc, khử tà phù chính (khử bệnh tật, nâng cao sức đề kháng của cơ thể) mà phòng chữa bệnh, phương pháp này gọi chung là châm.
Cứu: dùng lá ngải khô để chế thành ngải nhung, rồi lại dùng ngải nhung chế thành viên to nhỏ như mồi ngải, hoặc cuốn thành điếu ngải, đốt lửa xong trực tiếp hoặc gián tiếp hơ hoặc đặt lên huyệt vị nhất định của cơ thể người bệnh, thông qua sự kích thích ấm nóng này làm cho thông kinh lạc đạt mục đích chữa bệnh và phòng trừ bệnh tật.
Hai phương pháp trên tuy khác nhau nhưng sử dụng huyệt vị giống nhau, có khi cùng châm và cứu, thông thường gọi là phép châm cứu.
Công dụng của châm cứu: Theo lý luận y học cổ truyền, trong cơ thể, âm và dương phải cân bằng nhau thì cơ thể mới khỏe mạnh, khi âm dương mất cân bằng thì sinh ra bệnh tật. Bệnh tật phát sinh do nguyên nhân bên ngoài (tà khí), hoặc do nguyên nhân bên trong cơ thể bị suy yếu (chính khí hư). Nếu do nguyên nhân bên ngoài xâm nhập sẽ gây bế tắc sự vận hành của kinh khí, châm cứu vào các huyệt trên đường kinh để loại trừ tác nhân gây bệnh ra ngoài (gọi là khu tà). Nếu do nguyên nhân bên trong, chính khí hư, kinh khí không đủ thì châm cứu có tác dụng làm tăng kinh khí để đạt mục đích điều trị (gọi là bổ chính). Điều trị bằng châm cứu là nhằm điều hòa lại cân bằng âm dương. Cụ thể: nếu chính khí hư thì phải bổ, tà khí thực thì phải tả, bệnh nhiệt thì châm, bệnh hàn thì cứu. Điều hòa hoạt động bình thường của hệ kinh lạc.
Cơ chế tác dụng của châm cứu
Phản ứng tại chỗ: châm cứu vào huyệt là một kích thích gây một cung phản xạ mới có tác dụng ức chế cung phản xạ bệnh lý như: làm giảm đau, giảm co thắt cơ. Theo y học cổ truyền, khi châm cứu đúng huyệt sẽ thấy cảm giác đắc khí: tê tức nặng, da vùng châm đỏ hoặc tái, có cảm giác kim bị hút chặt xuống. Theo các nhà thần kinh, hiện tượng đó chỉ xảy ra ở vùng nhiều cơ, do kim kích thích làm co cơ, thay đổi vận mạch và tác động lên thần kinh cảm giác sâu.
Phản ứng tiết đoạn: dùng châm cứu kích thích vào các huyệt ở vùng da đó sẽ có tác dụng điều chỉnh các rối loạn bệnh lý của tạng phủ tương ứng trong cùng tiết đoạn.
Phản ứng toàn thân: Khi điều trị một số bệnh, người ta dùng một số huyệt không ở cùng với vị trí đau và cũng không ở cùng tiết đoạn với cơ quan bị bệnh, vậy tác dụng điều trị của nó thông qua phản ứng toàn thân. Thuyết về phản ứng toàn thân cho phép giải thích tác dụng châm cứu của các huyệt ở xa vị trí bệnh lý và một số huyệt có tác dụng toàn thân, như Hợp cốc, Nhân trung…
Châm cứu điều trị những bệnh lý
Điều trị bằng châm cứu áp dụng cho 3 nhóm bệnh lý: Đau, Liệt, Rối loạn chức năng cơ thể. Cụ thể như sau:
Đau: Đau do thần kinh (đau thần kinh tọa), đau sau zona, đau cơ xương khớp: giãn dây chằng, đau do chấn thương, đau sau phẩu thuật, đau do thoái hóa khớp gối, vai, đau do thoái hóa cột sống cổ, lưng… các loại đau khác.
