Công nghệ cho người khuyết tật: Thách thức nhưng giá trị xã hội cao
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công nghệ cao như robot, trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối (IoT)… có thể tạo ra những sản phẩm và giải pháp giúp người khuyết tật hòa nhập tốt hơn với xã hội.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện trên thế giới có khoảng 1 tỷ người khuyết tật, nghĩa là trung bình cứ 7 người sẽ có một người bị khuyết tật thân thể. Riêng tại châu Âu và châu Mỹ, tỷ lệ này cao hơn, cứ 5 người lại có một người khuyết tật. Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, tính đến tháng 6/2015, có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số.
Ekso Bionic – thiết bị robot hỗ trợ người khuyết tật đi lại của Mỹ – một trong các quốc gia đi đầu trong việc phát triển các công nghệ hỗ trợ người khuyết tật. Ảnh: Ekso
Những con số trên cho thấy cộng đồng người khuyết tật đang chiếm một tỷ lệ đáng kể ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Cũng theo WHO, do khả năng lao động mất đi hoàn toàn hoặc giảm sút, tỷ lệ đói nghèo ở bộ phận này cũng cao gấp đôi so với người bình thường. Do đó, việc cải thiện cuộc sống và nâng cao khả năng lao động cho họ có thể tác động tích cực đến nền kinh tế. Tổ chức nhân đạo Scope (Anh) năm 2016 tính toán rằng, nếu hơn 1 triệu người tàn tật ở nước này có điều kiện hỗ trợ để làm việc thì nền kinh tế đã có thể tăng trưởng thêm 1,7% (giá trị khoảng 64 tỷ USD).
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công nghệ cao như robot, trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối (IoT)… có thể tạo ra những sản phẩm và giải pháp giúp người khuyết tật hòa nhập tốt hơn với xã hội. Qua đó, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển chung nhờ nâng cao hiệu suất làm việc của đối tượng này và giảm gánh nặng xã hội do họ có thể độc lập hòa nhập cuộc sống tốt hơn.
Tuy nhiên, đầu tư vào công nghệ dành cho người khuyết tật đang là một thách thức lớn. Arnon Zamir – Giám đốc đổi mới của dự án quốc tế vì người tàn tật TOM (Tikkum Olam Makers) Israel – chia sẻ với Báo Khoa học và Phát triển: “Công nghệ dành cho người khuyết tật là lĩnh vực rất đặc thù vì tính chuyên biệt của nó. Việc kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ vấp phải rào cản là giá thành sản phẩm quá cao trong khi đối tượng khách hàng lại rất hạn chế”.
Câu chuyện Israel – quốc gia có gần 20% dân số là người khuyết tật – hóa giải các thách thức để dẫn đầu thế giới về công nghệ dành cho người khuyết tật là một ví dụ điển hình trong lĩnh vực công nghệ đặc thù này.
Nguồn: Đình Nguyễn – Khoa học và phát triển