Hoàn thành mục tiêu của bạn cho cuộc sống sau 50 tuổi có thể đòi hỏi nhiều hơn, không đơn thuần chỉ là nỗ lực, mà còn đòi hỏi sự sẵn sàng khám phá con đường có thể nằm ngoài những gì bạn hiện biết.
Ngày quốc tế người cao tuổi viết tắt IDOP (International Day of Older Persons) là một ngày hành động Quốc tế do Liên Hiệp Quốc đặt ra nhằm tuyên truyền cổ động cho việc chăm sóc, bảo vệ các người cao tuổi trong mọi nước thành viên vào ngày 1 tháng 10 hàng năm.
Người cao tuổi và người già có giống nhau không?
Người cao tuổi: Từ đủ 60 tuổi trở lên (Theo Luật người cao tuổi 2009).
Người già:
Từ 70 tuổi trở lên (Theo Bộ luật hình sự 1999).
Từ đủ 75 tuổi trở lên (Theo Bộ luật hình sự 2015).
Chìa khóa để gia tăng hạnh phúc khi bạn già đi
Không có tuổi nào có thể khiến chúng ta phải từ bỏ ước mơ và buông xuôi đam mê của mình. Trải qua tuổi trẻ và giai đoạn đầu trưởng thành, bạn tích lũy nhiều kinh nghiệm phong phú, cả kinh nghiệm tốt hoặc xấu. Bạn có những sai lầm, có những bước rẽ, thử nghiệm những điều mới, gặp gỡ những người mới và dường như mỗi ngày đều có rất nhiều điều mới mẻ.
Ở tuổi 50, có thể bạn đã tích lũy sự khôn ngoan cần thiết để tạo lập cho mình một nền tảng vững chắc hơn với ý thức rõ ràng hơn về nơi cuộc sống của bạn đang diễn ra. Và sau đó, trong một nền văn hóa bị ám ảnh bởi tuổi trẻ và tuổi tác của chúng ta, bạn đột nhiên bị gắn mác “già”. Mọi thứ đều thay đổi.
Nhiều người nghĩ rằng tuổi già chỉ là một phòng chờ đợi sự kết thúc – hoặc người già yếu đi, bệnh tật và không còn sức khỏe hoặc coi tuổi già chỉ là thú vui tiêu khiển vô nghĩa. Bạn có thể cảm thấy đang đánh mất chính mình. Khi bạn gần đến ngày nghỉ hưu hoặc bạn buộc phải về hưu, bạn tưởng tượng cuộc sống của bạn sau 50 hoặc 60 là lúc bạn có thì giờ rỗi rãi, không còn phải làm việc hướng tới mục tiêu, không cần phải nỗ lực phát triển bản thân.
Nếu bạn xem tuổi già là khoảng thời gian mà bạn ngừng làm việc và ở không, bạn sẽ không thể trải nghiệm tất cả những niềm vui của con người: khám phá, phát triển, mở rộng. Không có tuổi nào mà chúng ta phải từ bỏ ước mơ và buông xuôi. Nghỉ hưu không có nghĩa là bạn từ bỏ mục đích sống, nếu bạn cảm thấy kiệt sức, buồn chán, hoặc có thái độ tiêu cực, điều đó có nghĩa là việc bạn cần làm đó là tái tạo bản thân?
Khi bạn có tuổi, bạn có thể đóng góp cho cuộc sống theo một cách mới, một cách phủ hợp với tình trạng của bạn ngày nay. Đó là món quà của giây phút hiện tại. Nó tươi mới và sống động với những cơ hội không bị ràng buộc với quá khứ. Có bốn chìa khóa để gia tăng hạnh phúc khi bạn già đi đó là:
1/ Tìm hiểu bản thân
Để quyết định xem bạn muốn cuộc sống của mình trông như thế nào, bạn cần hiểu rõ bản thân và chấp nhận sự thật sâu sắc hơn. Dành thời gian để suy ngẫm về câu hỏi này: Tôi muốn gì ở ngày mai? Đây không phải là những gì bạn nghĩ cuộc sống của bạn sẽ giống như thế nào sau 50 như khi bạn 20 tuổi và không phải về những gì người khác muốn bạn làm. Đây là việc khám phá xem bạn là ai và mang bạn về với thực tại.