Liệt: liệt nửa người sau tai biến mạch máu não, liệt dây thần kinh III, IV, V, VI, VII, liệt dây thanh…
Rối loạn chức năng cơ thể: Cảm cúm, mất ngủ, viêm xoang, các bệnh về dạ dày, ruột; các bệnh rối loạn kinh nguyệt, rối loạn hô hấp, tim mạch, thần kinh, đau bụng kinh, di mộng tinh; tiểu dầm, tiểu bí.
Châm cứu ngày nay rất đa dạng về hình thức: hào châm, điện châm, thủy châm, nhu châm (cấy chỉ), mai hoa châm, đầu châm, nhĩ châm, túc châm…mà còn phong phú về mục tiêu, nội dung như châm cứu thẩm mỹ, châm cứu phục hồi sức khỏe, châm cứu trị liệu… trong đó mảng châm cứu làm đẹp được ưu tiên phát triển phù hợp xu thế thời đại là châm cứu thẩm mỹ.
Châm cứu thẩm mỹ
Trong lĩnh vực này hiện nay, nổi tiếng nhất là châm cứu giúp trẻ hóa khuôn mặt, cải thiện vẻ đẹp, làm chậm đi quá trình lão hóa vùng mặt. Ngoài ra châm cứu thẩm mỹ có thể được áp dụng tại nhiều vùng khác của cơ thể. Đây là phương pháp được đánh giá cao về độ an toàn và hiệu quả. Châm cứu thẩm mỹ có thể dùng đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp thẩm mỹ khác như bấm huyệt làm đẹp, ánh sáng trị liệu… góp phần đa dạng và phong phú phương pháp làm đẹp bài bản, khoa học, hiệu quả.
Châm cứu thẩm mỹ
Bằng cách chèn kim vào các huyệt trên mặt, tạo ra những vết thương siêu nhỏ không đau cho mô, từ đó đánh lừa não để kích thích sản xuất collagen và elastin làm mịn các đường và nếp nhăn ở khu vực đó. Quá trình này làm tăng lưu lượng máu và kích thích hệ miễn dịch làm giảm viêm, giảm căng cứng…
Làm mềm da, giảm nếp nhăn, nâng vùng da và cơ mặt bị xệ, làm sáng da, làm săn chắc và đều màu da. Châm cứu có công dụng rất kì diệu trong việc làm săn chắc cơ bắp và các mô sâu hơn trong cơ thể, giúp thả lỏng các mô cơ bắp sâu bên trong đang căng cứng quá mức, đồng thời làm săn chắc những mô quá lỏng lẻo. Rất hiệu quả cho việc nâng hay định hình vùng mặt như nâng: hai má, quai hàm và nâng cung mày cũng như làm đẹp toàn thân.
Thúc đẩy lưu thông máu để tạo nên làn da trắng hồng, cải thiện vóc dáng, cải thiện làn da.
Dưỡng ẩm da bằng cách tăng lưu thông máu và bạch huyết đến vùng da đặc biệt da mặt.
Làm săn chắc cơ mặt, tăng độ đàn hồi của da.
Loại bỏ nếp nhăn nhỏ và làm mềm các nếp nhăn sâu.
Nâng mí mắt sụp.
Giảm bọng mắt, thâm mắt.
Làm đầy các vùng hõm của da do bệnh lý hay thói quen, chấn thương…
Giảm những biểu hiện stress trên khuôn mặt và làm chậm quá trình lão hóa từ bên trong, cải thiện sức khỏe tổng trạng của cơ thể vì cơ thể là một thể thống nhất, tác động vào một vùng cũng gây tác dụng lên toàn bộ cơ thể.
Ngoài ra phương pháp châm cứu còn tác động lên hệ thống cân bằng năng lượng của cơ thể, thiết lập lại cân bằng âm dương, loại bỏ những điểm tắc nghẽn. Phương pháp châm cứu thẩm mỹ tác động đáng kể tới ngoại hình của cơ thể.
Hiệu quả của châm cứu thẩm mỹ sẽ khác nhau tùy thuộc vào thể trạng và cơ địa, tuổi tác, lối sống và sự mất căng bằng nhiều hay ít của từng người.
Trước khi châm cứu thẩm mỹ sẽ phải thăm khám và đánh giá các vấn đề về sức khỏe xem điều kiện sức khỏe hiện tại của người đó có phù hợp với châm cứu thẩm mỹ hay không? Trong khi châm cứu hầu như không đau, không có cảm giác khó chịu. Kim châm cứu sử dụng rất nhỏ nên tạo cảm giác dễ chịu và an tâm. Kim sẽ được lưu khoảng 15-20 phút, khi gỡ kim thì hoàn toàn không đau và cảm thấy khuôn mặt đầy đặn, rất nhẹ nhàng sau đó. Để nhận thấy được sự khác biệt rõ rệt, nên kiên trì thực hiện khoảng 2- 3 liệu trình. Mỗi liệu trình từ 10-15 lần liên tục, làm 1 ngày 1 lần.
Phương pháp làm đẹp bằng nhu châm (cấy chỉ)
Cấy chỉ là phương pháp kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Đây là một phương pháp điều trị không dùng thuốc, bằng cách đưa một loại chỉ tự tiêu đặc biệt vào huyệt của hệ kinh lạc để duy trì sự kích thích lâu dài, qua đó tạo nên tác dụng điều trị như châm cứu. Chỉ có nhiều loại, phổ biến hiện nay là các loại chỉ làm từ Polymer như PDO, PCL hoặc chỉ làm từ Collagen hoặc chỉ làm từ vàng, được cấy vào bên trong da nhằm cải thiện vùng da bị lão hoá. Với cách làm này, các sợi chỉ sinh học sẽ được kết vào da tạo nên các khung đỡ với các điểm nối, giúp da căng tràn, nâng phần cơ da, làm đầy phần da bị sụp, xoá bỏ lớp chân chim, cải thiện vùng da chảy xệ, mang lại nhan sắc trẻ trung và săn chắc, giúp định hình gương mặt. Phương pháp này không phải là phẫu thuật, ít đau, ít xâm lấn, phục hồi nhanh chóng, không để lại sẹo, không tốn thời gian nghỉ dưỡng và tiết kiệm chi phí.
Trường hợp nào không nên châm cứu thẩm mỹ:
Người có cơ địa quá mẫn cảm, nhạy cảm, không chịu được tác động từ thủ thuật châm cứu.
Người mắc bệnh suy hô hấp, nhồi máu cơ tim, huyết áp.
Người bị lở loét, viêm nhiễm, có dấu hiệu hở da tại vị trí cần châm cứu.
Người mắc các bệnh lý ngoại khoa cấp tính như: viêm ruột thừa, viêm vòi trứng, thủng dạ dày…
Người có vấn đề về thần kinh, tinh thần không ổn định…
Người đang bị suy nhược cơ thể, rối loạn đông máu…
Phụ nữ đang có thai.
Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện châm cứu thẩm mỹ: Để gia tăng tác dụng châm cứu thẩm mỹ cần bổ sung một số vấn đề sau đây:
Tăng cường bổ sung rau xanh và các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, nhất là vitamin A, C, E… Nên kiêng: Đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn cay, thực phẩm chứa chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, cafein…).
Thực hiện lối sống hợp lý, không thức khuya, ngủ muộn…
Giữ cho tâm trạng được bình ổn, không quá vui, quá buồn, tránh căng thẳng, mệt mỏi, stress…
Nếu sử dụng mỹ phẩm cần tham khảo ý kiến thầy thuốc.
Không được tự ý ngưng điều trị khi chưa kết thúc liệu trình. Tái khám đúng kỳ để thầy thuốc theo dõi hiệu quả và điều chỉnh các vấn đề phát sinh.
Châm cứu thẩm mỹ là xu hướng thời đại, một phương pháp không dùng thuốc đã có từ ngàn năm, nay nâng lên một bước là kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại trong việc trị liệu, phục hồi sức khỏe và thẩm mỹ bắt kịp thời đại mới: dân tộc, khoa học, hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng sống ngày càng cao của mọi người là Khỏe và Đẹp.
Nguồn: BS CKII Huỳnh Tấn Vũ – Tạp chí Sức Khỏe