2/ Buông bỏ những gì khiến bạn suy sụp
Để tạo ra cuộc sống tốt nhất có thể, bạn cần phải buông bỏ những gì không còn phù hợp với bạn, để bạn có năng lượng để theo đuổi những gì có thể. Nếu tuổi trẻ bạn đã dành quá nhiều thời gian của mình để lo cho sự nghiệp, hôn nhân và gia đình, thì sau 50 tuổi đừng để cuộc sống bị giới hạn bởi những điều ấy nữa. Hãy thử tự do làm tất cả những gì mà bản thân yêu thích, tự do theo đuổi những sở thích và trải nghiệm mà bạn không thể có được khi còn bận tâm đến những điều khác. Điều này sẽ giúp bạn hài lòng hơn với cuộc sống, từ đó lạc quan và yêu đời. Hơn nữa đối với người già, sống hạnh phúc giúp giảm bớt những căng thẳng và rất có lợi cho sức khỏe. Đó chính là tăng cường khả năng miễn dịch, giúp nhịp tim và sự lưu thông của máu ổn định.
Hạnh phúc không phải chuyện nhất thời mà là chuyện cả đời.
3/ Nhận biết rõ ràng về những gì bạn muốn
Có rất nhiều con đường bạn có thể đi để theo đuổi những gì bạn muốn, những gì bạn yêu thích. Nhiều người ở độ tuổi 50 và 60 đầu tư vào các cơ hội nghề nghiệp hoặc sở thích mới không phải để đạt được thành công về mặt vật chất, mà để đạt được ý nghĩa cuộc đời. Nếu bạn hối tiếc về những việc đã làm hay những việc còn dang dở chưa thực hiện được trong những năm tuổi trẻ, thì nay bạn có cơ hội hàn gắn các mối quan hệ và làm cho cuộc đời của bạn trở nên trọn vẹn. Hãy coi những năm 55 hoặc 60 khỏe mạnh của bạn là phần thưởng, hãy dành phần thưởng này để làm những gì bạn yêu thích.
4/ Hành động ngay
Nếu có điều gì đó bạn luôn muốn làm, bạn còn chần chừ gì nữa? Bạn đã tích lũy được sự khôn ngoan và kinh nghiệm trong những năm qua; Không có thời gian nào tốt hơn để tiếp tục các kế hoạch mà trước đây dường như là không thể. Mặc dù cuối cùng, bạn sẽ phải đối mặt với những khó khăn khi cơ thể già đi, nhưng trong thời điểm hiện tại bạn vẫn được ban cho cơ hội tận hưởng niềm hạnh phúc lớn lao hơn so với những gì bạn từng trải qua trước đây.
Hoàn thành mục tiêu của bạn cho cuộc sống sau 50 tuổi có thể đòi hỏi nhiều hơn không đơn thuần chỉ là nỗ lực, nó còn đòi hỏi sự sẵn sàng khám phá con đường mà có thể nằm ngoài những gì bạn hiện biết. Con đường dẫn đến hạnh phúc thường đòi hỏi sự tò mò, cởi mở và linh hoạt. Nhưng, hãy nhớ rằng, bạn không vượt qua ngọn đồi; bạn đang ở trên đỉnh núi. Cho dù bạn 18 hay 88, mỗi ngày là một cơ hội mới để tạo ra một cuộc sống mới.
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/mindful-anger/201702/4-keys-increase-your-happiness-you-get-older
Nguồn: CG Tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện – Tạp chí Sức Khỏe